Với quyết tâm đưa Bình Định trở thành điểm đến ấn tượng của khách du lịch trong nước và quốc tế, từ đầu năm 2024 đến nay, Bình Định đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, như: Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Amazing Bình Định Fest 2024; Giải Teqball thế giới 2024; Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Bình Định; Khai mạc du lịch hè chủ đề Quy Nhơn - thiên đường biển, tỏa sáng và phát triển; Lễ hội tinh hoa đất biển Bình Định năm 2024…
Theo Sở Du lịch tỉnh Bình Định, 9 tháng năm 2024, ngành du lịch Bình Định tiếp tục có sự bứt phá mạnh mẽ với trên 8 triệu lượt khách, tăng 87,5% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 147% so với kế hoạch năm 2024. Doanh thu du lịch đạt 22.794,6 tỷ đồng, tăng 56,9% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, không gian du lịch tiếp tục được mở rộng, đã hình thành nhiều điểm đến mới thu hút đông khách du lịch; các lễ hội văn hóa - du lịch - thể thao ở một số địa phương được duy trì, nâng cấp đầu tư quy mô hơn…
Hiện Bình Định có 54 đơn vị kinh doanh du lịch đạt “Tiêu chí bổ sung nâng cao chất lượng dịch vụ”, trong đó gồm: 27 cơ sở lưu trú du lịch; 6 cơ sở ăn uống; 1 cơ sở mua sắm; 15 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; 4 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải; 1 điểm du lịch.
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác của tỉnh, trong thời gian tới, ngành du lịch Bình Định tiếp tục triển khai có hiệu quả bộ tiêu chí nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển du lịch Bình Định bền vững.
Đồng thời, triển khai Chương trình kích cầu du lịch Bình Định mùa du lịch thấp điểm năm 2024, gắn với đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá giới thiệu các sự kiện, lễ hội, các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng của Bình Định.
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ tiên tiến từ Holitech, số hóa các hoạt động du lịch, chuyển đổi xanh cho tỉnh Bình Định; triển khai xây dựng các video thuyết minh ảo giới thiệu các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh bằng cách ứng dụng công nghệ AI.
Tổ chức rà soát quy hoạch, xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng của từng huyện, thị xã; du lịch nông nghiệp phải gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch cần tích cực nghiên cứu xây dựng các sản phẩm mới, sản phẩm liên kết, nhất là các sản phẩm gắn với tài nguyên văn hóa, lịch sử, khu vực nông thôn, làng nghề đặc sắc của Bình Định./.