Dịch vụ kế toán là dịch vụ kinh doanh có điều kiện, nên cần có các DN quy mô để đủ điều kiện đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng. Ảnh: T.S
Theo dự thảo, lĩnh vực dịch vụ kế toán sẽ có 3 loại hình công ty, gồm: hợp danh, tư nhân và TNHH 2 thành viên trở lên. Để được cung cấp dịch vụ kế toán, DN phải có ít nhất 03 kế toán viên hành nghề, trong đó Giám đốc DN, người đại diện theo pháp luật của DN phải là kế toán viên hành nghề. Riêng đối với loại hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên có quy định phần vốn góp của những người là kế toán viên hành nghề, kế toán làm việc trong DN phải chiếm trên 50% vốn điều lệ, phần vốn góp của thành viên là tổ chức không quá 35% vốn điều lệ của DN...
Theo báo cáo thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, đối với Điều 55h về đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán không nên sử dụng các khái niệm mang tính định tính, khó xác định như: “sai phạm nghiêm trọng”, “cố tình”... Đồng thời, đề nghị Chính phủ đơn giản hóa thủ tục hành chính khi quy định điều kiện đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.
Trao đổi về các nội dung liên quan, ông Chung Thành Tiến - Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ kế toán Đồng Hưng, nêu quan điểm: Việc quy định 03 kế toán viên hành nghề trong DN như dự thảo Luật là chưa phù hợp. Bởi vì, đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán nhỏ và siêu nhỏ (chiếm hơn 90% thị trường) với 50 khách hàng bình quân, nếu có 03 kế toán viên hành nghề là dư thừa (đôi khi không có việc làm) trong khi vẫn phải gánh thêm chi phí thuê kế toán viên hành nghề. Đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán quy mô lớn (có vài trăm khách hàng), việc quy định như vậy cũng không phù hợp, vì 03 kế toán viên hành nghề không có đủ thời gian để kiểm tra, soát xét báo cáo cho khách hàng. Từ các lý do trên, ông Tiến cho rằng nên giữ quy định có 02 kế toán viên hành nghề trong DN như trong Luật Kế toán hiện hành và bổ sung quy định: "Tùy vào qui mô, điều kiện và giai đoạn cụ thể, Chính phủ sẽ có hướng dẫn số lượng kế toán viên hành nghề cho phù hợp".
Tương tự, PGS, TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) cũng bày tỏ không đồng tình với Dự thảo về quy định Công ty TNHH 2 thành viên trở lên phải có ít nhất 3 kế toán viên hành nghề, trong đó phải có 2 thành viên góp vốn hay chủ DN tư nhân đồng thời là Giám đốc. Cả ông Tiến và ông Thanh cùng cho rằng quy định này chưa phù hợp với Luật DN 2014. Vì theo Luật DN, DN tư nhân được thuê người làm Giám đốc quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động; vậy thì không có lý do gì Luật Kế toán lại bắt buộc chủ DN tư nhân đồng thời là Giám đốc. Ông Tiến đề xuất nên quy định: Chủ DN tư nhân đồng thời là Giám đốc. Trường hợp thuê người khác làm Giám đốc quản lý DN, Giám đốc phải là kế toán viên hành nghề.
Tại cuộc họp báo của Bộ Tài chính về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán mới đây, ông Đặng Thái Hùng - Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán (Bộ Tài chính), cho biết: Dịch vụ kế toán là dịch vụ kinh doanh có điều kiện, nên cần có các DN quy mô; nếu DN quá nhỏ sẽ không đủ điều kiện đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng. Hơn nữa, sau hơn 10 năm áp dụng Luật Kế toán, nay sửa đổi mới nâng quy mô doanh nghiệp từ 2 lên 3 thành viên là phù hợp. Đối với DN dịch vụ kế toán, người chi phối DN phải là người hành nghề, bởi đây là nghề đòi hỏi chuyên môn cao, quy định như vậy để tránh tình trạng người có tiền thành lập doanh nghiệp rồi thuê nhân viên thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Về quy định phần vốn góp của những người là kế toán viên hành nghề trong công ty TNHH 2 thành viên trở lên phải chiếm trên 50% vốn điều lệ, ông Hùng khẳng định điều này không trái với quy định của Luật DN 2014 và thừa nhận đây là quy định chặt chẽ. Ông Hùng lý giải, DN hành nghề dịch vụ kế toán không phải là DN kinh doanh đơn thuần, không hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận là chính mà góp phần minh bạch thông tin, số liệu tài chính nên cần cần quy định chặt chẽ hơn DN kinh doanh thông thường.
THU HƯỜNG