Theo Tuyên bố đã được thảo luận trong Khuôn khổ bao trùm của OECD/ G20 về BEPS, một phương pháp mới để đánh thuế lợi nhuận và thiết lập một mức thuế toàn cầu (BEPS 2.0) đã được giới thiệu.
Theo đó, Trụ cột thứ nhất của BEPS 2.0 cho phép các quốc gia đánh thuế lợi nhuận từ hàng hóa và dịch vụ do các tập đoàn đa quốc gia cung cấp với hơn 20 tỷ euro trong doanh thu toàn cầu và lợi nhuận trên 10% doanh thu. Đổi lại, các quốc gia áp thuế dịch vụ kỹ thuật số (chẳng hạn như Pháp và Anh) phải loại bỏ chúng cũng như bất kỳ biện pháp tương tự nào.
Động thái này dự kiến sẽ phân bổ lại hơn 125 tỷ USD lợi nhuận từ khoảng 100 công ty đa quốc gia lớn và có lợi nhuận cao nhất trên thế giới cho các chính phủ. Thỏa thuận này sẽ được xem xét lại sau 7 năm.
Trụ cột thứ hai đặt ra mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên và ước tính tạo ra khoảng 150 tỷ USD doanh thu thuế toàn cầu hằng năm. Quy định này là một hệ thống phối hợp về thuế nhằm đảm bảo các công ty đa quốc gia lớn phải trả mức thuế tối thiểu đối với thu nhập phát sinh tại mỗi khu vực pháp lý mà họ hoạt động.
Trong khi các khu vực pháp lý thuế thấp như Bermuda và Quần đảo Virgin thuộc Anh hưởng lợi từ Trụ cột thứ hai một cách rõ ràng, các khu vực khác như Malaysia, Singapore và Hồng Kông lại nhận về nhiều thách thức. Hiện tại, Hồng Kông có mức thuế DN chủ yếu là 16,5%, nhưng một loạt các nhượng bộ đồng nghĩa với việc các công ty có thể giảm mức thuế xuống 8%.
Các chuyên gia cho rằng, biện pháp xử lý thuế nội địa của Hồng Kông đang khác xa với các biện pháp mà Trụ cột thứ hai của BEPS 2.0 đặt ra. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty đa quốc gia ở Hồng Kông có thể phải trả thuế bổ sung theo Trụ cột thứ hai và khiến Hồng Kông mất lợi thế cạnh tranh khi thu hút đầu tư.
Trước khi các thỏa thuận chính thức có hiệu lực từ năm 2023, các chuyên gia hàng đầu về thuế khuyến nghị các quốc gia tự coi mình là khu vực pháp lý về thuế thân thiện cần phải thay đổi chiến lược thu hút đầu tư của mình. Thay vì ưu đãi thuế, các chính phủ cần tập trung vào cơ sở hạ tầng quản lý tốt, lực lượng lao động thông thạo tiếng Anh và thị trường vốn mạnh...
Ngoài ra, các quốc gia cũng có thể xem xét nhiều biện pháp khác như tiếp tục thu hút nhân tài ở nước ngoài, tăng cường cơ sở hạ tầng tài chính để thu hút các nhà đầu tư và văn phòng chi nhánh, đồng thời tập trung vào đổi mới và công nghệ.
OECD nhấn mạnh rằng, BEPS 2 đem đến hy vọng có thể tránh được chiến tranh thương mại và các kết quả tiêu cực khác xuất phát từ sự rất phức tạp của các hành động khác nhau giữa các quốc gia trong giai đoạn hiện hiện nay.
THÙY LÊ