BHXH tỉnh Khánh Hòa khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ chi trả hỗ trợ

(BKTO) - Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và Quyết định 28/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng Covid-19 đã và đang tiếp tục khẳng định tính đúng đắn, kịp thời, nhất là khi cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) tại các địa phương không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ chi trả cho người lao động, trong đó có BHXH tỉnh Khánh Hòa.



                
   

BHXH tỉnh Khánh Hòa làm thủ tục cho người lao động. Ảnh: dangcongsan.vn

   

Chi trả hơn 216 tỷ đồng cho hơn 95 nghìn người lao động

Theo chia sẻ của ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc Quản lý, điều hành BHXH tỉnh Khánh Hòa, ngay sau khi Nghị quyết 116/NQ-CP và Quyết định 28/QĐ-TTg được ban hành, lãnh đạo BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, BHXH các địa phương dựa trên cơ sở nền tảng dữ liệu công nghệ thông tin, mã định danh của từng người tham gia BHTN để xác định chính xác số liệu người lao động, người sử dụng lao động thuộc diện được hỗ trợ và thời gian tham gia BHTN chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp làm căn cứ tính mức hỗ trợ cho người lao động; chuẩn bị nguồn kinh phí để triển khai chi trả các chính sách hỗ trợ kịp thời, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Trên tinh thần triển khai hỗ trợ nhanh nhất, hiệu quả nhất, BHXH tỉnh Khánh Hòa đã thành lập 8 ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP tại Văn phòng BHXH tỉnh, 7 cơ quan BHXH cấp huyện và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quy trình tiếp nhận hồ sơ, thời hạn giải quyết và trách nhiệm của từng phòng, ban. Những hành động này của cơ quan BHXH tỉnh và cấp huyện nhằm tích cực đẩy nhanh tiến độ rà soát, xử lý hồ sơ để nhanh chóng chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động.

Kết quả sau hơn một tháng thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động, tính đến ngày 07/11, toàn tỉnh đã có 95.337 người lao động được nhận hỗ trợ với số tiền đã chi trả hơn 216 tỷ đồng. Cụ thể, BHXH tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện giảm đóng 1% vào Quỹ BHTN cho 6.989 đơn vị sử dụng lao động đủ điều kiện (đạt tỷ lệ 100%), với 83.103 lao động được giảm mức đóng trong 12 tháng (từ tháng 10/2021-9/2022), số tiền được giảm hơn 56,8 tỷ đồng.

Về hỗ trợ người lao động từ Quỹ BHTN, đến ngày 07/11, BHXH tỉnh đã nhận được hồ sơ của 110.748 người, trong đó có 91.404 người lao động do đơn vị sử dụng lao động làm thủ tục hưởng; 19.344 người lao động đã nghỉ việc tự nộp hồ sơ. Tính đến ngày 07/11, BHXH tỉnh đã giải quyết hưởng trợ cấp từ Quỹ BHTN cho 95.337 người lao động.

Nỗ lực khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ

Nhìn lại thời điểm bắt đầu triển khai chính sách hỗ trợ đến nay, ông Lê Hùng Chính chia sẻ, trong quá trình thực hiện chi trả hỗ trợ cho nhóm người lao động đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ 01/01/2020-07/11/2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu cho người lao động, cơ quan BHXH tỉnh đã gặp một số khó khăn.
                
   

Người lao động ứng dụng phần mềm VSSID sẽ hỗ trợ rất tốt cho cơ quan BHXH. Ảnh: VGP

   

Khó khăn đáng kể là thời gian để giải quyết chế độ hỗ trợ theo Chính phủ quy định từ ngày 01/10/2021 đến chậm nhất là ngày 20/12/2021 phải kết thúc, dẫn đến số lượng hồ sơ đề nghị giải quyết của người lao động, đơn vị sử dụng lao động gửi đến với số lượng rất lớn, gấp 20 lần số lượng hồ sơ hàng ngày bình thường cơ quan BHXH tỉnh tiếp nhận.

Một khó khăn nữa là nhiều người lao động nộp hồ sơ nhiều lần, vừa nộp hồ sơ giấy, vừa nộp hồ sơ điện tử; vừa nộp ở địa phương này, vừa nộp cả ở địa phương khác, dẫn đến số lượng hồ sơ trùng quá lớn, cán bộ BHXH phải thực hiện rà soát, trả lại hồ sơ trùng và giải quyết hồ sơ đúng theo quy định.

Thêm vào đó là vấn đề người lao động lập hồ sơ còn ghi sai số tháng đóng BHTN chưa hưởng, ghi sai tài khoản ngân hàng, mã ngân hàng… Cơ quan BHXH phải mất nhiều thời gian để liên lạc hoặc hướng dẫn giải thích để người lao động hiểu và làm đúng quy định trong những lần sau.

Chia sẻ một thực tế trong công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, ông Lê Hùng Chính cho biết, phần lớn các hồ sơ gửi đến cơ quan BHXH bằng giao dịch điện tử, chiếm tới 90% tổng số hồ sơ mà cơ quan BHXH nhận được, còn hồ sơ giấy chỉ chiếm tỷ lệ 10%.

Đồng thời, qua công tác rà soát, xử lý hồ sơ và thực hiện chi trả, cơ quan BHXH tỉnh Khánh Hòa thống kê, phần lớn người lao động được nhận tiền hỗ trợ sớm là những người nộp đơn, hồ sơ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam, ứng dụng VSSID và có tài khoản ngân hàng.

Do đó, BHXH tỉnh khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động cài đặt, sử dụng ứng dụng VSSID, lập tài khoản ngân hàng để nhận tiền hỗ trợ để giao dịch từ cơ quan BHXH nhanh chóng, thuận lợi hơn, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp như hiện nay.
ĐỨC ANH

Cùng chuyên mục
BHXH tỉnh Khánh Hòa khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ chi trả hỗ trợ