Động thái của các quốc gia trước cơn sốt Bitcoin
Ra đời từ năm 2009, Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số dưới dạng phần mềm mã nguồn mở. Bitcoin có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào. Sự cung ứng Bitcoin là tự động, có sự hạn chế, được phân chia theo lịch trình định sẵn dựa trên các thuật toán.
Bitcoin được cấp tới các máy tính "đào" Bitcoin để trả công cho việc xác minh giao dịch và ghi chúng vào cuốn sổ cái được phân tán trong mạng ngang hàng (blockchain). Đồng tiền này sẽ dừng cung cấp cho tới khi có tổng cộng 21 triệu Bitcoin được phát hành vào năm 2140.
Kể từ khi ra đời, Bitcoin đã trở nên phổ biến khắp thế giới vì khả năng bất định hình - một loại tiền ảo đang thử thách các chính phủ và các định chế tài chính. Theo số liệu từ Bloomberg News, vốn hóa thị trường của Bitcoin đang ở ngưỡng trên 167 tỷ USD và số Bitcoin cung ứng là 16.707.525 đồng. Nếu giữ nguyên đà tăng trưởng này trong năm 2018, tổng giá trị thị trường của Bitcoin có thể đạt 1.500 tỷ USD, cao hơn bất kỳ công ty nào trên thế giới.
Sau mỗi lần lập đỉnh, các chuyên gia kinh tế ngay lập tức đưa ra những cảnh báo về nguy cơ bong bóng Bitcoin sắp nổ. Tuy nhiên, khả năng hồi phục bất ngờ của đồng tiền này khiến cho việc dự báo trở nên khó khăn hơn. Nếu như tuần cuối cùng của năm 2017 chứng kiến mức tăng cao nhất trong lịch sử khi Bitcoin chạm ngưỡng 20.000 USD, thì bước sang đầu năm 2018, đồng tiền này có khi lao dốc tới 40% giá trị so với thời điểm đạt đỉnh cao nhất.
Trước cơn sốt Bitcoin, các quốc gia trên thế giới đã có những phản ứng khác nhau. Hồi tháng 4 năm ngoái, Nhật Bản đã công nhận Bitcoin là một phương thức thanh toán chính thức. Tháng 5, Australia bãi bỏ việc thu thuế đối với Bitcoin và coi đó là một loại tiền tệ cho mục đích thuế. Tháng 9, quốc đảo Vanuatu chính thức công nhận tính hợp pháp của Bitcoin, thậm chí gần đây, nước này còn cho phép sử dụng Bitcoin ngay cả lúc nhập cư.
Trong khi đó, nhiều quốc gia lại có động thái kiểm soát gắt gao các giao dịch này. Hồi tháng 9, Trung Quốc - thị trường chiếm 20% hoạt động “đào” và giao dịch Bitcoin - đã có những tuyên bố về việc siết chặt tiền ảo. Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, nước này sẽ chặn truy cập đến website các sàn giao dịch tiền ảo.
Gần đây, một trong những thị trường giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới là Hàn Quốc cũng phát đi tín hiệu về việc sẽ triển khai các biện pháp mạnh mẽ nhằm thắt chặt và có thể cấm giao dịch Bitcoin. Hệ quả, ngay trong tháng 1 năm nay, thị trường tiền ảo đã trải qua biến động lớn khi nhiều nhà đầu tư bán tống bán tháo lượng tiền dự trữ, khiến giá Bitcoin giảm mạnh.
Các cơ quan quản lý trên toàn thế giới đang lo ngại tiền ảo sẽ trở thành những thiên đường thuế mới. Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là hai trong số các lãnh đạo thế giới đã cảnh báo về việc tiền ảo ngày càng được sử dụng nhiều hơn để chuyển tiền ra nước ngoài. Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yeon cũng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ của tiền ảo và kêu gọi các cơ quan chính phủ xem xét vấn đề này.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, lo ngại lớn nhất hiện nay là tiền ảo có thể bị sử dụng cho các mục đích phi pháp như rửa tiền hoặc tài trợ cho các hoạt động bất hợp pháp và người tiêu dùng có thể bị phương hại từ việc đầu tư tích trữ tiền ảo. Vị Bộ trưởng cho biết, Washington sẽ hợp tác với các nước thành viên thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhằm đảm bảo rằng đồng tiền kỹ thuật số này không nằm trong "tài khoản của ngân hàng Thụy Sỹ".
Việt Nam không công nhận Bitcoin là đồng tiền và phương tiện thanh toán hợp pháp
Chưa bao giờ đầu tư tiền ảo lại nóng như thời gian qua. Cơn sốt Bitcoin trên thế giới đã tác động mạnh tới giới đầu tư trong nước, lôi kéo nhiều thành phần tham gia. Thống kê mới đây trên Coinmarketcap cho thấy, Việt Nam đứng đầu danh sách các quốc gia truy cập nhiều nhất vào các trang coin huy động vốn theo mô hình đa cấp (MLM) và top 5 danh sách các quốc gia truy cập nhiều nhất vào các sàn giao dịch tiền ảo.
Trước đó, câu chuyện máy ATM giao dịch Bitcoin đặt tại một quán cafe ở Sài Gòn đã gây nhiều chú ý. Thế nhưng phải đến khi Trường Đại học FPT lên tiếng muốn thu học phí sinh viên nước ngoài bằng Bitcoin thì sự việc này mới chính thức nhận được những phản ứng của dư luận và cơ quan chức năng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã vào cuộc khi phát đi thông báo: nếu đơn vị nào cố tình dùng Bitcoin cũng có nghĩa là vi phạm quy định về thanh toán tiền tệ. Từ ngày 01/01/2018, theo Bộ Luật hình sự, việc sử dụng thanh toán bằng Bitcoin có thể bị xử phạt mức cao nhất lên tới 200 triệu đồng, chưa kể nặng hơn có thể xử lý vi phạm hình sự.
Quan điểm của NHNN hiện nay hoàn toàn nhất quán với thời điểm tháng 02/2014, khi cơ quan này tuyên bố Bitcoin không phải là đồng tiền hợp lệ và phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu quốc hội ngày 16/11/2017, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng lại một lần nữa khẳng định chủ trương này. Dù vậy, trong xu thế phát triển của Bitcoin hiện đại, ông Hưng cho rằng, cần có khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản lý tiền ảo.
Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia - ông Trương Văn Phước - khuyến nghị: Chính phủ nên cấm việc mua bán Bitcoin. Tuy nhiên, trước sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật với những xu hướng của một đồng tiền điện tử tương đối phổ biến, ngân hàng trung ương các nước cũng đang theo dõi chặt chẽ để có phản ứng chính sách kịp thời, do đó các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam cũng cần quan sát kỹ những diễn biến của đồng tiền này để đưa ra phương án quản lý phù hợp.
Đồng quan điểm trên, TS. Cấn Văn Lực - cố vấn cấp cao của Ngân hàng BIDV cho biết, nếu Việt Nam chưa hiểu rõ và chưa quản chế được tiền ảo thì không nên vội chấp nhận. Theo ông Lực, Chính phủ Việt Nam cần đưa ra phương án phù hợp để tiếp cận Bitcoin cũng như cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu để đưa ra chính sách cụ thể. Theo đó, đề án nghiên cứu phải rất sát với thực tế, cách tiếp cận về cơ bản cần hết sức thận trọng, có sự quan sát.
Trên thực tế, thế giới tiền ảo đang tồn tại những vấn đề mà hoạt động quản lý rất khó đụng đến. Hiện chưa có khái niệm rõ ràng về mặt pháp lý rằng Bitcoin là tiền hay hàng. Trong khi đó, các sàn giao dịch Bitcoin tại Việt Nam vẫn đang nở rộ và giao dịch ngầm sôi động. Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên công nhận Bitcoin là một loại hàng hóa, tài sản. Theo đó, những công ty lưu trữ và giao dịch Bitcoin phải được kiểm soát để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư. Điều này sẽ khiến Nhà nước có thể kiểm soát và thu thuế từ các giao dịch Bitcoin.
Tại cuộc họp Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng diễn ra cuối tháng 12/2017, các thành viên trong Tổ cũng kiến nghị Chính phủ sớm có cơ chế quản lý Bitcoin. Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao các Bộ, ngành của Chính phủ nhanh chóng rà soát, đề xuất phương án quản lý kinh tế trên một số lĩnh vực ngay trong tháng 01/2018. Đáng chú ý, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với NHNN khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền điện tử như Bitcoin tại Việt Nam.
Cuộc chơi tiền ảo: không nên cấm mà nên quan tâm đến cách thức quản lý
Sự xuất hiện của tiền điện tử, tiền ảo đã tạo ra nhiều cơ hội và cả những thách thức trong việc kiểm soát dòng tiền, rủi ro phát sinh khi thanh toán và an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, nhất là trước xu hướng các hoạt động tài chính ứng dụng công nghệ của các tổ chức không phải ngân hàng (non-bank) đang phát triển rất mạnh. Tại Hội thảo “Cơ hội đầu tư - kinh doanh 2018” mới đây, ông Cấn Văn Lực đặt vấn đề: giống như cách mạng 4.0, chúng ta không nên cấm đoán hoàn toàn Bitcoin hay những đồng tiền ảo tương tự mà nên quan tâm đến vấn đề quản lý thế nào?
Thực tế cho thấy, trong khi tính rủi ro, bất ổn của Bitcoin khiến nhiều người lo ngại thì công nghệ tạo ra đồng tiền này lại được các chuyên gia đánh giá là có thể tạo nên những thay đổi lớn, tích cực cho hoạt động tài chính trong những thập kỷ tới, và đây là xu hướng không thể đảo ngược. Blockchain đóng vai trò giống như một cuốn sổ cái cho tất cả các giao dịch. Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu.
Thông tin trong blockchain không thể thay đổi và chỉ được bổ sung khi có sự đồng thuận của tất cả các thành viên trong mạng lưới. Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống blockchain đổ, những máy tính và các thành viên khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin. Chính vì thế, blockchain được đánh giá là công nghệ sáng tạo mang tính đột phá của tư duy con người, nhằm đảm bảo tuyệt đối minh bạch thông tin, chính xác, hợp lý và tiện ích trong thời đại kỹ thuật số. Công nghệ này sẽ mở ra một xu hướng ứng dụng tiềm năng cho nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bán lẻ, vận tải, sản xuất, viễn thông…
Hiện một số ngân hàng trên thế giới đã đồng thuận tham gia blockchain để tạo nơi lưu trữ thông tin an toàn. Đây là điều đáng khuyến khích. Nếu nghiên cứu này đạt hiệu quả tốt thì sắp tới chính phủ các nước có thể thu thuế thông qua blockchain, các giao dịch chứng khoán, ngân hàng qua blockchain cũng tiện lợi, chi phí thấp, an toàn và bảo mật cao hơn. Với blockchain, mỗi ngân hàng sẽ không cần một hệ thống lưu riêng mà tất cả hồ sơ sẽ được lưu trên không gian chung.
Khi cần tìm hiểu thông tin, ngân hàng có thể truy cập hệ thống với mật mã riêng. Ông Dominik Weil - đồng sáng lập Bitcoin Việt Nam cho rằng, nếu các ngân hàng trung ương phát hành tiền điện tử riêng thì có thể giúp minh bạch hóa hệ thống và các giao dịch vì những dữ liệu được lưu lại sẽ không thể sửa hay xóa đi.
Trong bối cảnh giới chức Mỹ và châu Âu ngày càng mạnh tay với các ngân hàng truyền thống bằng luật chống rửa tiền hay luật "know-your-customer" buộc phía ngân hàng phải cung cấp đầy đủ thông tin khách hàng, thì nhu cầu tìm ra cách mới để cất giấu tài sản đang tăng rất mạnh.
Nhiều định chế tài chính cũng bắt buộc phải hạn chế khả năng tiếp cận của khách hàng với hệ thống ngân hàng siêu bảo mật ở Thụy Sỹ. Trong khi đó với Bitcoin, lần đầu tiên trong lịch sử, bất kỳ ai cũng có thể cất giữ tiền trong "ngân hàng của chính mình". Tuy nhiên theo Matthew Beck - một lãnh đạo của Grayscale, thị trường tiền số cần được quản lý bởi các Chính phủ vì hệ sinh thái này khó có thể lớn lên mà không có các quy định quản lý.
Theo giới chuyên gia, tương lai còn quá sớm để phán xét nhưng Bitcoin nói riêng và tiền ảo nói chung đã thay đổi suy nghĩ của chúng ta về thế giới ảo. Đã đến lúc phải thừa nhận rằng, ngân hàng số, tiền số hay các sản phẩm ngân hàng số sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Trong bối cảnh đó, cơ quan quản lý có thể không khuyến khích nhưng cũng không thể cấm các sản phẩm, dịch vụ này ra đời mà chỉ có thể nghiên cứu kỹ để đưa ra hành lang pháp lý phù hợp.
HỒNG NHUNG
Theo Đặc san Kiểm toán số 68 ra tháng 02/2018