Toàn cảnh Hội thảo “Hiệu quả trong quản lý các sản phẩm CDĐL được bảo hộ”.Ảnh: LAN ANH
Hiện Việt Nam có khoảng 40 sản phẩm được bảo hộ CDĐL, trong đó phần lớn là hàng nông sản.Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ CDĐL đã có thay đổi rõ rệt trong sản xuất, kinh doanh; mở rộng được thị trường tiêu thụ, góp phần tăng doanh thu, cải thiện đời sống của người dân. Nhận thức của nhiều hộ sản xuất, DN đối với việc đăng ký CDĐL cho sản phẩm cũng bước đầu có chuyển biến tích cực. Có thể nói, những sản phẩm được đăng ký CDĐL được coi là cơ sở pháp lý để bảo vệ người sản xuất trước các hành vi gian lận, tranh chấp thương mại, tăng sức cạnh tranh và tiến tới quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa.
Nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam và các nước ASEAN được trao chứng chỉ bảo hộ tên gọi xuất xứ tại Liên minh châu Âu (EU) tháng 12/2012. Đây là một thành công quan trọng cho các nhà sản xuất nước mắm tại Phú Quốc. Với hơn 100 DN sản xuất (khoảng 70 DN đã được cấp quyền sử dụng CDĐL), hàng năm đảo Phú Quốc cung ứng ra thị trường hơn 30 triệu lít nước mắm, doanh thu đạt hơn 600 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Trước khi được bảo hộ chứng nhận xuất xứ, chỉ có 4% sản lượng nước mắm Phú Quốc được xuất khẩu sang gần 30 quốc gia của EU thì đến nay, sản lượng xuất khẩu đã chiếm 10-12% sản lượng sản xuất.
Năm 2008, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) được cấp giấy chứng nhận CDĐL. Nhờ vào danh tiếng được bảo hộ, sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đã tăng giá trị sản xuất từ 450 tỷ đồng (năm 2007) lên trên 3.000 tỷ đồng (năm 2014). Nhiều sản phẩm khác như chè Tân Cương (Thái Nguyên), cam Vinh (Nghệ An)... sau khi được đăng ký CDĐL cũng tăng giá trị sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ... Dự kiến trong năm 2015, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột sẽ hoàn thành việc đăng ký bảo hộ CDĐL nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột tại EU nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu và thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Đến nay, đã có 6 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Thái Lan và Đức công nhận bảo hộ CDĐLsản phẩm này.
Đẩy mạnh sự phát triển CDĐL
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiệu quả của việc bảo hộ CDĐL vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Lợi ích từ việc bảo hộ CDĐL và những thách thức đặt ra trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm theo đăng ký cũng được nhiều đại biểu đề cập trong Hội thảo “Hiệu quả trong quản lý các sản phẩm CDĐL được bảo hộ do cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam và Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) phối hợp tổ chức.
Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ đang thực hiện triển khai Dự án Khuyến khích phát triển nông thôn thông qua phát triển CDĐL ở khu vực châu Á. Dự án được thực hiện bằng khoản viện trợ không hoàn lại của AFD có tổng kinh phí 1,5 triệu EURO và được triển khai tại 4 nước Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam giai đoạn 2013 - 2016. Với mục tiêu tăng thu nhập của hộ gia đình sản xuất nông nghiệp thông qua sự phát triển các chuỗi giá trị của CDĐL, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và cải thiện sự công nhận của người tiêu dùng đối với các sản phẩm CDĐL. Bên cạnh đó, AFD cùng với Tổng vụ Kho bạc Pháp cũng đồng tài trợ dự án quốc gia về “Hỗ trợ Phát triển CDĐL ở Việt Nam” với một khoản viện trợ không hoàn lại 886.000 EURO.
Trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO, đã và đang tham gia các hiệp định FTA và TPP… việc bảo hộ CDĐL sẽ trở thành công cụ thương mại quan trọng để các sản phẩm của Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, thâm nhập vào thị trường trong nước và quốc tế. Để việc bảo hộ CDĐL thực sự phát huy tác dụng, thúc đẩy giá trị gia tăng cho sản phẩm, Nhà nước cần phải hoàn thiện pháp luật về quản lý CDĐL, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và DN về CDĐL.
NGUYỄN LỘC