Bình Dương: Nhiều ổ dịch âm ỉ, nguy cơ bùng phát trên diện rộng

(BKTO) - Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại Bình Dương nhận định: Bình Dương đang có nhiều ổ dịch âm ỉ, nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Vì vậy, tỉnh cần nhanh chóng nâng cao năng lực xét nghiệm, tầm soát, truy vết ca bệnh.



Dịch bệnh đã xuất hiện ở 45 công ty/xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân

Ngày 11/7, làm việc với Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế, ông Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương - cho biết ngày 10/7 tỉnh Bình Dương ghi nhận 179 ca mắc mới, trong đó 28 ca phát hiện tại cơ sở y tế, 69 ca phát hiện trong khu cách ly tập trung, 78 ca phát hiện trong khu phong tỏa, 4 ca phát hiện ngoài cộng đồng.
                
   

Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế làm việc tại tỉnh Bình Dương - Ảnh: N. THƯƠNG

   

Đặc biệt, nhiều ca bệnh là người lao động, công nhân trong các công ty, khu công nghiệp (KCN). Cụ thể như: Công ty Premier Global Việt Nam có 78 ca, công ty Wanek 2 có 28 ca… Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 1.305 ca mắc Covid-19, 2 trường hợp tử vong. Dịch bệnh đã xuất hiện ở 45 công ty/xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân. Tích lũy từ đầu mùa dịch đến nay tỉnh Bình Dương đã thực hiện 57.255 mẫu xét nghiệm cho 130.003 lượt người.

Lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương cũng cho biết, tỉnh đang có gần 600 đội lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có 150 đội là cán bộ, sinh viên Đại học Y Hà Nội chi viện cho tỉnh. Với lượng nhân lực trên, năng lực lấy mẫu của tỉnh có thể đạt trên 100.000 dân/ngày. Tỉnh đang xây dựng kế hoạch vận động thêm và tập huấn cho lực lượng đoàn viên thanh niên, để nâng cao năng lực lấy mẫu.

Về năng lực chạy mẫu xét nghiệm, tỉnh đang có 12 máy RT-PCR trong đó Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) có 5 máy, còn lại ở các Trung tâm y tế huyện. Ngoài ra, tỉnh đang ký kết hợp tác với một đơn vị tư nhân, đơn vị này cam kết trả kết quả xét nghiệm trong vòng 20 giờ. Mỗi ngày, các đơn vị có thể chạy được 5.000 mẫu đơn, tương đương 50.000 mẫu gộp.

Về vật tư y tế cho việc lấy mẫu xét nghiệm, Sở Y tế đang huy động hơn 200 tỷ đồng để tích cực mua sắm vật tư thiết bị y tế, đảm bảo cho chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng sắp tới.

Tuy nhiên, theo ông Dương khó khăn lớn nhất của Bình Dương hiện nay là công tác tổ chức lấy mẫu. Những ngày vừa qua, tỉnh gặp một số trục trặc do việc bố trí phương tiện, phân công chưa hợp lý, lập danh sách lấy mẫu còn một số lúng túng, tuy nhiên đến nay các khó khăn cơ bản đã khắc phục được. Công tác huy động người dân đến lấy mẫu đã được cải thiện hơn.

Nâng cao năng lực lấy mẫu xét nghiệm và truy vết

Trước tình hình trên, ông Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) nhận định, với số ca bệnh được phát hiện trên địa bàn tỉnh thông qua quá trình điều tra dịch tễ, đặc biệt nhiều ca bệnh là người lao động trong các khu công nghiệp được phát hiện mắc Covid-19 khi đến khám tại các cơ sở y tế, có thể nhận định, trong cộng đồng nhiều ổ dịch đang âm ỉ, nguy cơ bùng phát trên diện rộng.

Trong khi đó, năng lực RT-PCR của tỉnh chưa đến 5.000 mẫu đơn, tương đương 50.000 mẫu gộp và 45.000 test nhanh là còn rất hạn chế. Vì vậy, ông Nam đề nghị tỉnh Bình Dương cần nhanh chóng nâng cao năng lực xét nghiệm PCR, đặc biệt là test nhanh; mua sắm tối thiểu 500.000 test nhanh, thậm chí nhiều hơn để gối đầu cho những đợt lấy mẫu xét nghiệm sau.

Bên cạnh đó, chính quyền cấp xã, phường cần tham gia tích cực hơn trong công tác tổ chức phân luồng, đảm bảo khoảng cách tại các điểm lấy mẫu, tránh ùn tắc trong quá trình lấy mẫu. Đối với lấy mẫu trong cơ sở sản xuất, khu công nghiệp cần có kế hoạch cụ thể; không bố trí lấy mẫu tập trung với quy mô nhiều công ty. Việc lấy mẫu bố trí tại từng công ty, từng phân xưởng để đảm bảo khoảng cách.

GS,TS. Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề xuất, tỉnh Bình Dương cần nhanh chóng tầm soát trong toàn cộng đồng để đánh giá rõ ràng về tình hình và nguy cơ lây nhiễm của toàn tỉnh và truy vết, khoanh vùng sớm. Tuy nhiên công tác tổ chức và triển khai lấy mẫu cần phải có chiến lực.

Theo đó, đối với phương pháp khẳng định RT-PCR, với năng lực hiện tại thì khả năng trả kết quả trong 24 giờ trong khi số lượng mẫu quá lớn sẽ khó có thể đảm bảo được. Do đó, tỉnh cần cân đối số lượng mẫu, mẫu lấy cần có tập trung, trọng điểm ở những khu vực nguy cơ cao.

Trong giai đoạn hiện nay, chiến lược phối hợp giữa test nhanh và PCR sẽ mang lại nhiều hiệu quả trong công tác truy vết. Theo đó, tỉnh cần ưu tiên thực hiện test nhanh, cho kết quả sớm, từ đó kịp thời nhận diện những mẫu có nguy cơ và khẳng định bằng PCR.

Cũng theo GS,TS. Lê Thị Quỳnh Mai, dịch bệnh có thể kéo dài, trong khi Bình Dương có nhiều cơ sở sản xuất, KCN. Hiện tại tỉnh có 600 đội lấy mẫu, tuy nhiên về sau có thể thực hiện chiến lược mỗi công ty, cơ sở sản xuất, KCN tự thực hiện test nhanh theo định kỳ. Để làm được như vậy, ngành y tế cần có kế hoạch đến từng đơn vị, tập huấn cho những nhân sự được phân công nhiệm vụ. Nếu thực hiện được, chiến lược này sẽ đảm bảo truy vết nhanh, đủ độ tin cậy, hiệu quả và tiết kiệm.
ĐĂNG KHOA – NGUYỄN THƯƠNG
Cùng chuyên mục
  • Thêm 4 ca tử vong do Covid-19 trên bệnh nhân cao tuổi
    3 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Chiều 11/7, Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo về 4 ca tử vong do Covid-19 (Ca tử vong số 113-116) gồm 2 ca tại TP. Hồ Chí Minh và 2 ca tại Đồng Tháp.
  • Sáng 12/7: Thêm 662 ca mắc mới và 3 ca tử vong do Covid-19
    3 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Thông tin cập nhật về diễn biến dịch Covid-19 của Bộ Y tế cho biết, tính từ 19h ngày 11/7 đến 6h ngày 12/7 có 662 ca mắc mới (BN29817-30478) gồm: 3 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 659 ca ghi nhận trong nước tại 9 tỉnh, thành phố, trong đó, riêng TP. Hồ Chí Minh 544 ca.
  • Tây Ninh cần phát triển đúng tầm, chống dịch thành công
    3 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Sáng 11/7, tiếp tục chuyến công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch và duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh phía Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh.
  • Ngày 11/7, Việt Nam ghi nhận 1.953 ca mắc Covid-19
    3 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Tối 11/7, Bộ Y tế cho biết, tính từ 12h đến 19h ngày 11/7 có thêm 713 ca mắc mới (BN29104-29816) gồm 6 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 707 ca ghi nhận trong nước. Tính chung trong ngày 11/7, Việt Nam ghi nhận 1.953 ca mắc mới, trong đó tại TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 1.397 ca, Bình Dương 234 ca. Trong ngày, có thêm 71 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
  • Bảo đảm cung ứng, bình ổn giá thuốc phòng, chống Covid-19
    3 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có Công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện trực thuộc Bộ và các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc về việc bảo đảm cung ứng, bình ổn giá thuốc phòng, chống Covid-19.
Bình Dương: Nhiều ổ dịch âm ỉ, nguy cơ bùng phát trên diện rộng