Đã giao hơn 130 nghìn tỷ đồng, đạt 99% hạn mức vốn
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam và trên toàn thế giới đã tác động toàn diện, nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội và nhiều ngành, lĩnh vực... không chỉ trong các năm 2020, 2021 mà còn có chiều hướng ảnh hưởng dài hạn đến kế hoạch phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tiếp theo.
Do đó, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình) nhằm góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, bắt nhịp với đà phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ trong trung và dài hạn, trợ giúp an sinh xã hội.
Cụ thể, Quốc hội đã quyết nghị tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) tối đa 176 nghìn tỷ đồng để thực hiện Chương trình, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023. Trong đó, về y tế, NSNN bố trí tối đa 14 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng... Về an sinh xã hội, lao động, việc làm, NSNN cấp 5 nghìn tỷ đồng (cấp bù lãi suất và phí quản lý 2 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất tối đa 3 nghìn tỷ đồng).
Đầu tư tối đa 3,15 nghìn tỷ đồng để xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm. NSNN còn hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã. Cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ đồng. Bổ sung tối đa 113,55 nghìn tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển...
Kết quả kiểm toán cho thấy, sau 1,5 năm thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 11/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đã tích cực chủ động thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền và trách nhiệm được phân công tại Chương trình; công tác lập, phân bổ vốn đầu tư, việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển cơ bản phù hợp với cơ chế, chính sách đầu tư phát triển trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các quy định hiện hành khác có liên quan.
Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao các nhiệm vụ, dự án cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong 02 năm 2022-2023 là 130.217,78 tỷ đồng (không bao gồm cấp bù chênh lệch lãi suất 2%/năm và cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội) với 01 nhiệm vụ và 264 dự án, đạt 99% so với hạn mức vốn nêu tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Tính sẵn sàng và khả năng hấp thụ vốn của các dự án không cao
Sau khi kiểm toán tại Bộ KHĐT, Bộ Tài chính và 02 dự án đầu tư xây dựng do UBND tỉnh An Giang và UBND tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư, KTNN nêu rõ, trong tham mưu xây dựng Chương trình, danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho các dự án thuộc lĩnh vực y tế, Bộ KHĐT mới chỉ xác định được các địa phương, các tuyến y tế cơ sở và y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật, bệnh viện, viện cấp trung ương cần đầu tư. Do vậy phải thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng để đề xuất lại danh mục dự án. Việc này dẫn đến quá trình rà soát, xây dựng danh mục dự án mất nhiều thời gian, làm chậm việc phân bổ vốn của Chương trình.
Cùng với đó, Bộ KHĐT thông báo tổng mức vốn, chi tiết danh mục và mức vốn dự kiến cho từng nhiệm vụ, dự án của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa đáp ứng tiến độ theo yêu cầu; thời gian trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về phương án phân bổ số vốn còn lại để bố trí cho các dự án thuộc Chương trình cũng không bảo đảm yêu cầu trước ngày 31/3/2023.
Việc ban hành hướng dẫn thực hiện cơ thế đặc thù về chỉ định thầu theo các Nghị quyết của Quốc hội còn chậm và chưa đáp ứng đầy đủ nhiệm vụ được giao. Bộ KHĐT tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phân cấp ủy quyền cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn còn chậm; chưa tham mưu xây dựng tiêu chí để đánh giá về năng lực quản lý của địa phương như kinh nghiệm, năng lực gắn với quản lý đầu tư dự án có quy mô tương tự, trình độ quản lý, số lượng cán bộ quản lý, chuyên môn.
Đối với Bộ Tài chính, KTNN nêu rõ, trong tổng mức vốn chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương (NSTW) giao cho Chương trình năm 2022 là 38.155,35 tỷ đồng (trong đó bổ sung cho các dự án đầu tư thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn là 19.570,45 tỷ đồng, bổ sung cho các nhiệm vụ thuộc Chương trình là 18.584,91 tỷ đồng), Bộ chưa có phương án, đề xuất giải pháp để theo dõi giải ngân nguồn vốn của Chương trình nên việc tổng hợp riêng số vốn giải ngân từ Chương trình năm 2022 cho các dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn gặp khó khăn.
Đa số các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ yếu đăng ký các dự án chưa có trong Kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 (255/264 dự án) nên tính sẵn sàng và khả năng hấp thụ vốn không cao. Một số Bộ, cơ quan và địa phương chưa chủ động tích cực và kịp thời thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo yêu cầu; chậm giao vốn, chậm thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, chậm triển khai thi công các dự án.
Tỷ lệ giải ngân mới đạt 18,4% tổng vốn đã giao
Trong tổng số 219 dự án được Thủ tướng Chính phủ thông báo danh mục và mức vốn để hoàn thiện thủ tục đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư, có 50 dự án chậm so với mốc yêu cầu. Đến ngày 28/6/2022, còn 25 dự án thuộc các Bộ, địa phương chưa được đề xuất giao vốn.
Ngoài ra, có 50 dự án chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư - đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chậm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo quy định. Đến nay, còn lại 45 dự án mới được Quốc hội đồng ý phân bổ 13.369,5 tỷ đồng số vốn còn lại của Chương trình cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện các dự án đủ thủ tục đầu tư; có 04 dự án không được Quốc hội tiếp tục phân bổ vốn; 01 dự án được Quốc hội cho phép tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Tỷ lệ bố trí và giải ngân nguồn vốn đối ứng của địa phương chưa phù hợp với tỷ lệ bố trí và giải ngân nguồn vốn NSTW, cụ thể tổng số vốn NSTW đã được phân bổ 81.801/116.848 tỷ đồng đạt 70% nhưng tổng số vốn ngân sách địa phương mới chỉ bố trí là 422,6/17.436 tỷ đồng đạt 2,4%, đặc biệt tại một số dự án đường bộ cao tốc có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, số vốn ngân sách địa phương bố trí là 0%.
KTNN chỉ rõ, dù việc giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình phải đảm bảo hoàn thành trong năm 2022, 2023, nhưng kết quả thực hiện đến thời điểm kiểm toán (30/6/2023) - sau 3/4 thời gian thực hiện Chương trình - chỉ còn khoảng 06 tháng để triển khai thực hiện, nhưng đối với các dự án thuộc chính sách đầu tư phát triển mới chỉ thực hiện giải ngân được 24.143 tỷ đồng, đạt 18,4% so với tổng số vốn đã giao.
Bên cạnh đó, còn 21 dự án chưa được các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ vốn năm; 59 dự án có số giải ngân đến thời điểm kiểm toán là 0%; chính sách cấp bù lãi suất 5.000 tỷ đồng giải ngân đạt 22,9%, chính sách Hỗ trợ lãi suất (2%/năm) 40.000 tỷ đồng giải ngân đạt 0,7%.
Do vậy, áp lực giải ngân số vốn còn lại của Chương trình trong 6 tháng còn lại của năm 2023 là rất lớn và việc thực hiện giải ngân toàn bộ số vốn theo cam kết của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương là khó khả thi.
Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị đối với 02 dự án đầu tư được kiểm toán chi tiết tại 02 địa phương, cần xử lý tài chính số tiền 5,2 tỷ đồng (gồm thu hồi nộp NSNN hơn 520 đồng; giảm dự toán, giảm thanh toán 4,68 tỷ đồng); rà soát, giảm giá trị hợp đồng còn lại 294,7 triệu đồng; kiến nghị xử lý khác 631,8 triệu đồng.
Kiến nghị chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với những hạn chế, tồn tại
Đối với Bộ KHĐT, KTNN kiến nghị chấn chỉnh, rút kinh nghiệm về những hạn chế, tồn tại như: tham mưu việc thông báo tổng mức vốn, chi tiết danh mục và mức vốn dự kiến cho từng nhiệm vụ, dự án của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để làm căn cứ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu.
Bộ cũng chưa đề xuất cụ thể danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho các dự án thuộc lĩnh vực y tế trong báo cáo và Tờ trình của Chính phủ gửi tới Quốc hội mà chỉ xác định được các địa phương, các tuyến y tế cơ sở và y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật, bệnh viện, viện cấp trung ương cần đầu tư; chưa có báo cáo dự báo những khó khăn trong công tác hoàn thiện thủ tục, thực hiện chuẩn bị đầu tư đối với những dự án chưa có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn trong quá trình tổng hợp trước khi bố trí cho 255/264 dự án này dẫn đến chậm triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình.
Bộ còn chậm tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc phân cấp ủy quyền cho UBND cấp tỉnh đủ năng lực kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thực đầu tư công đi qua địa bàn thuộc Chương trình; ban hành hướng dẫn còn chậm và chưa cụ thể để các Bộ, cơ quan xem xét, quyết định các trường hợp chỉ định thầu thuộc thẩm quyền.
Đối với Bộ Tài chính, KTNN yêu cầu chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc chưa kịp thời tham mưu, hướng dẫn các đơn vị theo dõi, tổng hợp số giải ngân năm 2022 thuộc nguồn vốn của Chương trình. Đồng thời, cần tiếp tục phối hợp với Bộ KHĐT nghiên cứu tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến quyết định đối với việc tổng hợp theo dõi số giải ngân nguồn vốn của Chương trình được giao năm 2022 và số giải ngân nguồn vốn của Chương trình điều chỉnh với nguồn vốn thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo./.