Bất cập trong quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng

ThS. TRẦN VĂN HÒE - KTNN khu vực XII | 30/11/2023 06:13

(BKTO) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa tổ chức kiểm toán Chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và các địa phương giai đoạn 2020-2022” tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BVPTR) Việt Nam và 40 tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua kiểm toán cho thấy, việc quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) còn có những bất cập, hạn chế.

4-anh-hoe-1.jpg
Tổ kiểm toán Quỹ BVPTR Đắk Lắk (tác giả ngồi đầu tiên từ trái qua). Ảnh: KTNN khu vực XII

Thiếu quy định, chế tài

Luật Lâm nghiệp năm 2017, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP (Nghị định 156) ngày 16/11/2018 của Chính phủ đã quy định rõ việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy, việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR còn một số bất cập. Cụ thể:

Tiết a, điểm 1, Mục II, Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định 156 quy định nếu tiền DVMTR được các bên sử dụng DVMTR thanh toán cho các chủ rừng lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước (NSNN) cho khoán bảo vệ rừng (hiện nay 600.000 đồng/ha), thì thực hiện điều tiết phần thanh toán lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ nhưng chưa quy định việc quản lý, sử dụng số tiền DVMTR chưa chi này như thế nào, dẫn đến tiền DVMTR tồn tại các Quỹ BVPTR rất lớn.

Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ quy định các chủ rừng (Ban quản lý rừng đặc dụng; Ban quản lý rừng phòng hộ) thực hiện việc giao khoán cho các hộ gia đình, cá nhân để quản lý, bảo vệ rừng mà không quy định trường hợp nào thì mới thực hiện giao khoán, dẫn đến các chủ rừng được cấp có thẩm quyền giao và thực hiện đủ biên chế số lượng viên chức hưởng lương từ NSNNtheo Đề án việc làm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt nhưng vẫn thực hiện phương án giao khoán bảo vệ rừng cho người dân là chưa đủ cơ sở pháp lý, dẫn đến dễ tùy tiện, hợp thức hóa sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR.

Bên cạnh đó, điểm e khoản 2 Điều 70 Nghị định 156 quy định nguồn kinh phí để trồng cây phân tán, tuyên truyền phổ biến pháp luật được sử dụng từ nguồn DVMTR nhưng không xác định được hoặc chưa xác định được đối tượng nhận tiền DVMTR, trong khi đó tại điểm c khoản 2 Điều 80 Nghị định 156 lại quy định nguồn kinh phí để trồng cây phân tán, tuyên truyền phổ biến pháp luật không sử dụng tiền DVMTR mà sử dụng từ nguồn tiền viện trợ, tài trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, nguồn hỗ trợ từ Quỹ Trung ương và các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài NSNN, dẫn đến khi xác định nguồn tiền để trồng cây phân tán, tuyên truyền phổ biến pháp luật còn chồng chéo.

Thêm vào đó, Điều 70 Nghị định 156 quy định Quỹ BVPTR Việt Nam được trích tối đa 0,5%, Quỹ BVPTR cấp tỉnh được trích tối đa 10% tổng số tiền DVMTR thực thu trong năm để chi cho các hoạt động của bộ máy Quỹ BVPTR; mức trích do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đối với Quỹ BVPTR Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với Quỹ BVPTR cấp tỉnh quyết định. Tuy nhiên, do tiền DVMTR thực thu trong năm lớn nên nhiều Quỹ BVPTR không trích kinh phí quản lý đến mức tối đa nhưng số trích vẫn rất lớn, từ đó thặng dư trong hoạt động của các Quỹ BVPTR lớn, trong khi các Quỹ BVPTR gần như được cấp có thẩm quyền giao là đơn vị tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên (đơn vị nhóm 1). Trong trường hợp, đơn vị chi tiền lương chưa theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thì các Quỹ BVPTR được tự quyết định mức trích Quỹ BVPTR bổ sung thu nhập mà không khống chế mức trích, dẫn đến nguồn chi thu nhập tăng thêm từ Quỹ BVPTR bổ sung thu nhập lớn gấp nhiều lần tiền lương ngạch bậc được chi trả là chưa hợp lý. Điều này dễ xảy việc lập dự toán kinh phí quản lý của bộ máy quản lý không đúng hoặc cơ chế "xin - cho" khi cấp có thẩm quyền quyết định tỷ lệ (%) trích kinh phí quản lý cao, không phù hợp.

Song song với đó, mục 8 Nghị định 156 quy định việc quản lý trồng cây phân tán (hoạt động phi dự án được Quỹ BVPTR hỗ trợ), song chưa quy định các biện pháp khắc phục nếu các tổ chức, cá nhân được Quỹ BVPTR hỗ trợ tiền để trồng cây phân tán nhưng bị chết hoặc không đảm bảo theo yêu cầu về lâm sinh. Điểm d khoản 1 Điều 72 Nghị định 156 quy định trước ngày 15/02 năm sau, Quỹ BVPTR có trách nhiệm kiểm tra việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR của các nhóm hộ gia đình và các cá nhân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng là chưa phù hợp với thực tế do số lượng các hộ gia đình và các cá nhân nhận khoán nhiều, số tiền DVMTR được nhận ít lại không lưu trữ chứng từ sử dụng tiền, trong khi nhân sự của Quỹ BVPTR ít, chưa đủ để thực hiện nhiệm vụ này.

Ngoài ra, Luật Lâm nghiệp quy định khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thì các tổ chức được phép chuyển mục đích sử dụng rừng phải trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, một số tổ chức chậm hoặc không nộp tiền trồng rừng thay thế nhưng Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ chưa quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này nên các cơ quan có thẩm quyền không thể xử phạt (Điều 15 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP chỉ quy định xử phạt hành vi chậm trồng rừng thay thế mà không quy định hành vi chậm nộp tiền trồng rừng thay thế)…

Cần sửa đổi, bổ sung các Nghị định

Qua phân tích những bất cập trong quản lý, sử dụng tiền DVMTR nêu trên, theo KTNN khu vực XII cần có các giải pháp để hạn chế những bất cập này:

Bộ NNPTNT tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 156 để quy định: Việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR chưa chi và tiền lãi phát sinh (nếu có) do điều tiết của các chủ rừng được bên sử dụng DVMTR thanh toán tiền DVMTR lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ của NSNN cho khoán bảo vệ rừng; khắc phục chồng chéo về nguồn kinh phí để trồng cây phân tán, tuyên truyền phổ biến pháp luật; các biện pháp để khắc phục việc trồng cây phân tán bị chết hoặc không đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật lâm sinh; việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR đối với nhóm hộ gia đình, cá nhân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng phù hợp với thực tiễn.

Bộ NNPTNT tham mưu Chính phủ ban hành quy định trong trường hợp nào thì mới thực hiện việc giao khoán cho các hộ gia đình, cá nhân để quản lý, bảo vệ rừng để tránh tình trạng khi các chủ rừng đã được giao và thực hiện đủ biên chế hưởng lương từ NSNN theo Đề án việc làm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt nhưng vẫn thực hiện phương án giao khoán bảo vệ rừng cho người dân.

Bộ NNPTNT cần tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 35/2019/NĐ-CP để quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chậm hoặc không nộp tiền trồng rừng thay thế.

Bộ NNPTNT, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần kiểm soát chặt chẽ việc lập, trình phê duyệt kinh phí quản lý của bộ máy Quỹ BVPTR trích từ tiền DVMTR thực thu trong năm./.

Cùng chuyên mục
Bất cập trong quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng