Đây cũng là nội dung được đề cập tại Hội nghị đánh giá về tình hình triển khai năm học mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức theo hình thức trực tuyến chiều 20/9.
Linh hoạt tổ chức dạy học ứng phó với dịch Covid-19
Báo cáo tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học,Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, trước bối cảnh đặc biệt khi dịch Covid-19 lan rộng và diễn biến khó lường, Bộ GD&ĐT đã tăng cường tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản về thực hiện nhiệm vụ năm học.
Bên cạnh những nội dung chỉ đạo thường kỳ đầu năm học mới, Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo “đột xuất” như: tiếp nhận học sinh “mắc kẹt” vì Covid-19; điều chỉnh nội dung dạy học cấp tiểu học và trung học…
Các địa phương tận dụng thời gian "vàng" để cho trẻ đến trường. Ảnh: N.LỘC |
Từ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để tổ chức dạy học linh hoạt, với đa dạng hình thức, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh. Trong đó, địa phương cơ bản kiểm soát được dịch đã tận dụng thời gian “vàng” để dạy học trực tiếp; địa phương đang thực hiện giãn cách thì dạy học trực tuyến hoặc kết hợp với học qua truyền hình.
Tính đến ngày 20/9, có 25 địa phương hiện đang tổ chức dạy học trực tiếp cho 100% học sinh; có 14 địa phương kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình. Còn lại 24 địa phương tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình. |
Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng của dịch bệnh với hơn 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, do dịch bệnh nên học sinh trên địa bàn Thành phố vẫn chưa thể đến trường. Thực hiện hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, ngay từ tháng 8/2021, ngành Giáo dục Thủ đô đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm học, đặc biệt quan tâm đến dạy học trực tuyến ở các cấp học.
“Theo thống kê, hiện 100% trường phổ thông trên địa bàn đều dạy học trực tuyến và học sinh tham gia đạt 100%. Việc dạy và học cơ bản ổn định” - thông tin điều này, ông Phạm Xuân Tiến đồng thời cho biết, Sở GD&ĐT Hà Nội đang chuẩn bị để tham mưu Thành phố về việc triển khai dạy học trên truyền hình. Địa phương cũng tiếp tục tập trung xây dựng, làm phong phú thêm kho học liệu điện tử phục vụ công tác dạy học.
Tương tự, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thực hiện giãn cách xã hội; nhiều giáo viên, học sinh là F0, F1. Để ứng phó với tình hình dịch bệnh, ông Tạ Hồng Lựu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, ngay từ đầu năm học, ngành GD&ĐT tỉnh đã tập trung triển khai, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm với phương châm xuyên suốt cả năm học là: thích ứng, chủ động, đa dạng, linh hoạt, phù hợp.
Sở GD&ĐT đã hướng dẫn, chỉ đạo các nhà trường chuẩn bị tốt điều kiện để triển khai thực hiện các hoạt động dạy học, chuẩn bị các kịch bản tổ chức hoạt động giáo dục năm học 2021-2022; xây dựng phương án bố trí việc khai giảng, đi học chủ động, linh hoạt để ứng phó, xử trí phù hợp với dịch bệnh Covid-19 ở mỗi địa phương theo 3 cấp độ...
Giảm tải chương trình, không giảm chất lượng
Mặc dù các hoạt động dạy và học diễn ra trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh, song quan điểm được toàn ngành Giáo dục thống nhất thực hiện xuyên suốt các cấp học, các hình thức học, đó là không giảm tiêu chí đánh giá, giảm chất dạy học.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để triển khai việc dạy và học ứng phó với dịch bệnh, Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông với các cấp học. Trong đó, thực hiện tinh giản tối đa chương trình, chỉ giữ lại yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn/lớp học, không bắt buộc học sinh thực hiện nội dung học tập nâng cao, trùng lặp giữa các môn hay đã quá cũ so với kiến thức khoa học hiện đại. Một số nội dung được tích hợp theo chủ đề để tiết kiệm thời gian, phù hợp dạy học trực tuyến và trên truyền hình.
Bộ GD&ĐT lưu ý, dù dạy học theo phương thức nào, thì chất lượng dạy và học vẫn phải đảm bảo. Ảnh minh họa: N.LỘC |
Bộ cũng đã xây dựng 3 phương thức: dạy học trực tiếp, dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình giúp học sinh dù không đến trường vẫn có thể hoàn thành chương trình theo kế hoạch. “Tinh thần là đối với lớp 1, lớp 2 ưu tiên tổ chức dạy học trên truyền hình; với lớp 3 đến lớp 12 tổ chức dạy học trực tuyến là chủ đạo, dạy học trên truyền hình là bổ trợ, ưu tiên cho các lớp cuối cấp” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.
Đề cập đến vấn đề đánh giá chất lượng dạy và học, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đã yêu cầu nhà trường không được kiểm tra, đánh giá định kỳ nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, không yêu cầu; nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm. “Như vậy, các cơ sở giáo dục không kiểm tra, đánh giá định kì những nội dung, yêu cầu đã được tinh giản hoặc không có trong chương trình bắt buộc” - ông Trinh nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, dự kiến trong tuần này, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tập huấn về dạy học trực tuyến cho giáo viên; có bài kiểm tra để đánh giá kết quả tập huấn; đồng thời lưu ý các đơn vị, Sở GD&ĐT có cơ chế kiểm tra chất lượng dạy học trực tuyến phù hợp.