Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi |
Đây là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi tại Tọa đàm “Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch - thực tiễn và giải pháp” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức chiều 30/9.
Tham dự Tọa đàm có đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cùng gần 250 đại biểu đến từ 25 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố miền Bắc, 20 Liên chi Hội và 40 Chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, nhất là ở những thời điểm khó khăn, mang tính bước ngoặt, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch luôn có tầm quan trọng hàng đầu, gắn liền với nhiệm vụ trọng yếu bảo vệ con đường cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước và nhân dân.
Nghị quyết số 35/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa XII (ngày 22/10/2018) về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã xác định đây là cuộc đấu tranh hết sức khó khăn, phức tạp và lâu dài.
Do đó, công cuộc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ rất cần sự phối hợp trách nhiệm, đồng bộ, hệ thống của các bộ, ngành, địa phương, sự vào cuộc quyết liệt, bền bỉ của các lực lượng, đơn vị chức năng và đặc biệt là sự xung kích trên tuyến đầu của các cơ quan báo chí, truyền thông - những người lính trên mặt trận tư tưởng của Đảng.
Trong những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, báo chí đã tạo ra được một khí thế sôi nổi, lan tỏa và tạo động lực cho toàn xã hội trong việc tham gia vào các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước, trong đó có việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Báo chí tích cực phổ biến tư tưởng, chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, tuyên truyền hiệu quả các quyết sách lớn về chính trị - kinh tế của đất nước; nhận diện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chủ động đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, những quan điểm sai trái của các phần tử cơ hội chính trị; phê phán việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, vấn đề chủ quyền biển, đảo…
Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Ly |
Thực tiễn cho thấy, báo chí Trung ương với thế mạnh về nền tảng lý luận, tích cực thông tin sâu sắc mảng nội dung nghiên cứu chính trị, phân tích, khẳng định tính đúng đắn, khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyên truyền rộng rãi về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…
Nhiều tờ báo lớn đã tập hợp được các nhà khoa học, nhà lý luận, hoạt động thực tiễn có uy tín, viết bài trực diện đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với những tuyến bài có chất lượng cao, tạo hiệu ứng xã hội tốt trên các chuyên mục, chuyên trang nổi bật.
Trong khi đó, báo chí địa phương với đặc trưng khác biệt về địa lý, dân cư, văn hóa vùng miền lại có những phương pháp, cách làm riêng trong đấu tranh, ngăn chặn các đối tượng chống phá, thù địch, nhất là đối với các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền.
Với lợi thế thông thạo và bám sát địa bàn, báo chí địa phương luôn là những người nhanh chóng phát hiện vấn đề, kịp thời xử lý các điểm nóng, gióng hồi chuông cảnh báo, đưa ra giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn các quan điểm sai trái, phản bác các thế lực thù địch, góp phần tạo sự ổn định chính trị để phát triển kinh tế ở địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị các đại biểu, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, Liên chi hội và Chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương thảo luận và đóng góp ý kiến, làm rõ một số vấn đề:
Một là, vai trò của báo chí truyền thông trong việc nhận diện đúng đối tượng, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và phản bác những quan điểm sai trái, góp phần định hướng dư luận, bảo vệ Đảng và Nhà nước.
Hai là, về hoạt động thực tế, yêu cầu đặt ra trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đối với các cơ quan báo chí hiện nay; những đặc thù trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của từng đơn vị, địa phương với các yếu tố địa - chính trị khác nhau, các vấn đề dân tộc, tôn giáo, văn hóa vùng miền riêng biệt.
Ba là, làm rõ các kết quả đạt được, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn công tác đấu tranh, từ đó chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền trên báo chí về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Bốn là, vấn đề nâng cao phẩm chất chính trị, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho đội ngũ những người làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đào tạo, rèn luyện lực lượng tham gia đấu tranh phản bác trong tình hình mới. Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách thỏa đáng để động viên, khuyến khích đội ngũ nhà báo chuyên tâm với nghề, luôn giữ vững phẩm chất, đạo đức của người làm báo cách mạng./.