Bảo đảm trang thiết bị y tế cho phòng, chống dịch Covid-19

(BKTO) - Cùng với công tác phát hiện, cách ly, điều trị và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (Covid-19) gây ra, việc đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh cũng là yêu cầu cấp thiết được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và lây lan rộng trên thế giới.




Cần đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: internet

Tăng tốc sản xuấttrang thiết bị y tế, máy thở

Ngay từ khi dịch Covid-19 mới xuất hiện ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ động triển khai các giải pháp, hỗ trợ bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào cho các DN sản xuất, kinh doanh cung ứng trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm… để đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bộ Tài chính chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi, nhanh nhất về thủ tục thông quan nguyên liệu, trang thiết bị phòng, chống dịch. UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các DN trên địa bàn ổn định sản xuất, bảo đảm nguồn cung trang thiết bị, vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch…

Nhận định tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường và vẫn có nhiều nguy cơ lây lan trên diện rộng ở nước ta, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 03/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục yêu cầu Bộ Y tế đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tập huấn về điều trị, sàng lọc, chuẩn bị bệnh viện dã chiến; tăng tốc việc sản xuất các trang thiết bị y tế, trong đó có máy thở bảo đảm chất lượng và giá thành phù hợp.

Chỉ đạo tại cuộc họp về phương án sản xuất máy thở phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng chỉ rõ, việc đáp ứng đủ nhu cầu máy thở cho hoạt động khám, chữa bệnh là đặc biệt quan trọng và cần thiết. Khi dịch bệnh bùng phát mạnh, nhu cầu sử dụng máy thở tăng cao, khả năng đáp ứng máy thở sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Khả năng sản xuất của các DN nước ngoài cũng không đủ cung ứng nhu cầu các nước trên thế giới. Trong tình hình đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất máy thở trong nước có ảnh hưởng sống còn đến quá trình kiểm soát dịch bệnh ở nước ta.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải nhanh chóng chuẩn bị đủ các trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, đặc biệt là máy thở, sẵn sàng các phương án ứng phó, kể cả với tình huống xấu nhất. Theo đó, Bộ Y tế cần rà soát toàn bộ số lượng các loại máy thở hiện đang sử dụng và dự trữ, đánh giá đầy đủ nhu cầu máy thở cho các kịch bản và xây dựng kế hoạch huy động, đặt hàng sản xuất mới. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các DN sản xuất máy thở trong nước để chủ động nghiên cứu và sản xuất; nghiên cứu kiến nghị của các DN để đẩy nhanh tiến độ sản xuất máy thở trong nước như: ban hành tiêu chuẩn về máy thở, hỗ trợ thiết bị đo lường, thực hiện thủ tục thông quan và miễn thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu để sản xuất máy thở; phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan kiểm định, đánh giá thử nghiệm máy thở sản xuất trong nước để có thể đưa ra sử dụng kịp thời, góp phần vào việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19…

Mở rộng sản xuất, dự trữtrang thiết bị phòng dịch

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Y tế đã có Công văn đề nghị các đơn vị sản xuất và cung ứng các loại thiết bị y tế trong cả nước thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, nhập khẩu các thiết bị y tế phòng, chống dịch để bảo đảm nguồn cung cho phòng, chống dịch bệnh. Các đơn vị báo cáo số lượng thiết bị y tế phòng, chống dịch tồn kho và gửi bản chào giá về số lượng, đơn giá, thời gian dự kiến giao hàng từ tháng 4 đến tháng 5/2020 cho danh mục các trang thiết bị phòng, chống dịch về Bộ Y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiện các DN trong nước có thể sản xuất được 5 triệu khẩu trang y tế/ngày. Chúng ta cũng chủ động được nguồn nguyên liệu. Về khẩu trang chuyên dụng (N95), các DN có thể sản xuất được sản phẩm có chất lượng tương đương. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đề nghị các DN tiến hành sản xuất khẩu trang với công suất tối đa, DN nào có năng lực thì tiến hành mở rộng dây chuyền. Về trang phục bảo hộ y tế, chúng ta cũng đang sản xuất bộ quần áo bảo hộ với chất lượng tương đương nhập khẩu. Bên cạnh đó, các cơ quan khoa học, y tế cũng đang phối hợp với chuyên gia nước ngoài và một số DN lớn tập trung nghiên cứu, sản xuất máy thở để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh bổ sung nhóm hàng “Vật tư, thiết bị phòng, chống dịch, bệnh cho người” vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia, để có cơ sở pháp lý mua mặt hàng này đưa vào dự trữ quốc gia. Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ giao Bộ Y tế đề xuất danh mục hàng cụ thể và phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung kế hoạch mua sắm hàng dự trữ quốc gia đối với mặt hàng này, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để mua sắm, đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch, bệnh trong thời gian tới.

Cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, những ngày qua, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cũng đã ủng hộ, tài trợ các loại trang thiết bị y tế, máy thở cho các cơ sở y tế, nhằm chung tay đẩy lùi đại dịch.

Đ.KHOA
Cùng chuyên mục
Bảo đảm trang thiết bị y tế cho phòng, chống dịch Covid-19