Cụ thể, HĐND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Nghị quyết số 19/NQ-HĐND về việc sửa đổi Nghị quyết số 47/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của HĐND tỉnh Bình Dương về dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; thu, chi và phân bổ ngân sách địa phương năm 2024. Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Bình Dương khóa X, Kỳ họp thứ 17 (chuyên đề) thông qua và có hiệu lực từ ngày 22/8/2024.
Theo đó, HĐND tỉnh Bình Dương sửa đổi tổng thu từ kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương là 71.850 tỷ đồng và thu nội địa hơn 48.328 tỷ đồng. So với kế hoạch từ Nghị quyết số 47/NQ-HĐND, tỉnh Bình Dương đã điều chỉnh tăng thêm 250 tỷ đồng. Số tiền này đến từ điều chỉnh tăng khoản thu nội địa.
Cùng với đó, tỉnh Bình Dương cũng sửa đổi tổng thu ngân sách địa phương từ gần 33.050 tỷ đồng lên mức hơn 33.396 tỷ đồng, tức tăng gần 347 tỷ đồng so với kế hoạch Nghị quyết số 47/NQ-HĐND trước đó. Sửa đổi thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp lên gần 22.653 tỷ đồng và thu chuyển nguồn cải cách tiền lương lên gần 733 tỷ đồng.
Đồng thời, sửa đổi tổng chi ngân sách địa phương từ mức gần 33.050 tỷ đồng lên mức hơn 33.396 tỷ đồng, tăng tương ứng nức thu, gần 347 tỷ đồng; sửa đổi chi cân đối ngân sách địa phương lên mức gần 23.386 tỷ đồng; sửa đổi chi đầu tư phát triển lên mức gần 11.431 tỷ đồng; sửa đổi chi thường xuyên lên mức 11.167 tỷ đồng.
HĐND tỉnh Bình Dương cũng cho biết, các số liệu, nội dung và phụ lục còn lại đã phê chuẩn tại Nghị quyết số 47/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 khác được giữ nguyên không điều chỉnh.
HĐND tỉnh Bình Dương giao UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này. Giao Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Theo Cục Thuế tỉnh Bình Dương, nhận định việc tăng thu ngân sách là minh chứng rõ ràng cho sự phát triển ổn định của tỉnh Bình Dương, thể hiện niềm tin của các doanh nghiệp vào môi trường đầu tư tại tỉnh. Điều này không chỉ là kết quả của các chính sách tài khóa hợp lý, mà còn là động lực thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống thuế để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Để giữ vững và phát triển hơn nữa những thành quả đã đạt được, Bình Dương đã vạch ra một lộ trình cải cách toàn diện, tập trung vào việc nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của hệ thống thuế. Một trong những bước đi đầu tiên là áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, giúp nâng cao tính tuân thủ và giảm thiểu sai sót trong quá trình giao dịch. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp mà còn góp phần tăng cường quản lý thuế của Nhà nước, đảm bảo nguồn thu ổn định cho ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, hiện đại hóa hệ thống thuế điện tử, mở rộng dịch vụ trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Đây là bước đột phá quan trọng giúp Bình Dương không chỉ cải thiện chất lượng phục vụ, mà còn nâng cao hiệu quả thu ngân sách.
Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh Bình Dương cũng tăng cường kiểm tra, giám sát và chống thất thu ngân sách, đặc biệt chú trọng quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, hoạt động thương mại điện tử, và chuyển nhượng bất động sản; trong đó việc thắt chặt quản lý thu thuế đối với lĩnh vực xây dựng cơ bản vãng lai đã mang lại hàng trăm tỷ đồng cho ngành thuế tỉnh Bình Dương mỗi năm…
Ngành thuế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương để thực hiện tốt việc quản lý nhà nước về quy hoạch, sử dụng đất, cũng như hỗ trợ tối đa cho các dự án đầu tư. Mục tiêu không chỉ là đảm bảo thu ngân sách thu đúng, thu đủ và tạo công bằng trong cộng đồng doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và cả nền kinh tế địa phương.
Bình Dương với những nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường hiệu quả quản lý, từng bước khẳng định vị thế của địa phương, điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.