Bảo hiểm xã hội Việt Nam: “Tăng tốc” để hoàn thành mục tiêu đề ra

(BKTO) - Với những kết quả tích cực trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong 8 tháng đầu năm, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp, quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiêm vụ được giao năm 2023.

bhqn.jpg
Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến người dân tại Quảng Nam. Ảnh: Đ. KHOA

Số người tham gia BHXH, BHYT tiếp tục tăng

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm, các chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT đều tăng so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, toàn quốc có 17,227 triệu người tham gia BHXH, đạt 91,9% kế hoạch và tăng 251,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, về BHXH bắt buộc có 15,81 triệu người, đạt 93,4% kế hoạch và tăng 167,5 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022. BHXH tự nguyện có 1,418 triệu người, đạt 77,7% kế hoạch và tăng 84,4 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022.

Có 91,438 triệu người tham gia BHYT, tăng 4,335 triệu người so với cùng kỳ năm 2022.

Thu BHXH, BHYT đạt 38.450 tỷ đồng, tăng 3.043 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 61,7% kế hoạch được giao.

     Trong 8 tháng đầu năm, toàn Ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết hưởng BHXH hằng tháng cho 56.305 người và BHTN cho 896.686 người. Cả nước có trên 97 triệu lượt người KCB BHYT, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2022; số chi khám, chữa bệnh BHYT là 66.184 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đã thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH của tháng 8/2023 và truy trả số tiền chênh lệch tăng thêm của tháng 7/2023 theo mức mới cho người hưởng chính sách trên toàn quốc. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, giảm thời gian và chi phí cho người dân và DN…

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng BHXH, BHYT. Trong đó, BHXH các địa phương tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đưa chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT vào Nghị quyết của HĐND các cấp; đồng thời giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp huyện, cấp xã; chủ động tham mưu kế hoạch, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu được giao về độ bao phủ BHXH, BHYT.

Cùng với đó, toàn ngành tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự luật, văn bản quan trọng liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT; Triển khai các hoạt động truyền thông về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; tiếp tục chủ động tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, triển khai các quy định thanh tra chuyên ngành đóng theo đúng kế hoạch.

“Chạy nước rút” trong 4 tháng cuối năm

Ông Dương Văn Hào - Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, trong thời gian còn lại của năm 2023, Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ sẽ tiếp tục hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, ngành kế hoạch và đầu tư… nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của các DN, việc sử dụng lao động, chi trả tiền lương và các khoản bổ sung khác để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra và yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký tham gia và trích đóng BHXH, BHYT đúng quy định.

Đồng thời, rà soát, đánh giá, mở rộng mạng lưới tổ chức dịch vụ thu và nhân viên thu; chủ động bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền; tổ chức các hội nghị khách hàng để vận động theo nhóm người tham gia tiềm năng; thường xuyên kiểm tra hoạt động của nhân viên tổ chức dịch vụ thu để đảm bảo tuân thủ các quy trình, quy định đã đề ra; cũng như giao chỉ tiêu phát triển người tham gia cho từng tổ chức dịch vụ thu.

Nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các tháng cuối năm là hoàn thành nhiệm vụ thu và phát triển người tham gia, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu toàn Ngành cần quyết liệt “chạy nước rút” trong 4 tháng cuối năm 2023. Theo đó, trong thời gian tới, các đơn vị nghiệp vụ cần tiếp tục chủ động phối hợp với đơn vị chuyên môn của các bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Song song đó, BHXH các địa phương khẩn trương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ; chủ động các giải pháp tăng số người tham gia.

“Cần bám sát “kịch bản” phát triển người tham gia, giám sát chặt chẽ việc thực hiện; chủ động áp dụng các cách làm mới, sáng tạo, học tập kinh nghiệm của các địa phương có kết quả tốt trong việc phát triển người tham gia để áp dụng tại đơn vị, địa phương mình…” - ông Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng lưu ý việc tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tâm lý từng nhóm dân cư. Đồng thời, chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên các ứng dụng Internet; bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT.

Liên quan đến công tác khám, chữa bệnh BHYT, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành phải tăng cường các giải pháp quản lý quỹ để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, nhất là chủ động phối hợp đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế cho hoạt động KCB BHYT. Đặc biệt, cần tập trung xây dựng bộ tiêu chí để giao dự toán và điều chỉnh dự toán; giải quyết dứt điểm các vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia…/.

Cùng chuyên mục
Bảo hiểm xã hội Việt Nam: “Tăng tốc” để hoàn thành mục tiêu đề ra