Du lịch nội địa: Điểm tựa vững chắc cho phục hồi, tăng trưởng du lịch

(BKTO) - Không chỉ là “cứu cánh” cho ngành du lịch trong thời điểm khó khăn của dịch bệnh, thị trường khách trong nước còn tiếp tục khẳng định là điểm tựa vững chắc cho phục hồi, tăng trưởng du lịch sau đại dịch và trong tương lai, thông qua những con số ấn tượng của ngành du lịch thời gian qua.

dsc_4015.jpg
Ngành du lịch cần chú trọng xây dựng điểm đến mới, gia tăng trải nghiệm để thu hút du khách. Ảnh: N.Lộc

Du lịch nội địa có đóng góp quan trọng

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), lượng khách du lịch nội địa tháng 8/2023 ước đạt 9,5 triệu lượt, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó có khoảng 6,3 triệu lượt khách lưu trú. Tính chung 8 tháng năm 2023, ngành du lịch đã đón 86 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 482,4 nghìn tỷ đồng.

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, những kết quả sơ bộ nêu trên, đặc biệt là trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9 cho thấy, du lịch nội địa đã phục hồi, là đòn bẩy cho du lịch quốc tế. “Đây là tín hiệu khả quan cho mùa du lịch lễ hội cuối năm và mùa đón khách của thị trường Việt Nam” - ông Khánh thông tin.

Tính chung 8 tháng qua, ngành du lịch Hà Nội đã đón 16,9 triệu lượt khách, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch nội địa ước đạt 14,1 triệu lượt, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 61,6 nghìn tỷ đồng, tăng 63,1% với cùng kỳ năm trước.

dsc_0723.jpg
Thị trường khách nội địa vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi, phát triển ngành du lịch. Ảnh: N.Lộc

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, xác định tầm quan trọng của nguồn khách nội địa, thời gian qua, Hà Nội thực hiện cơ cấu lại thị trường, với sự ra đời của các tuyến, điểm du lịch trải nghiệm gắn với giáo dục như kết nối du lịch làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám…

Tại đây, du khách, đặc biệt là học sinh được hòa mình vào thiên nhiên, tìm hiểu cuộc sống nông nghiệp, trải nghiệm các công đoạn sản xuất nghề thủ công truyền thống hay tham gia trò chơi dân gian nhằm tăng cường vận động, bồi dưỡng kỹ năng sống, gia tăng khả năng làm việc nhóm... “Các mô hình du lịch trải nghiệm, gắn với học tập dành cho du khách, đặc biệt là học sinh sẽ tiếp tục được Thành phố chú trọng” - bà Giang cho biết.

TS. Nguyễn Tuấn Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch nội địa đánh giá, du lịch nội địa có vị trí, vai trò rất lớn đối với phát triển du lịch Việt Nam thời gian qua.

Thực tế, thị trường du lịch nội địa đang trở thành nhân tố chủ lực trong sự phục hồi của ngành du lịch. Vì thế, việc định hướng khai thác hiệu quả thị trường du lịch nội địa là hướng đi phù hợp, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế.

“Đây cũng là cơ sở để thị trường du lịch trong nước tiếp tục phục hồi và hướng đến sự phát triển mạnh hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát” - ông Anh cho biết.

Để du lịch Việt hấp dẫn người Việt

Trong bối cảnh toàn ngành du lịch đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh phục hồi, sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, việc tập trung phát triển thị trường du lịch trong nước, song song với thu hút du khách quốc tế cần phải được quan tâm hơn nữa.

Theo các chuyên gia, bối cảnh mới đặt ra yêu cầu cho cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cần tính toán, cơ cấu lại thị trường, sản phẩm, phương thức marketing, tiếp cận khách hàng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường nội địa.

Đặc biệt, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều… là nguồn khách rất tiềm năng để du lịch nội địa khai thác, phát triển. Những vấn đề này được giải quyết càng sớm sẽ góp phần tạo điểm tựa vững chắc để đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển ngành du lịch.

Nêu dẫn chứng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, trong dịp nghỉ lễ, khách Việt Nam đi du lịch ra nước ngoài cũng tăng lên, khiến lượng khách nội địa giảm đi. “Nguồn khách này thường có thu nhập cao nên mức chi tiêu cũng cao hơn bình quân. Do đó, việc chưa thể thu hút khách ở lại thị trường trong nước là một điều đáng tiếc” - ông Bình chia sẻ.

Nhấn mạnh điểm đến mới và chất lượng dịch vụ sẽ quyết định lựa chọn của du khách, đại diện các doanh nghiệp lữ hành cho biết, thời gian trầm lắng do ảnh hưởng của dịch cũng là cơ hội để doanh nghiệp đổi mới phương thức hoạt động bền vững hơn, củng cố tổ chức, tăng cường liên kết, hợp tác, đổi mới sản phẩm, cải thiện chất lượng dịch vụ… Qua đó nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động du lịch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường nội địa.

Điều này được phản ánh rõ qua kết quả vừa qua, "khi hoạt động kinh doanh du lịch tại các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch diễn ra nhộn nhịp, khởi sắc, các doanh nghiệp lớn hoạt động khá hiệu quả. Đặc biệt là công tác phục vụ khách du lịch cơ bản tốt, không có các sự cố đáng tiếc xảy ra" - Cục trường Nguyễn Trùng Khánh cho biết.

Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách, trong đó khoảng 102 triệu khách nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch 650 nghìn tỷ đồng

Tuy nhiên, trước tình hình mới với những khó khăn, thách thức của nền kinh tế toàn cầu tác động đến đời sống của người dân, đơn vị lữ hành, điểm đến cần phải đổi mới, nỗ lực hơn nữa để đáp ứng được nhu cầu của du khách. 

Cho rằng không có giải pháp nào là toàn năng để phát triển du lịch nội địa, PGS,TS. Phạm Trương Hoàng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) nhấn mạnh, ngành du lịch cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, tập trung vào các giải pháp trọng tâm, cần làm ngay và giải pháp dài hạn.

“Rút ra bài học từ đại dịch, du khách ngày càng hướng đến du lịch an toà, vì thế ngành du lịch cần tổ chức điểm đến, dịch vụ phù hợp xoay quanh xu hướng này” - ông Hoàng lưu ý.

Các ý kiến cũng cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng khách nội địa năm 2023, dài hơi hơn là nâng cao mức chi của du khách nội, vấn đề đặt ra lúc này đối với ngành du lịch là cần đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm dịch vụ du lịch mới, chú trọng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, gia tăng trải nghiệm cho khách Việt.

Đồng thời, phát huy hiệu quả liên kết du lịch giữa các địa phương, liên kết vùng qua đó, vừa giúp phát huy lợi thế của các địa phương, vừa gia tăng cơ hội để mở rộng thị trường nội địa cả về số lượng khách lẫn mức chi tiêu. 

Cùng chuyên mục
Du lịch nội địa: Điểm tựa vững chắc cho phục hồi, tăng trưởng du lịch