Khi có thêm công cụ bán khống và giao dịch T+0, TTCK Việt Nam sẽ sôi động hơn rất nhiều. Ảnh sưu tầm
Cú hích thanh khoản giúp thị trường sôi động hơn
Nội dung đáng chú ý trên nằm trong Dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu DN, chứng quyền có bảo đảm được niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán để thay thế cho Thông tư số 203/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015. Dự thảo đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.
Theo Dự thảo, giao dịch bán khống có tài sản bảo đảm (giao dịch bán khống có bảo đảm) là giao dịch bán chứng khoán đã vay trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán của Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Người bán sau đó có nghĩa vụ mua lại số chứng khoán đó để hoàn trả khoản đã vay. Các chứng khoán được phép giao dịch bán khống có bảo đảm là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán và đáp ứng các tiêu chí về: thời gian niêm yết, đăng ký giao dịch; quy mô vốn và kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành; tính thanh khoản và biến động giá (nếu có); minh bạch thông tin và nhiều tiêu chí khác. Trên cơ sở tiêu chí do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quy định, Sở Giao dịch chứng khoán công bố danh sách chứng khoán được giao dịch bán khống có bảo đảm hoặc chứng khoán không được giao dịch bán khống có bảo đảm.
Còn giao dịch trong ngày là giao dịch mua và bán cùng một mã chứng khoán với cùng một khối lượng giao dịch, thực hiện trên cùng một tài khoản và trong cùng một ngày giao dịch. Nhà đầu tư thực hiện các giao dịch trong ngày sau khi đã ký hợp đồng giao dịch trong ngày với công ty chứng khoán được cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán. Hợp đồng giao dịch trong ngày phải có điều khoản cho phép công ty chứng khoán thực hiện các giao dịch vay, giao dịch mua bắt buộc để hỗ trợ thanh toán trong trường hợp phát sinh thiếu hụt chứng khoán để chuyển giao; nêu rõ các rủi ro phát sinh, thiệt hại và chi phí phát sinh mà nhà đầu tư phải thanh toán.
Theo đánh giá của giới đầu tư cổ phiếu lâu năm, khi có thêm công cụ bán khống và giao dịch T+0, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ sôi động hơn rất nhiều. Nhà đầu tư sẽ bớt lỗ nếu ngay trong phiên được quyền bán cổ phiếu vừa mua.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, giao dịch T+0 và bán khống sẽ là cú hích giúp TTCK phát triển nếu Dự thảo được thông qua. Đặc biệt, giao dịch T+0 còn giúp thu hút lượng lớn các nhà đầu tư tham gia khiến vòng quay giao dịch tăng lên nhiều lần và thanh khoản sẽ tăng mạnh. Công cụ này cũng sẽ giúp Việt Nam cải thiện các tiêu chí đánh giá theo FTSE và MSCI. Từ đó, Việt Nam có thể sẽ được đánh giá nâng hạng sang thị trường mới nổi và thu hút được lượng lớn dòng vốn ngoại trong thời gian tới.
Vẫn nên thận trọng
Giới phân tích cho rằng, một TTCK cởi mở và phát triển thì cần phải có nghiệp vụ bán khống và giao dịch T+0. Tuy vậy, việc cho phép các giao dịch này sẽ giống con đường giao thông 2 chiều trong lĩnh vực tài chính.
Với quy định bán khống, công cụ này sẽ tạo cơ hội kiếm lời trên thị trường giá xuống. Giả sử, cổ phiếu XYZ đang trong đà giảm, những người dự báo giá còn giảm sâu nữa có thể vay mã này để bán, sau đó, khi giá về vùng thấp hẳn thì mua trả hàng và thu lợi. Cơ hội kiếm lợi 2 chiều (trên thị trường giá lên và giá xuống) sẽ giúp đồng tiền của nhà đầu tư linh hoạt gấp đôi hiện nay.
Tuy nhiên, câu chuyện George Soros từng sử dụng nghiệp vụ bán khống để tạo nên “ngày thứ Tư đen tối”, đánh sập thị trường tài chính Anh năm 1992 cho thấy một bức tranh khác: bán khống sẽ khiến TTCK bước vào một cuộc chơi khắc nghiệt. Với nhà đầu tư đại chúng, kiếm lãi trên thị trường lên đã khó, kiếm lãi khi giao dịch mở cả 2 đầu còn khó hơn.
Kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy, bên cạnh tác động tích cực, nghiệp vụ bán khống và T+0 tiềm ẩn nhiều hệ lụy cần lường trước, nhất là với nhà đầu tư đại chúng. Thứ nhất, khi nhà đầu tư giao dịch T+0 hay bán khống, biến động thị trường lớn sẽ dễ tác động tới tâm lý cũng như hành động giao dịch mà không đủ thời gian suy nghĩ. Khi nhiều nhà đầu tư cùng một hành động sẽ dẫn tới việc thị trường biến dạng theo những phản ứng quá đà của đám đông. Thứ hai, môi trường cho những tin đồn thất thiệt sẽ dễ gây nên sự hoảng loạn của đám đông, khi các tin đồn được tung ra kết hợp với diễn biến giá cổ phiếu trong ngắn hạn dễ dẫn tới hành động nhà đầu tư bán tháo theo xu hướng đám đông. Thực tế này dễ tạo ra hiệu ứng domino trên thị trường.
Giới chuyên gia cho rằng, bán khống và giao dịch T+0 như “con dao hai lưỡi” với cả người chơi và thị trường. Công cụ sẽ ích lợi với người biết sử dụng. Theo Chủ tịch HĐQT Lê Gia Holdings, việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong các giao dịch T+0 là hết sức thận trọng và không dành cho các nhà đầu tư ngoại đạo. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát các giao dịch có tính chất thao túng và xử lý dứt điểm các tin đồn trên thị trường. Đặc biệt, xử phạt thật nặng các cá nhân, tổ chức vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin vì đây là những tác nhân ảnh hưởng đến giá chứng khoán.
Chuyên gia phân tích chứng khoán Hoàng Đình Kế cũng cho rằng, cơ quan quản lý cần mở thị trường từ từ và thận trọng. Thời gian qua, chúng ta chưa phát hiện và cũng rất ít các giao dịch nội gián trên thị trường. Tuy nhiên, khi có sản phẩm bán khống thì việc giao dịch nội gián sẽ phát sinh và rất tinh vi, các cơ quan quản lý phải đặc biệt lưu ý đến việc này để ban hành những chính sách quản lý thị trường phù hợp.
HỒNG NHUNG