Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khớp nối trong hệ thống quy hoạch

(BKTO) – Trên cơ sở nhìn nhận rõ những tồn tại, bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành quy hoạch tổng thể quốc gia, tạo nền tảng cốt lõi nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khớp nối hệ thống quy hoạch; đồng thời tăng cường công tác phối hợp, tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo, lãng phí trong lập quy hoạch.



                
   

Quang cảnh phiên thảo luận của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Ảnh: VPQH

   

Bảo đảm cơ chế phối hợp giữa các cấp lập quy hoạch

Các đại biểu Quốc hội đánh giá, Báo cáo của Đoàn giám sát đã cho thấy bức tranh tổng thể, toàn diện từ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đến việc triển khai việc lập, thẩm định quyết định và phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch theo Luật Quy hoạch năm 2017. Về hạn chế, báo cáo đã chỉ ra tương đối toàn diện về những hạn chế, bất cập trong công tác quy hoạch như việc lập quy hoạch chậm triển khai và tiến độ lập quy hoạch chậm so với Nghị quyết 11 của Chính phủ. Luật Quy hoạch còn nhiều vướng mắc, các văn bản pháp luật về quy hoạch chậm được ban hành, nội dung còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo…

Đặc biệt, nhiều đại biểu nhấn mạnh thực trạng quy hoạch cấp dưới lập trong khi quy hoạch cấp trên chưa được lập hoặc đang lập đã gây ra khó khăn, mâu thuẫn, chồng chéo trong lập quy hoạch.

Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn Hà Giang) chỉ ra thực tế, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ lập quy hoạch mới được đưa vào vận hành trong thời gian ngắn và vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ xây dựng hệ thống quy hoạch quốc gia, đến chất lượng các quy hoạch. Việc phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa các Bộ, ngành và địa phương còn chậm và còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó khăn cho các địa phương khi lập quy hoạch.
                
   

Đại biểu Đỗ Thị Lan phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

   

Đồng quan điểm, theo đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh), các quy hoạch đang lập đều thực hiện tích hợp quy hoạch theo điểm c khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch. Quy hoạch cấp thấp hơn có thể được phê duyệt trước. Tuy nhiên quy hoạch cấp thấp hơn không phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn thì có thể phải điều chỉnh theo quy hoạch cấp cao hơn.

“Nếu không có cơ sở, không có cơ chế để trao đổi thông tin, cung cấp dữ liệu liên quan trong quá trình lập quy hoạch sẽ dẫn đến có thể phải điều chỉnh nhiều quy hoạch cấp thấp hơn, gây mất thời gian và lãng phí nguồn lực, đồng thời ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội” - đại biểu Lan nói và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện cơ chế trao đổi thông tin, cung cấp cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Theo đó, đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng cần cung cấp thông tin đã được Chính phủ thống nhất cho các Bộ, ngành, các tỉnh để lập quy hoạch về các nội dung như mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kịch bản phát triển, không gian phát triển, hạ tầng kết nối dự án ưu tiên đầu tư phát triển vùng, liên vùng, định hướng phát triển vùng, các ngành ưu tiên phát triển trong thời kỳ quy hoạch.

Đại biểu Lê Văn Dũng (Đoàn Quảng Nam) đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành quy hoạch tổng thể quốc gia, tạo nền tảng cốt lõi nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khớp nối hệ thống quy hoạch trong cả nước.

Trước khi quy hoạch tổng thể quốc gia được ban hành, để hạn chế mâu thuẫn phát sinh khi các quy hoạch được lập đồng thời, đại biểu thống nhất quan điểm của Viện nghiên cứu lập pháp về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Theo đại biểu “đây là giải pháp tối ưu nhằm hạn chế mâu thuẫn khi thực hiện đồng thời các loại quy hoạch và giải quyết các bất cập, vướng mắc phát sinh trong lúc chờ sửa đổi quy định có liên quan”.

Ban hành quy định về tiêu chuẩn tư vấn lập quy hoạch

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đó là những khó khăn, bất cập trong lựa chọn tư vấn lập quy hoạch. Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Yên Bái) nêu rõ, theo Báo cáo kết quả giám sát và tình hình triển khai thực tế tại các địa phương cho thấy, việc lựa chọn nhà thầu tư vấn lập kế hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác theo quy định của Luật Đấu thầu hiện nay rất khó khăn và bất cập do các yêu cầu đặt ra đối với đơn vị tư vấn rất cao. Trong khi đó, số lượng đơn vị tư vấn, lực lượng chuyên gia đáp ứng được các yêu cầu không nhiều. Mặt khác, hiện nay chưa có các quy định cụ thể về điều kiện năng lực, tiêu chí, tiêu chuẩn phân hạng tư vấn phù hợp với từng loại quy hoạch dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong lựa chọn tư vấn lập quy hoạch.
                
   

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

   

Thực tế triển khai cũng cho thấy việc đấu thầu lựa chọn tư vấn lập quy hoạch mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện trong khi không phải lúc nào cũng lựa chọn được tư vấn có năng lực thực sự.

Để công tác quy hoạch trong thời gian tới đạt hiệu quả, đại biểu Nguyễn Quốc Luận kiến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành sớm ban hành các quy định về điều kiện năng lực, tiêu chí, tiêu chuẩn phân hạng tư vấn và công khai danh mục kèm theo năng lực các tổ chức tư vấn lập quy hoạch để các địa phương có căn cứ lựa chọn phù hợp với từng loại quy hoạch.

Cùng với đó, cần ban hành đầy đủ các định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá đối với từng loại quy hoạch làm cơ sở cho việc lập và quản lý chi phí lập quy hoạch. “Khi đã ban hành đầy đủ các quy định về điều kiện năng lực của tư vấn lập quy hoạch và hệ thống định mức, đơn giá lập quy hoạch thì không cần phải áp dụng phương thức đấu thầu lựa chọn tư vấn lập quy hoạch mà xem xét điều chỉnh theo hướng cho phép các Bộ, ngành, địa phương được chỉ định thầu hoặc thi tuyển để lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tạo thuận lợi cho các Bộ, ngành, địa phương” - đại biểu Luận đề xuất.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn TP. Cần Thơ) nhấn mạnh,trong bối cảnh nước ta đang rất thiếu các đơn vị tư vấn đủ khả năng đối với một số quy hoạch then chốt, quan trọng cấp quốc gia, cấp vùng hoặc một số đô thị lớn thì Chính phủ cần có cơ chế riêng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan liên quan về cách thức lựa chọn và nguồn kinh phí để thuê được các tư vấn thực sự chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Theo đó, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan cung cấp danh sách tư vấn có nhiều kinh nghiệm, đã thực hiện các tư vấn quy hoạch tương tự và được đánh giá cao ở nước ngoài, phối hợp liên doanh với các đơn vị tư vấn hàng đầu của Việt Nam theo từng lĩnh vực cụ thể, thậm chí là mời họ tham gia đề xuất các phương án quy hoạch để lựa chọn được phương án tối ưu nhất - đại biểu Hùng nêu quan điểm./.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khớp nối trong hệ thống quy hoạch