Báo chí với trọng trách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng!

(BKTO) - Trong bối cảnh hiện nay, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và lâu dài của các cơ quan báo chí và người làm báo Việt Nam. Nhận thức rõ được trọng trách này, các cơ quan báo chí đã và đang làm tốt công tác tuyên truyền để góp phần lan tỏa, tạo động lực cho toàn xã hội trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.



Chủ động, nỗ lực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, trong bối cảnh phát triển và hội nhập sâu rộng, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với các vấn đề phức tạp về tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ... Bên cạnh đó, với sự bùng nổ của công nghệ, thông qua các kênh phát thanh, truyền hình, mạng xã hội, các thế lực thù địch đã tạo lập diễn đàn, lập ra hàng nghìn kênh truyền thông, thường xuyên tổ chức các chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc, bịa đặt thông tin, gieo rắc tư tưởng độc hại, phá hoại niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Thông tin thêm về vấn đề này, Phó Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô Chu Quốc Dũng cho biết, mạng xã hội cùng các công cụ truyền thông đã giúp sức cho các đối tượng phản động lan truyền thông tin và tạo sóng trên mọi miền Tổ quốc, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội. Nếu chúng ta chậm chân, phản ứng kém, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, thông tin xấu, độc, giả, vu cáo, sai sự thật có thể lan truyền, tạo xu hướng tiêu cực, thậm chí liên thông thêm từ các địa bàn khác gây sức ép chính trị, quấy nhiễu hoạt động điều hành của chính quyền địa phương về nhiều mặt.

Từ việc nhận định bối cảnh trên, các ý kiến đều khẳng định nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của báo chí càng trở nên cấp thiết. Nhìn lại công tác này những năm qua, ông Nguyễn Đức Lợi đánh giá, báo chí đã tích cực phổ biến tư tưởng, chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, tuyên truyền hiệu quả các quyết sách lớn về chính trị - kinh tế; nhận diện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chủ động đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, những quan điểm sai trái của các phần tử cơ hội chính trị; phê phán việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, chủ quyền để kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong đó, báo chí Trung ương với thế mạnh về nền tảng lý luận đã tích cực thông tin sâu sắc mảng nội dung nghiên cứu chính trị, phân tích, khẳng định tính đúng đắn, khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhiều tờ báo lớn đã tập hợp được các nhà khoa học, nhà lý luận viết bài trực diện đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với những tuyến bài có chất lượng cao, tạo hiệu ứng xã hội tốt trên các chuyên mục, chuyên trang nổi bật. Trong khi đó, với lợi thế thông thạo và bám sát địa bàn, báo chí địa phương luôn nhanh chóng phát hiện vấn đề, kịp thời xử lý các điểm nóng, gióng hồi chuông cảnh báo, đưa ra giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn các quan điểm sai trái, phản bác các thế lực thù địch, góp phần tạo sự ổn định chính trị để phát triển kinh tế ở địa phương.

Nâng cao chất lượng tuyên truyền, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, theo ông Chu Quốc Dũng, các cơ quan báo chí cần nâng cao chất lượng thông tin, truyền thông về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuyên truyền những thông tin tốt và tích cực, làm cho những nội dung này thực sự là chủ đạo, chi phối đời sống tinh thần - xã hội, từ đó đẩy lùi các thông tin xấu, độc, tiêu cực.

Báo chí cần mở rộng và nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục, các bài đấu tranh tư tưởng; liên kết thông tin với mạng xã hội và các nền tảng truyền thông mới một cách phù hợp. Đồng thời, các cơ quan báo chí cả ở Trung ương và địa phương cần chủ động liên kết chặt chẽ với nhau và với các cơ quan quản lý nhà nước, tạo nên sự đồng bộ trong hệ thống thông tin, từ đó hình thành thế trận đấu tranh rộng khắp, thống nhất, chặt chẽ để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức trong sáng, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch.

Phó Tổng Biên tập Báo Vĩnh Phúc Trịnh Đình Quang cho rằng, mỗi cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan chủ lực, báo Đảng, báo địa phương cần thành lập một lực lượng trực tiếp làm công việc truyền thông, đấu tranh phản hồi các quan điểm, tư tưởng sai trái, các thông tin xấu. Đồng thời, có cơ chế, chính sách phù hợp để động viên, khuyến khích và bảo vệ lực lượng này trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Từ kinh nghiệm của Báo Nhân dân, nhà báo Phong Điệp lưu ý, các cơ quan báo chí cần tận dụng lợi thế của công nghệ và phát huy thế mạnh của các nền tảng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, từ đó bổ sung thêm kênh tiếp cận cũng như đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả, đồng thời nhanh chóng đưa thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước tới đông đảo công chúng trong nước và nước ngoài.

Với sự ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của mạng xã hội, các nhà báo sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội cần tương tác, bình luận, chia sẻ, đăng tải những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy, có ích cho xã hội và đất nước, phù hợp với thuần phong mũ thục, chuẩn mực đạo đức, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, cần thể hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, phù hợp với quan điểm của cơ quan chủ quản./.

NGUYỄN LY
Cùng chuyên mục
Báo chí với trọng trách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng!