Đẩy mạnh truyền thông để đưa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến gần với người dân

(BKTO) - Xác định công tác truyền thông là “chìa khoá” để thực hiện hiệu quả việc phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp, BHXH tỉnh Tiền Giang đã, đang chủ động phát triển công tác truyền thông, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nội dung và hình thức, góp phần đưa chính sách BHXH, BHYT đến gần với người dân.

bhxh.jpg
BHXH tỉnh Tiền Giang chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn - Ảnh minh họa: baoapbac.vn

Công tác truyền thông - “Chìa khóa” để phát triển bền vững

Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT, trong thời gian qua, công tác truyền thông của BHXH tỉnh Tiền Giang luôn được chú trọng, ngày càng đi vào nền nếp, từ việc xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện.

Theo đó, BHXH tỉnh Tiền Giang không ngừng đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức truyền thông về chính sách BHXH, BHYT, qua đó thể hiện vai trò quan trọng, đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển tăng số lượng người dân tham gia BHXH, BHYT, góp phần bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Đây cũng là công cụ đắc lực trong việc thông tin nhanh chóng nhất, phổ cập nhất về những nội dung liên quan đến BHXH, BHYT.

Đối với các cấp cơ sở, BHXH các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ngày càng nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả công tác truyền thông; chủ động trong việc truyền thông đối với các hoạt động của đơn vị. Trong đó, các hoạt động phối hợp truyền thông về chính sách BHXH, BHYT được mở rộng; cách thức truyền thông đa dạng, phong phú. Công tác truyền thông về chính sách BHXH, BHYT tại địa bàn Tiền Giang được nâng lên tầm cao mới, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong tình hình mới.

Theo đó, từ năm 2020, bình quân mỗi năm BHXH tỉnh Tiền Giang tổ chức được 700 - 800 hội nghị tuyên truyền trực tiếp với hơn 53.000 lượt người dân tham dự. Số hội nghị được tổ chức năm sau tăng hơn năm trước bình quân khoảng 19% số cuộc và 28% số lượt người tham gia.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, BHXH tỉnh Tiền Giang, BHXH các huyện, thị xã trên địa bàn đã linh hoạt vận dụng tuyên truyền nhóm nhỏ theo phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng đối tượng” . Kết quả, phương pháp này mang lại hiệu quả cao, năm 2020 là 302 cuộc, năm 2021 là 527 và 9 tháng năm 2022 là 2.752 cuộc. Trong thời gian dịch, BHXH tỉnh Tiền Giang cũng đã tận dụng lợi thế của truyền thông trực tuyến, truyền thông hiện đại thông qua các mạng xã hội, từ đó tăng lượt người theo dõi, tương tác, hỏi đáp về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp...

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Tiền Giang liên tục đổi mới, thay đổi giao diện cổng thông tin điện tử, nâng cao chất lượng và số lượng tin, bài theo hướng hiệu quả, thời sự nhằm cung cấp thông tin hữu ích đến với người dân trong và ngoài tỉnh. Tính đến nay, số lượt người truy cập trên cổng thông tin điện tử BHXH tỉnh Tiền Giang là 1,313 triệu lượt, bình quân mỗi ngày có khoảng 1.500 - 2.000 lượt truy cập. Ngoài ra, BHXH tỉnh Tiền Giang cũng phối hợp với các cơ quan báo, đài trong và ngoài tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cơ quan, ban, ngành nhằm tăng cường công tác truyền thông về các chính sách ngành BHXH…

Nhờ đẩy mạnh trong công tác truyền thông, tính đến ngày 30/9/2022, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có 218.925 người tham gia BHXH; 1.522.528 người tham gia BHYT, nâng tỷ lệ bao phủ BHYT tại tỉnh Tiền Giang đạt 92,2%. Đồng thời phát hiện các mô hình hay, hiệu quả cần nhân rộng như các chương trình “Hỗ trợ thẻ BHYT - Chia sẻ yêu thương”, “Tặng sổ BHXH tự nguyện - Của để dành khi về già”... Từ những chương trình này, BHXH tỉnh Tiền Giang đã huy động được gần 1,1 tỷ đồng, hỗ trợ 6.273 thẻ BHYT, 215 sổ BHXH tự nguyện cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Phối hợp đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền

Theo BHXH tỉnh Tiền Giang, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục chủ động trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác truyền thông về chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể liên quan trong công tác truyền thông, bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Đối với công tác tuyên truyền trên hệ thống đa phương tiện, BHXH tỉnh Tiền Giang sẽ đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử, trên môi trường internet, mạng xã hội, các sản phẩm truyền thông trực quan… Đồng thời đổi mới nội dung, hình thức trên cổng thông tin, các trang mạng xã hội… hướng tới sự phù hợp với đặc thù của của các nhóm dân cư trên địa bàn.

Đặc biệt, BHXH tỉnh Tiền Giang sẽ thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho nhân viên thu BHXH, BHYT, các tổ chức dịch vụ thu, cộng tác viên ở cơ sở để xây dựng đội ngũ có đầy đủ kỹ năng trong thực hiện công tác truyền thông. Nâng cao trình độ truyền thông của cán bộ làm công tác tuyên truyền theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; xây dựng đào tạo đội ngũ công chức, viên chức BHXH theo tiêu chí “mỗi viên chức BHXH là chiến sĩ trên mặt trận truyền thông”.

Ngoài ra, BHXH tỉnh cũng sẽ tiếp tục chú trọng công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc một cách kịp thời mạng lưới các đơn vị truyền thông ở cơ sở để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đồng thời, thay đổi tác phong từ hành chính sang phục vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết các chế độ về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người tham gia./.

Cùng chuyên mục
Đẩy mạnh truyền thông để đưa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến gần với người dân