Công tác quản lý thuế vẫn chưa chặt chẽ
Việt Nam đã ký kết 80 hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nội dung chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS), đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi chuyển giá, gian lận, trốn tránh nghĩa vụ thuế.
Mặc dù vậy, những năm gần đây, việc chính sách thuế thường xuyên được sửa đổi, bổ sung cũng đã làm mất dần đạo lý và tính hệ thống của các sắc thuế, dẫn đến thiếu đồng bộ, minh bạch, chẳng hạn như: quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng, về đối tượng không kê khai tính thuế giá trị gia tăng, chi phí tính thuế thu nhập DN, quy định về khái niệm DN có giao dịch liên kết và khống chế tỷ lệ lãi tiền vay đối với các đơn vị có giao dịch liên kết, thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân… Tình trạng này cũng làm cho người nộp thuế khó thích ứng với cơ chế, chính sách mới, dẫn đến sai sót, rủi ro trong thực hiện, thậm chí có trường hợp còn tác động không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Nhiều cơ sở dữ liệu để xác định doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh, thu nhập chịu thuế của người nộp thuế còn thiếu, đặc biệt là cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý thuế đối với thương mại, giao dịch điện tử… Việc chia sẻ, kết nối cơ sở dữ liệu giữa các tổ chức tín dụng, các đơn vị có chức năng thanh toán để xác định doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ còn yếu và chưa đầy đủ. Công tác quản lý thuế chưa theo kịp thực tiễn phát triển giao dịch thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu.
Các quy định về chức năng quản lý thuế, thủ tục hành chính thuế từ khâu đăng ký, kê khai, tính thuế, ấn định thuế, nộp thuế, xử lý tiền chậm nộp, nợ đọng thuế chưa rõ ràng, minh bạch. Quan hệ giữa người nộp thuế và cơ quan thuế chưa thực sự bình đẳng, còn nặng về coi trọng nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thuế hơn là quyền lợi và nghĩa vụ của người nộp thuế.
Việc phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra giữa cơ quan thuế và các cơ quan chức năng như Thanh tra Chính phủ, KTNN chưa chặt chẽ, quá trình xử lý kết quả thanh tra chưa dứt điểm, đôi khi thiếu thống nhất, hiệu quả chưa cao trong việc truy thu tiền thuế...
Hiện tượng thất thu thuế vẫn tương đối phổ biến, đặc biệt là việc chuyển dịch lợi nhuận của các đơn vị có giao dịch liên kết; thuế khoán trên doanh thu của hộ cá nhân kinh doanh; thuế đối với thương mại điện tử, trò chơi điện tử; thuế thu nhập cá nhân đối với dịch vụ hoa hồng môi giới...
Hằng năm, các cuộc thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế đối với người nộp thuế cũng như các cuộc kiểm toán của KTNN đối với các DN và cơ quan thuế đã truy thu cho NSNN hàng chục nghìn tỷ đồng. Điều này đã phần nào minh chứng rằng, công tác quản lý thuế vẫn chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc thất thu thuế của hộ, cá nhân kinh doanh còn dẫn đến sự thiếu bình đẳng về nghĩa vụ thuế giữa các DN và cá nhân kinh doanh, không khuyến khích các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi lên DN.
Hiện nay, tổ chức bộ máy của cơ quan thuế đã và đang được sắp xếp, cơ cấu lại, song vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý. Chẳng hạn, gần 80% cán bộ thuế quản lý khoảng 20% số tiền thuế thực thu vào NSNN, trong khi trên 20% cán bộ, công chức thuế lại quản lý gần 80% số tiền thuế. Một bộ phận không nhỏ cán bộ thuế có trình độ nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ, năng lực, kỹ năng quản lý chưa đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại...
Cần hoàn thiện cả chính sách và công tác quản lý
Nhằm phát huy những thành tựu đạt được, đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý thuế, chúng tôi kiến nghị các giải pháp cụ thể như sau:
Cần hoàn thiện về hệ thống chính sách pháp luật thuế hướng đến mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ, minh bạch, bình đẳng, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Quản lý thuế nhằm bổ sung các nội dung liên quan đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu, về chức năng quản lý thuế. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế. Xây dựng, tích hợp hệ thống thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế một cách đầy đủ, chính xác, tập trung. Chú trọng dữ liệu để có thể kiểm soát luồng tiền - hàng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh; đối soát, khai thác hiệu quả kho dữ liệu hóa đơn điện tử; giảm thiểu, dẫn đến chấm dứt tình trạng sử dụng hóa đơn khống, “trên trâu, dưới nghé”, lập DN “ma” để kinh doanh bất hợp pháp hóa đơn, trục lợi, trốn thuế… Tăng cường kết nối cơ sở dữ liệu từ máy tính tiền của người nộp thuế với cơ quan thuế. Tiến tới bắt buộc các siêu thị, cây xăng, cơ sở bán hàng phải kết nối hoặc gắn code của cơ quan thuế. Cần hoàn thiện các quy định để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế; xây dựng, hoàn thiện các quy định quản lý thuế đối với giao dịch xuyên biên giới, giao dịch của các DN có liên kết.
Công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế theo phương pháp quản lý rủi ro cần được xây dựng, hoàn thiện cho phù hợp với đối tượng thanh, kiểm tra và trình độ nghiệp vụ của cán bộ thuế.
Các hành vi vi phạm trong quá trình thanh, kiểm tra cũng như thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm cần phải được quy định và thực hiện công khai. Đồng thời, cần nghiên cứu thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro theo thông lệ quốc tế nhằm tạo ra cơ chế rõ ràng, minh bạch.
Cùng với đó, cơ quan thuế cần phối kết hợp kế hoạch, nội dung kiểm tra với các cơ quan chức năng, đặc biệt là với KTNN và Thanh tra Chính phủ để không trùng lặp và nâng cao hiệu quả. Xác định tiêu thức rủi ro trong kiểm toán, thanh tra thuế, chia sẻ cơ sở dữ liệu trong quá trình thanh tra, kiểm toán giữa cơ quan thuế với KTNN và ngược lại.
Cơ quan thuế phải có biện pháp và tạo được bước chuyển biến tích cực trong việc giải quyết nợ đọng về thuế và quản lý chặt chẽ số nợ thuế mới phát sinh; Phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm kiến nghị của KTNN, cơ quan thanh tra cũng như các vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác thu nộp và công tác quản lý thuế. Về tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực, ngành thuế cần tiếp tục sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đồng thời cần bố trí nguồn nhân lực hợp lý…
NGUYỄN THỊ CÚC
Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế
Theo Báo Kiểm toán số 22 ra ngày 30-5-2019