Nâng cao khả năng huy động vốn cho hợp tác xã

(BKTO) - Với mục tiêu “mở đường” về cơ chế, chính sách để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, loại bỏ các quy định gây trở ngại, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, một trong những chính sách lớn trong Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) là hướng đến mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã (HTX) phát triển.




UBTVQH thảo luận Luật Hợp tác xã (sửa đổi).Ảnh quochoi.vn

Lập quỹ chung không chia, nâng tỷ lệ góp vốn

Để đáp ứng mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - đại diện Cơ quan soạn thảo - cho biết, Dự thảo Luật đã sửa đổi quy định giới hạn tỷ lệ giao dịch bên ngoài do Điều lệ HTX tự quyết định, Nhà nước không áp đặt một tỷ lệ cứng cho các tổ chức kinh tế hợp tác (Luật HTX năm 2012 quy định Chính phủ quy định chi tiết, Nghị định số 107/NĐ-CP quy định tỷ lệ không quá 50%).

Đáng chú ý, Dự thảo bổ sung quy định về quỹ chung không chia, yêu cầu trích lập vào quỹ chung không chia hằng năm tối thiểu 5% lợi nhuận từ các hoạt động giao dịch bên ngoài; tài sản chung không chia lạc hậu về kỹ thuật, công nghệ, bị hư hỏng, hết khấu hao thì được phép chuyển nhượng, định giá, thanh lý theo quy định của điều lệ và đưa vào quỹ chung không chia. Quỹ chung không chia và tài sản chung không chia không được chia lại cho thành viên trong mọi trường hợp, kể cả khi giải thể, phá sản. Ngoài ra, tỷ lệ vốn góp tối đa của thành viên HTX cũng tăng từ 20% lên 30% vốn điều lệ, của thành viên liên hiệp HTX từ 30% lên 40% vốn điều lệ.

Từ góc độ cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, quy định cụ thể hơn các vấn đề này. Theo cơ quan thẩm tra, quy định về quỹ chung không chia trong Dự thảo Luật chưa phản ánh rõ nét việc trích lập quỹ chung không chia từ lợi nhuận do giao dịch bên ngoài. Đồng thời, chưa quy định cụ thể về cách thức quản lý và sử dụng quỹ chung không chia nhằm phát huy hiệu quả tài chính, chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí để tạo sự yên tâm cho các thành viên HTX khi đồng thuận để lại một phần thu nhập của mình để đầu tư phát triển HTX. Ngoài ra, cần bổ sung quy định về điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể trong việc bàn giao tài sản chung không chia, quỹ chung không chia sau khi HTX giải thể, phá sản sang cho HTX khác.

Đồng tình với quan điểm này, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, việc trích lập quỹ chung không phân chia là một trong những đặc thù của HTX. Do đó, cần nghiên cứu kỹ hơn để thực hiện nguyên tắc “đối nhân không đối vốn”, đồng thời lại thu hút được người góp vốn cho hoạt động HTX. Theo đó, cần làm rõ hơn căn cứ để quy định mức trích lập quỹ không phân chia cho các loại hình HTX.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường băn khoăn: Dự thảo Luật quy định quỹ chung không chia được trích lập từ 5% lợi nhuận với HTX, 10% với Liên hiệp HTX và 15% với Liên đoàn HTX và vĩnh viễn không được chia quỹ này thì có áp đặt không, trong khi doanh nghiệp được quyền định đoạt thu nhập, tài sản?

Làm rõ quy định về tín dụng nội bộ trong hợp tác xã

Một điểm đáng chú ý khác là Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) quy định tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân được phép hoạt động tín dụng nội bộ theo quy định của pháp luật; bổ sung quy định hạch toán, kế toán riêng giao dịch bên trong và giao dịch bên ngoài của các tổ chức kinh tế hợp tác làm căn cứ thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với các tổ chức này.

Về quy định này, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần làm rõ về nội hàm, điều kiện để HTX được thực hiện tín dụng nội bộ, cách thức triển khai và quản lý hình thức tín dụng này, đồng thời phải quy định về nguyên tắc của hoạt động tín dụng nội bộ tại Dự thảo Luật, bảo đảm thống nhất với Luật Các tổ chức tín dụng vì tín dụng là hoạt động mang tính đặc thù và tiềm ẩn rủi ro cao. Ngoài ra, cũng cần tính toán thêm về các giải pháp để phát huy vai trò của Ngân hàng HTX, Quỹ Tín dụng nhân dân đối với việc tạo các điều kiện thuận lợi trong tiếp cận các nguồn lực của HTX.

Phân tích rõ hơn về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu, Luật Các tổ chức tín dụng nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng. Do đó, để vừa thể chế hóa được chính sách của Đảng, vừa đảm bảo phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng, Dự thảo Luật cần làm rõ và cụ thể hóa hơn nữa về điều kiện để tổ chức kinh tế hợp tác thực hiện hoạt động tín dụng nội bộ. “Hoạt động tín dụng mặc dù là nội bộ nhưng có quy tắc riêng, có những quy định rất chặt chẽ để quản lý. Nếu chúng ta mở rộng quá mà không kèm theo những điều kiện thì có thể có những rủi ro, nên cần cân nhắc vấn đề này” - ông Tùng nhấn mạnh.

Nhằm hỗ trợ cho các HTX trong tiếp cận nguồn vốn, Dự thảo Luật cũng quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế và các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần làm rõ nguồn hình thành, cơ chế vận hành và cơ quan chịu trách nhiệm quản lý Quỹ, nhằm bảo đảm phát huy tính tích cực của Quỹ trong việc hỗ trợ cho các HTX tiếp cận vốn, nhất là việc tiếp cận vốn để đầu tư phát triển khoa học - công nghệ; đồng thời bảo đảm tính hiệu quả, công khai, minh bạch của Quỹ này theo đúng chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW. Bên cạnh đó, phải làm rõ vai trò và chức năng của Quỹ để tránh chồng chéo, trùng lặp với vai trò và chức năng của Ngân hàng HTX và Quỹ Tín dụng nhân dân./.
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Nâng cao khả năng huy động vốn cho hợp tác xã