Mở rộng đối tượng kiểm toán để tránh thất thu cho ngân sách nhà nước

(BKTO) - Trong những năm qua, bằng các hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương, KTNN đã giúp cho công tác điều hành ngân sách của UBND tỉnh Bắc Ninh luôn luôn sát thực, hiệu quả, kịp thời ngăn ngừa, phát hiện và kiến nghị xử lý những vi phạm về quản lý NSNN; giúp UBND tỉnh điều hành, quản lý chặt chẽ NSNN nhằm chống thất thu, bội chi, lãng phí ở các cơ quan, đơn vị; góp phần làm minh bạch hoạt động thu chi ngân sách của địa phương, từ đó xây dựng và củng cố lòng tin của nhân dân đối với đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước nói chung, chính sách của địa phương nói riêng.



         
   
Ông Nguyễn Hữu Thành Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh
   
Tuy nhiên, theo quy định của Luật KTNN hiện hành, các khái niệm “đối tượng kiểm toán”, “đơn vị được kiểm toán”, “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nghĩa vụ nộp NSNN” đã không tách biệt, điều này dẫn đến việc nhận thức và áp dụng pháp luật kiểm toán chưa thống nhất. Vì vậy, nếu không phải là đơn vị được kiểm toán thì chủ thể là tổ chức, cá nhân có liên quan đến nghĩa vụ nộp NSNN sẽ không chịu sự kiểm toán của KTNN khi thực hiện kiểm toán tại các cơ quan, đơn vị thu NSNN.

KTNN đang gặp nhiều khó khăntrong hoạt động kiểm toán thuế

Theo quy định của pháp luật về quản lý thuế hiện hành, người nộp thuế chỉ bị điều chỉnh bởi hoạt động kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý thuế trên cơ sở đánh giá rủi ro. Người nộp thuế còn có thể được cơ quan Thanh tra Nhà nước thanh tra về chấp hành nghĩa vụ nộp NSNN; hoặc cơ quan điều tra thực hiện điều tra tội trốn thuế. Luật Quản lý thuế chưa quy định nghĩa vụ cung cấp hồ sơ, tài liệu cho cơ quan kiểm toán làm căn cứ đối chiếu khi thực hiện kiểm toán thu ngân sách. Chính vì điều này, khi tiến hành hoạt động kiểm tra, đối chiếu đối với các đơn vị, tổ chức có liên quan, KTNN có thể sẽ gặp trường hợp không hợp tác, không chấp hành cung cấp tài liệu, không thực hiện kết luận của KTNN.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Theo đó, tại nội dung quy định về chấp hành kết luận của cơ quan Thanh tra, KTNN, Dự thảo chỉ quy định việc xử lý kết luận của Thanh tra, KTNN khi thanh tra, kiểm toán cơ quan quản lý thuế và có kết luận, kiến nghị về nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Hay nói cách khác là giải quyết mối quan hệ giữa cơ quan quản lý thuế, người nộp thuế và các cơ quan có liên quan.

Trên cơ sở pháp luật về thanh tra, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, pháp luật về thuế và các Nghị quyết của Chính phủ về cắt giảm thủ tục hành chính, cơ quan thuế đã thực hiện kiểm tra, thanh tra thuế theo kết quả đánh giá, phân tích rủi ro. Hằng năm, ngành thuế đưa 18 - 20% DN vào diện thanh tra, kiểm tra. Kết quả thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, tỷ lệ DN có sai phạm lên đến 95% (có đơn vị sai vài ba trăm nghìn đồng, nhưng cũng có đơn vị bị truy thu hàng tỷ đồng). Điều này cho thấy, một mặt kết quả phân tích, đánh giá rủi ro để đưa vào diện thanh tra, kiểm tra của ngành thuế có tỷ lệ chuẩn xác cao; mặt khác cũng có thể đánh giá tỷ lệ DN vi phạm nghĩa vụ nộp thuế cũng còn cao.
Để tránh chồng chéo, gây phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động của DN, các DN trong diện thanh tra, kiểm tra trong năm sẽ được ưu tiên trước cho cơ quan Thanh tra Chính phủ và cơ quan KTNN thực hiện.

Tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp NSNN nói chung, nộp thuế nói riêng sẽ cùng lúc bị điều chỉnh bởi nhiều chính sách pháp luật như các luật thuế chuyên ngành (theo sắc thuế, luật quản lý thuế), pháp luật về đầu tư, về đất đai, về quản lý tài nguyên… Chính vì vậy, đôi khi kết luận của cơ quan KTNN với cơ quan thuế cũng có những chỗ chưa thống nhất. Trong khi, theo quy định của pháp luật thuế hiện nay thì cơ quan quản lý thuế phải pháp luật hóa kết luận thu thuế của KTNN bằng một quyết định hành chính để người có nghĩa vụ nộp NSNN phải thực hiện.

Cần quy định mở rộng đối tượng kiểm toán

Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý của các cơ quan nhà nước, chống thất thu NSNN, đồng thời đảm bảo hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán không bị chồng chéo, gây phiền hà đến tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp NSNN, chúng tôi kiến nghị sửa đổi bổ sung Luật KTNN theo hướng mở rộng đối tượng kiểm toán, bao gồm cả cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp NSNN, các đơn vị, tổ chức, chủ đầu tư sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản…, đảm bảo áp dụng các quyền và nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán đối với các cơ quan, tổ chức này.

Đồng bộ và thống nhất giữa Luật KTNN với các luật chuyên ngành khác như Luật Quản lý thuế, Luật Thanh tra để đảm bảo hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước không bị chồng chéo, nhưng cũng không bỏ sót. Đồng thời, áp dụng nguyên tắc cơ quan nào kết luận thì cơ quan đó có trách nhiệm giải trình, xử lý khiếu nại.

Trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận kiểm toán là của UBND các cấp và các cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, minh bạch và đúng với bản chất kinh tế của các giao dịch làm phát sinh nghĩa vụ nộp ngân sách cũng như không để tình trạng tồn đọng ảo khi thực hiện kết luận kiểm toán, đề nghị hằng năm, báo cáo của UBND các cấp, của các đơn vị thuộc đối tượng kiểm toán nếu có đủ hồ sơ thì xem xét điều chỉnh kết luận kiểm toán đã ban hành.

NGUYỄN HỮU THÀNH
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh
Theo Báo Kiểm toán số 22 ra ngày 30-5-2019
Cùng chuyên mục
Mở rộng đối tượng kiểm toán để tránh thất thu cho ngân sách nhà nước