Bài học từ kỳ thi “lạm phát” điểm chuẩn

(BKTO) – Hàng chục thi sinh có điểm thi đạt gần tối đa (30 điểm) vẫn bị trượt đại học. Những con số trên gây ra không ít sự tiếc nuối, bên cạnh sự chủ quan khi đăng ký nguyện vọng của thí sinh, không thể không nói đến những bất cập của kỳ thi và phương thức tuyển sinh của các trường.



Gần 30 điểm vẫn trượt đại học - chuyện thật như đùa!

Mới đây, các trường đại học trên cả nước đã công bố điểm trúng tuyển năm 2021 theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Đáng chú ý, năm nay nhiều ngành học có mức điểm chuẩn “khủng” lên đến trên 29, thậm chí trên 30 điểm. Nếu không có điểm ưu tiên, thí sinh xét tuyển vào 1 số ngành kể cả có đạt mỗi môn 10 điểm cũng vẫn trượt.

Bàn luận về vấn đề này, TS. Lê Viết Khuyến - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, điểm chuẩn năm nay là sự bất ngờ lớn với thí sinh, khi đăng ký các nguyện vọng, hầu hết các em đều dựa vào điểm thi các năm trước để lựa chọn. Tuy nhiên điểm chuẩn khi công bố có ngành tăng 9 điểm, có ngành lại tăng 5-6 điểm so với năm trước, khiến thí sinh hụt hẫng. “Như vậy, việc Bộ GD&ĐT, các trường đưa ra lưu ý đối với thí sinh dựa vào điểm chuẩn các năm trước để đăng ký nguyện vọng là không chuẩn” - TS. Khuyến thẳng thắn.
                
   

Số thí sinh đăng ký dự thi thi tốt nghiệp THPT tăng là một trong những lý do khiến tăng điểm chuẩn năm nay. Ảnh: N.LỘC

   

Thông tin về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, một số trường hợp điểm cao nhưng không trúng tuyển đại học là bình thường; đồng thời cho biết có một số nguyên nhân dẫn đến tăng điểm chuẩn. Thứ nhất, số thí sinh đăng ký dự thi thi tốt nghiệp THPT tăng 11% so với năm trước (từ 900 nghìn lên hơn 1 triệu thí sinh). Số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng tăng 24% so với 2020.

Thứ hai, xu hướng chọn ngành của thí sinh cũng thay đổi do tác động của nền kinh tế trong điều kiện dịch bệnh. Thứ ba, một số điểm bài thi cao hơn năm ngoái, trong đó có môn tiếng Anh, kết quả cao hơn.

“Có thể điểm thi tốt nghiệp THPT không đánh giá được năng lực chuyên biệt của thí sinh đối với yêu cầu từng ngành, từng trường khác nhau, nhưng cũng có độ phân hóa tương đối tốt giữa các trường, các ngành” - Thứ trưởng cho biết.
         
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có 61 em trên 29,5 điểm nhưng vẫn trượt đại học. Bộ GD&ĐT cho biết, trong số 61 em này chỉ có duy nhất 1 em đăng ký 2 nguyện vọng, còn lại chỉ đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, tình trạng đạt điểm cao song không trúng tuyển có phần lỗi do thí sinh. Bởi, trên nguyên tắc, khi xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, nếu thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ được tiếp tục xét ở các nguyện vọng 2, 3. Tuy nhiên, nếu sắp xếp nguyện vọng không hợp lý, hoặc chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất, các thí sinh điểm cao vẫn có thể không trúng tuyển. Điều này đã xảy ra từ nhiều năm nay và không hẳn là may rủi. Nhất là từ năm nay, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần, song nhiều em đã không tận dụng, không khai thác hợp lý.

Đâu là giải pháp?

Thí sinh đạt điểm gần tối đa mà vẫn không đỗ đại học, ngoài lỗi của thí sinh, còn có phần trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục, các trường. Với mong muốn chấn chỉnh kịp thời, các chuyên gia đã lên tiếng đề xuất giải pháp cho vấn đề này.

TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, những mức điểm chuẩn “khủng” bắt nguồn từ việc đề thi tốt nghiệp THPT năm nay quá dễ, không có khả năng phân hóa học sinh khá và giỏi, dẫn đến thang đo điểm chuẩn “co giãn” không còn chuẩn. Đặc biệt ở môn Tiếng Anh, điểm thi quá cao khiến điểm chuẩn các ngành xét theo khối thi có môn này cũng tăng vọt. Bên cạnh đó, các trường đại học sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau như xét điểm học bạ, xét kết hợp… dẫn đến giảm chỉ tiêu dành cho xét theo điểm thi.

Để khắc phục tình trạng này, TS. Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, về lâu dài, Bộ GD&ĐT cần xây dựng các trung tâm khảo thí chung của cả nước, nâng cao chất lượng đề thi. Nếu trong vài năm tới vẫn sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển đại học thì cần có sự phân hóa rõ ràng.

Trong khi đó, PGS,TS. Tạ Hải Tùng (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, điểm chuẩn thể hiện sự quan tâm và đánh giá của người học về chất lượng đào tạo của một cơ sở giáo dục, tuy nhiên, nếu điểm chuẩn "được thiết kế" cho mục đích “đánh bóng”, trong khi không quan tâm đến nâng cao chất lượng giảng dạy thì về lâu dài sẽ lợi bất cập hại và người thiệt thòi nhất chính là các thí sinh đã đặt niềm tin vào cơ sở giáo dục đó.
                
   

Nhiều ý kiến cho rằng không nên dùng điểm thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ xét tuyển, vì không có tính phân loại. Ảnh: N.LỘC

   

Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận một thực tế, dù kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức nghiêm túc, nhưng rõ ràng các trường cần hạn chế sử dụng điểm của kỳ thi này trong xét tuyển, vì ý nghĩa thi tốt nghiệp đã làm giảm tính phân loại năng lực thí sinh.

“Ngay từ bây giờ, phụ huynh nên điều chỉnh mục tiêu học tập và ôn thi cho con em mình, trong đó quan trọng nhất là chú trọng học thực chất ở tất cả các cấp học và trong điều kiện có thể cũng cần chú trọng tới các chứng chỉ quốc tế” - PGS,TS. Tạ Hải Tùng gợi ý.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Bài học từ kỳ thi “lạm phát” điểm chuẩn