Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nữ lao động di cư

Ngày 14/11, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Lễ Công bố Báo cáo khu vực về “Nữ lao động di cư trong luật pháp và chính sách của các quốc gia thành viên ASEAN”.

anh-cong-bo.jpg
Các đại biểu công bố và ra mắt Báo cáo khu vực về “Nữ lao động di cư trong luật pháp và chính sách của các quốc gia thành viên ASEAN”. Ảnh:molisa.gov.vn

Báo cáo khu vực về “Nữ lao động di cư trong luật pháp và chính sách của các quốc gia thành viên ASEAN” là hoạt động thuộc Kế hoạch công tác của Ủy ban thực hiện Tuyên bố ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy quyền của người lao động di cư (ACMW) giai đoạn 2021-2025 do Việt Nam chủ trì với sự hỗ trợ của Chương trình Di cư an toàn và công bằng (Safe and Fair) thuộc Chương trình hợp tác ASEAN/ILO và Ban Thư ký ASEAN.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan khẳng định: Báo cáo đã được hoàn thiện, trở thành công cụ, cơ sở quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách để đảm bảo các quyền lợi của lao động di cư, đặc biệt là nữ lao động di cư.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, Báo cáo đã đưa ra một nghiên cứu tổng quát về vị trí luật pháp, chính sách, chương trình và các hoạt động thực thi pháp luật tại các quốc gia thành viên ASEAN, các quy định cụ thể dành cho lao động nữ và tác động tới nữ lao động di cư.

Việt Nam luôn chú trọng đến tính nhạy cảm giới trong luật pháp, chính sách quốc gia và chủ trì nhiều hoạt động hợp tác quốc tế nhằm cải thiện bình đẳng giới, thúc đẩy quyền của người lao động trong nước và khu vực. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ nhanh chóng, đáp ứng giới cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài. Những nội dung này đã được ghi nhận trong Báo cáo.

Tại Lễ Công bố, Phó Tổng Thư ký ASEAN về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội Ekkaphab Phanthavong hoan nghênh và chúc mừng nỗ lực của các nước thành viên ASEAN, dưới sự chủ trì của Việt Nam và hỗ trợ từ ILO, Ban Thư ký ASEAN đã hoàn thiện và cập nhật những thông tin cùng các điển hình tốt từ các nước thành viên vào Báo cáo khu vực.

Từ đó, Báo cáo đưa ra nhận định về những thành tựu đã đạt được, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và các khuyến nghị nhằm khắc phục cũng như thúc đẩy quyền, lợi ích hợp pháp của lao động di cư nói chung và lao động nữ nói riêng.

Ông Ekkaphab Phanthavong cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra, các bất lợi đối với nữ lao động di cư trở nên trầm trọng hơn trong toàn khu vực.

“Các quốc gia cần bảo vệ nữ lao động di cư tốt hơn thông qua quá trình lập pháp, đẩy mạnh hỗ trợ lao động di cư là nữ giới để đảm bảo công bằng và bảo vệ họ khỏi các rủi ro như xâm hại hay lam dụng. Báo cáo khu vực này sẽ thúc đẩy đối thoại cũng như tối ưu hóa thông tin đầu vào của các quốc gia thành viên đối với vấn đề lao động di cư, nhất là nữ lao động di cư” - Phó Tổng Thư ký ASEAN nhấn mạnh.

Bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam - cho biết, Báo cáo đã nêu bật các rủi ro và cơ hội cho nữ lao động di cư trên tinh thần lấy phụ nữ làm trung tâm, có yếu tố đáp ứng giới, đem lại kết quả từ công tác phân tích giới trong lao động di cư, đóng góp vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ quyền của nữ lao động di cư.

Tại Lễ Công bố Báo cáo, các đại biểu đều cho rằng, các khuyến nghị trong Báo cáo sẽ thúc đẩy việc làm tốt cho lao động nữ di cư trong ASEAN, góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, vì người dân và lấy người dân làm trung tâm.

hoi-thao-di-cu.jpg
Quang cảnh Hội thảo Hợp tác thúc đẩy di cư an toàn và bình đẳng cho nữ lao động di cư năm 2022. Ảnh:molisa.gov.vn

Cùng ngày, tại Hà Nội, Bộ LĐTBXH đã chủ trì, phối hợp với ILO tổ chức Hội thảo Hợp tác thúc đẩy di cư lao động an toàn và bình đẳng cho lao động di cư nữ.

Đây là hoạt động thuộc Kế hoạch công tác của Ủy ban Bảo vệ và Thúc đẩy quyền của người lao động di cư trong ASEAN (ACMW) giai đoạn 2021-2025 do Việt Nam chủ trì và trong khuôn khổ hợp tác của Chương trình Safe and Fair của ILO/UN Women với ASEAN.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về các biện pháp tăng cường khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền của phụ nữ lao động di cư và các nhóm dễ bị tổn thương khác; củng cố hệ thống để xử lý vấn đề bạo lực đối với nữ lao động di cư.

Hội thảo cũng đã thảo luận về dự kiến kế hoạch làm việc trong năm 2023 với mục tiêu góp phần đảm bảo an toàn và bình đẳng cho lao động di cư nữ.

cham-tay-khoi-dong.jpg
Các đại biểu cùng chạm tay khởi động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022. Ảnh:molisa.gov.vn

Trước đó, ngày 12/11, tại TP.Vũng Tàu, Bộ LĐTBXH phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) tổ chức Lễ phát động Tháng hành động Vì bình đẳng giới cấp quốc gia năm 2022 với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”.

Tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam - cho biết, đây là năm thứ 7 Việt Nam triển khai Tháng hành động Vì bình đẳng giới trên phạm vi toàn quốc. Chủ đề của Tháng hành động năm nay khẳng định những ưu tiên và cam kết của Việt Nam trong thực hiện an sinh xã hội và quyền bình đẳng cho mọi người, thúc đẩy bình đẳng giới thực chất./.

Cùng chuyên mục
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nữ lao động di cư