Bảo hiểm xã hội tỉnh Nam Định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số

(BKTO) – Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động nghiệp vụ và công tác chuyển đổi số, bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Nam Định đã giải quyết, chi trả chế độ, chính sách kịp thời, nhanh chóng, chính xác; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng quỹ, phòng chống trục lợi quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT).

bhxh-nam-dinh-cds.jpg
Cán bộ bộ phận Một cửa Bảo hiểm xã hội tỉnh Nam Định giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Baonamdinh.vn.

Hệ thống mạng WAN được kết nối liên thông 24/24 từ trung ương đến huyện

Ông Nguyễn Cửu Long - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nam Định - cho biết: Công tác ứng dụng CNTT được BHXH tỉnh chú trọng, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ.

Hệ thống mạng WAN được kết nối liên thông từ huyện đến tỉnh và đến trung ương, hoạt động ổn định, thông suốt 24/24 và thường xuyên được nâng cấp, cài đặt bổ sung thông tin bảo mật, đảm bảo việc truyền nhận dữ liệu liên thông từ BHXH huyện đến tỉnh và BHXH Việt Nam; việc trao đổi thông tin hai chiều giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH được đảm bảo an toàn, kịp thời.

Thực hiện các kế hoạch triển khai đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, BHXH tỉnh đã phân công cụ thể nội dung công việc gắn với trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc.

Cùng với đó, BHXH tỉnh phối hợp với Sở Y tế triển khai thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp trong khám, chữa bệnh (KCB) BHYT; thông báo và cung cấp tài liệu hướng dẫn tra cứu thông tin thẻ BHYT thông qua CCCD gắn chíp tới các cơ sở KCB BHYT.

Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đến tháng 11/2022, hệ thống đã xác thực 1.107.303 thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh, đạt 67,34%; 283 cơ sở KCB BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD với 54.466 lượt tra cứu thành công phục vụ KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp.

Đến tháng 11/2022, BHXH tỉnh đã thực hiện liên thông đăng ký khai sinh đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho 18.758 trẻ dưới 6 tuổi; cấp mới mã số BHXH cho 375 người; bổ sung dữ liệu hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH thường xuyên, một lần vào CSDL hệ thống quản lý chính sách 11.217 lượt người; bổ sung dữ liệu KCB BHYT 1.291.116 lượt người.

Ứng dụng CNTT giúp phát triển người tham gia BHXH, BHYT, nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát…

Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT đã tác động tích cực đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu của BHXH tỉnh, đặc biệt trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng quỹ, phòng chống trục lợi quỹ BHXH, BHTN, BHYT.

9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 215.266 người tham gia BHXH bắt buộc; 22.614 người tham gia BHXH tự nguyện; 203.599 người tham gia BHTN; hơn 1,7 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 92,6% dân số. BHYT học sinh, sinh viên cũng đạt nhiều kết quả tích cực.

bhxh-nam-dinh-hs.png
Năm học 2021-2022, toàn tỉnh Nam Định có hơn 350 nghìn học sinh, sinh viên tại 530 cơ sở giáo dục tham gia BHYT, đạt gần 99%. Baonamdinh.vn.

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có hơn 350 nghìn học sinh, sinh viên tại 530 cơ sở giáo dục tham gia BHYT, đạt gần 99%. Nhiều địa phương đạt tỷ lệ cao từ 98 đến 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT, tiêu biểu là các huyện: Mỹ Lộc đạt 100%, Nghĩa Hưng 99,91%, Nam Trực 99,92%, Trực Ninh 99,74%.

Thực hiện công tác thu BHXH, BHYT, BHTN, BHXH tỉnh đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan triển khai nhiều giải pháp hiệu quả.

Đến nay, số thu BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh đạt 3.819,8 tỷ đồng (tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2021).

Bên cạnh đó, nhờ ứng dụng CNTT trong hoạt động giám định BHYT, BHXH tỉnh đã thực hiện liên thông, kết nối với tất cả cơ sở KCB và đã đưa hệ thống giám định điện tử đi vào hoạt động nhằm kiểm soát chi phí, nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT.

Các nghiệp vụ tạm ứng, thanh quyết toán trong KCB BHYT của BHXH cấp tỉnh và huyện với các cơ sở y tế được thực hiện theo quy trình khép kín, liên thông và có cơ chế kiểm soát, đối chiếu giữa các phần mềm nghiệp vụ, đảm bảo minh bạch, chính xác trong quản lý tài chính.

BHXH tỉnh đã yêu cầu BHXH các huyện tập trung khai thác CSDL quốc gia về lĩnh vực bảo hiểm đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý BHXH, BHYT từ tỉnh đến huyện.

Xác định rõ vai trò của công tác cán bộ trong công tác chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, BHXH tỉnh gắn trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đối với thông tin dữ liệu cập nhật, phê duyệt, quản lý.

BHXH tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử”, phấn đấu đến hết năm 2022 thực hiện xác thực 90% dữ liệu của người tham gia BHYT với CSDL quốc gia về dân cư.

Phối hợp với Sở Y tế triển khai tới các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh tiếp nhận người dân đến KCB tại các bệnh viện, phòng khám bằng công nghệ xác thực sinh trắc khi có hướng dẫn triển khai của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.

Phối hợp với Công an tỉnh tháo gỡ vướng mắc cho người dân chưa được cấp số định danh cá nhân, CCCD hoặc thông tin cá nhân chưa chính xác... Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN và đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng./.

Cùng chuyên mục
Bảo hiểm xã hội tỉnh Nam Định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số