Người dân làm thủ tục BHXH tại BHXH quận Ba Đình, Hà Nội |
Không ngừng phát triển lớn mạnh
BHXH TP. Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 15/QĐ-TCCB ngày 15/6/1995 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Từ tháng 01/2003, BHXH Thành phố tiếp nhận toàn bộ chức năng, nhiệm vụ thực hiện chính sách BHYT, quản lý Quỹ BHYT trên địa bàn Thủ đô. Từ 01/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan, ngày 24/7/2008, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 3902/QĐ-BHXH về việc tổ chức lại BHXH TP Hà Nội.
Cùng với sự phát triển của Ngành BHXH, 25 năm qua BHXH TP Hà Nội đã không ngừng lớn mạnh và phát triển cả về bộ máy và đội ngũ cán bộ; đồng thời triển khai hiệu quả nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia, chăm lo tốt cho các đối tượng thụ hưởng chính sách; không ngừng cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng phục vụ. Sự nỗ lực đó đã góp phần đưa chính sách BHXH, BHYT đến gần hơn với người dân, trở thành trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trên địa bàn Hà Nội – Giám đốc BHXH TP. Hà Nội Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh.
Tính đến hết năm 2019, toàn thành phố có hơn 1,7 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng hơn 1,4 triệu người so với năm 1995. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt hơn 1,6 triệu người, chiếm khoảng 34% lực lượng lao động trong độ tuổi. Chính sách BHXH tự nguyện hướng tới người nông dân, lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức cũng từng bước đi vào đời sống. Đến tháng 5/2020, Thành phố đã có hơn 37.000 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng hơn 34.000 người so với năm 2008.
Đặc biệt, đối tượng tham gia BHYT được mở rộng và tăng với tốc độ rất nhanh, nếu như năm 1995 có 552.308 người được cấp thẻ BHYT, bằng 13,9% dân số thì tính đến 31/12/2019 số người tham gia BHYT tăng lên 6,99 triệu người, mở rộng diện bao phủ BHYT đạt 88,3 % (tăng 6,4 triệu người, tăng 1.266% so với năm 1995). Năm 2020, BHXH Thành phố phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT được giao 90,1%, giúp người dân có điều kiện để chăm sóc sức khỏe, giảm chi phí khám, chữa bệnh.
Cùng với sự gia tăng vượt bậc về đối tượng tham gia, số thu BHXH, BHYT, BHTN cũng liên tục tăng theo từng năm, tăng từ 116,7 tỷ đồng năm 1995 lên 43.277 tỷ đồng vào năm 2019 (tăng 43.160 tỷ đồng, tăng 371 lần so với năm 1995). Năm 1995, TP Hà Nội giải quyết và chi trả lương hưu và các chế độ BHXH hàng tháng cho 224.348 người với số tiền 592 tỷ đồng; đến năm 2019 là 566.320 người với 31.483 tỷ đồng (tăng 53 lần so với năm 1995). Số lượt người được KCB theo chế độ BHYT tăng nhanh qua từng năm: năm 1995 có 1,6 triệu lượt người KCB BHYT, đến năm 2019 là 12 triệu lượt người (tăng 750% so với năm 1995)…
Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật BHXH, BHYT ngày càng có nhiều đổi mới, sáng tạo theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Qua đó nhận thức của người dân về chính sách BHXH, BHYT ngày càng được nâng lên, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ngày càng hiểu rõ về vai trò, trách nhiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT; tự giác tham gia BHXH, BHYT và chấp hành các quy định, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
Sự hài lòng của người dân là thước đo hiệu quả
Hà Nội là một trong những địa phương có số thu - chi BHXH, BHYT lớn nhất nước; số đơn vị, DN và số đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách thường xuyên biến động và đa dạng... Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), khối lượng công việc “khổng lồ” đều được giải quyết nhanh gọn, đem lại sự hài lòng cho người dân, DN.
Thời gian qua, BHXH Thành phố là một trong những đơn vị tiên phong trong Ngành triển khai thí điểm và tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ của Ngành như: quản lý thu; cấp sổ thẻ; kiểm soát, thanh toán chế độ ốm đau, thai sản; giao dịch hồ sơ điện tử trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT và cấp sổ thẻ; kết nối liên thông giữa Hệ thống quản lý bưu phẩm của Bưu điện với Hệ thống tiếp nhận và trả kết quả “Một cửa điện tử”…Cùng với đó, BHXH Thành phố cũng đang ứng dụng rất hiệu quả CNTT trong công tác quản lý hành chính như: quản lý, điều hành văn bản theo mô hình “Văn phòng điện tử”; Hệ thống “Một cửa điện tử”; phần mềm “Chữ ký điện tử”; Hội nghị trực tuyến, cung cấp thông tin trực tuyến (tin nhắn, thông báo, tra cứu quá trình đóng, hưởng, giải quyết hồ sơ BHXH, BHYT, BHTN)...
Việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong quản lý điều hành và các lĩnh vực nghiệp vụ đã mang lại chất lượng hiệu quả công việc vô cùng lớn, điều này đồng nghĩa với việc thực hiện cải cách hành chính, thu gọn đầu mối, giảm nhiều khâu trung gian, tiết giảm chi phí hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi, đi lại tạo thuận lợi cho đơn vị sử dụng lao động và người dân tham gia, thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT.
Bài và ảnh: THANH THÚY