Bình Thuận: Thách thức trong phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Dù nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, nhưng tại tỉnh Bình Thuận, tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), nhất là BHXH tự nguyện vẫn giảm mạnh. Điều này đặt ra thách thức rất lớn cho ngành BHXH tỉnh để thực hiện kế hoạch được giao trong những tháng cuối năm.

bhxh(1).jpg
Tham gia BHXH mang lại nhiều quyền lợi khi về hưu. Ảnh: BHXH Bình Thuận

Số người tham gia giảm

Thời gian qua, các địa phương trong toàn tỉnh đã đẩy mạnh lan tỏa chính sách BHXH để thu hút thêm nhiều người lao động tham gia. Qua công tác tuyên truyền, người dân đã dần nhận thức được, đây là chính sách ưu việt để giảm bớt những khó khăn khi bản thân hết tuổi lao động. Tuy nhiên, theo đánh giá của BHXH tỉnh, số người tham gia BHXH tự nguyện còn chưa đạt kế hoạch đề ra.

Trong 10 tháng năm 2022, Bình Thuận chỉ có 10.147 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 38,6% kế hoạch; giảm 4.839 người so với cuối năm 2021. Như vậy, số người còn phải phát triển để đạt chỉ tiêu giao năm 2022 khoảng 16 nghìn người. Đây là một thách thức lớn trong những tháng cuối năm của ngành BHXH tỉnh. 

BHXH tỉnh Bình Thuận

Theo ông Trần Ngọc Tuấn - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng BHXH tỉnh, nguyên nhân chính của tình trạng này là do việc điều chỉnh mức đóng BHXH tự nguyện theo quy định về chuẩn nghèo đa chiều đã ảnh hưởng đến người tham gia BHXH tự nguyện. Cụ thể, từ ngày 01/01/2022, theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ, mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700 nghìn đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng. Mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất theo mức chuẩn nghèo mới sẽ là 330 nghìn đồng/tháng (22% x 1,5 triệu đồng), tăng 176 nghìn đồng/tháng so với trước. Mức thu nhập chuẩn nghèo đa chiều mới tăng lên gấp đôi nên mức đóng BHXH tự nguyện cũng tăng theo. Điều này gây khó khăn hơn cho công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trong giai đoạn mới. “Mức đóng cao hơn trước gây khó khăn cho người dân, nhưng ngược lại, đóng cao, thì mức hưởng cũng sẽ cao hơn nên người dân cần cố gắng tham gia” – ông Tuấn cho biết.

Mặt khác, do tác động của tình hình dịch bệnh, đời sống kinh tế và thu nhập của người dân ở vùng biển, vùng nông thôn, người lao động tự do gặp rất nhiều khó khăn, sản phẩm nông nghiệp đặc thù ở địa phương làm ra có giá cả thấp, không tiêu thụ được nên người dân không đủ khả năng để tiếp tục tham gia hoặc tham gia mới BHXH tự nguyện.

Hơn nữa, một bộ phận người dân chưa nhận thức thật sự đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH. Một bộ phận người dân ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Hệ thống tổ chức dịch vụ thu chưa thật sự ổn định về điểm thu và nhân viên thu; một số điểm thu chưa đáp ứng theo yêu cầu trong công tác vận động, phát triển người tham gia BHXH; chưa tổ chức theo dõi, đánh giá kết quả vận động, phát triển mới người tham gia BHXH tự nguyện của từng nhân viên thu BHXH; đa số nhân viên thu đang kiêm nhiệm nhiều việc, chưa bám sát địa bàn để vận động tuyên truyền, tư vấn trực tiếp…

Tăng cường công tác tuyên truyền

Nhận diện rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, BHXH tỉnh và các cơ quan liên quan đã đề ra giải pháp và tập trung thực hiện để tăng tốc trong việc phát triển đối tượng tham gia.

Hệ thống BHXH trong tỉnh đang dồn lực, dồn sức thực hiện nhiều nhóm giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu được giao trong năm 2022, trong đó chú trọng đến công tác truyền thông, nhất là hình thức truyền thông trực tiếp khi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt.

Theo Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đặng Minh Thông, ngành BHXH tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền về lợi ích của chính sách BHXH đến người dân, người lao động và tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là trong bối cảnh thay đổi chính sách, nhiều người dân còn chưa hiểu rõ. Theo đó, trong những tháng cuối năm, ngành BHXH sẽ mở rộng nhiều hội nghị truyền thông về chính sách BHXH; thành lập các tổ truyền thông nhỏ đến từng địa bàn, xã, phường. “Mục tiêu là từ đây đến cuối năm phải hoàn thành tỷ lệ bao phủ BHXH mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bình Thuận” - ông Thông cho biết.

Theo đó, các Tổ tuyên truyền vận động người tham gia BHXH sẽ có nhiệm vụ đến từng hộ gia đình, các khu dân cư để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH; đồng thời tiếp nhận thông tin phản ánh để báo cáo lãnh đạo BHXH tỉnh theo dõi và kịp thời chỉ đạo, giải quyết các vướng mắc phát sinh.

"Muốn phát triển đối tượng tham gia BHXH, không còn cách nào khác ngoài việc kiên trì, bám sát và tuyên truyền để giúp người dân, người lao động dần thay đổi nhận thức và hiểu rằng: BHXH là chính sách an sinh xã hội ưu việt, mở ra cơ hội được hưởng lương hưu cho tất cả người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, do Nhà nước tổ chức thực hiện, được Nhà nước bảo hộ, hỗ trợ không vì lợi nhuận" - ông Tuấn cho biết và nhấn mạnh rằng, khác với các chương trình thương mại khác, chính sách BHXH do Nhà nước đảm bảo và không bao giờ lo vỡ quỹ, mục đích duy nhất là vì cuộc sống của người dân./. 

Cùng chuyên mục
Bình Thuận: Thách thức trong phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện