Bộ Công Thương triển khai Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản

(BKTO) - Sáng 26/4, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản.

Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển năng lượng bền vững

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho biết, thực hiện quy định tại Luật Quy hoạch và nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch khoáng sản), Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch khoáng sản.

z5385202847614-d9471f3b47f7bdb70d4b92c87388095e20240426122700.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - phát biểu tại Hội nghị.
Ảnh: Bộ Công Thương 

Trên cơ sở tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, các đơn vị liên quan, Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 8387/TTr-BCT ngày 27/11/2023 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét, phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch khoáng sản. Ngày 23/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 333/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch khoáng sản.

Ngoài nhiệm vụ của các bộ, ngành được giao tại Điều 2 của Quyết định số 866/QĐ-TTg, để triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch khoáng sản cũng như phối hợp giải quyết một số vấn đề còn tồn tại, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức thực hiện Kế hoạch hiệu quả tuân thủ theo đúng quy định của Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan, đảm bảo khả thi, có hiệu quả. Cùng đó, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, hiệu đính, cập nhật các nội dung liên quan trong quá trình triển khai Quyết định số 866/QĐ-TTg; đảm bảo không làm thay đổi mục tiêu, định hướng tổng quát của Quy hoạch...

bo-cong-thuong.jpg
Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị. Ảnh: Bộ Công Thương 

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Việt Sơn - Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) - nhấn mạnh: Triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định, cần xác định các danh mục dự án cụ thể, tiến độ thực hiện chương trình, dự án theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030; định hướng cho các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quy hoạch trong từng giai đoạn.

Ông Nguyễn Việt Sơn cũng chỉ ra việc cần tiếp tục thúc đẩy phát triển khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, kết hợp với xuất, nhập khẩu hợp lý. Phát triển năng lượng đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường, sinh thái. Coi phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới là cơ hội để phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng.

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển năng lượng bền vững trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện cơ chế thị trường đối với các loại năng lượng. Đặc biệt là bám sát xu thế phát triển của khoa học - công nghệ trên thế giới, nhất là năng lượng tái tạo, năng lượng mới, sản phẩm phi năng lượng, gắn với chuyển đổi mô hình kinh tế tế đất nước theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp.

nguyen-huu-tu(1).jpg
Ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn hóa chất Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Bộ Công Thương 

Ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - chia sẻ, mỗi năm đơn vị cung cấp 4 triệu tấn làm sản xuất phân bón, phục vụ ngành nông nghiệp. Tập đoàn có nhu cầu sử dụng các quặng bô xít nghèo và kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, đang nghiên cứu các nhà khoa học nhằm sử dụng tốt nhất nguồn tài nguyên. Trong kế hoạch 5 năm của Tập đoàn thì quy hoạch ngành Apatit sẽ đưa vào các Kế hoạch để thực hiện mục tiêu đề ra; triển khai chiến lược về halogen… tham gia chuỗi giá trị của ngành năng lượng.

Ông Tú cũng cho rằng, xu hướng phát triển bền vững là một hướng đi đúng đắn. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng đã và đang kiên định theo đuổi mục tiêu này. 

Quy hoạch ngành đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế

Ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương) cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu ngày càng cao và yêu cầu chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, các Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản được xem là có vai trò quan trọng không chỉ với ngành năng lượng và công nghiệp khai khoáng quốc gia mà còn với toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng phục vụ quản lý nhà nước của ngành; mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng và ngành khai khoáng Việt Nam hiệu quả hơn, bền vững hơn phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của đất nước cũng như xu thế phát triển của quốc tế.

Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp, phương thức, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hiệp hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp để triển khai thực hiện Quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tối ưu, hiệu quả các nguồn lực; đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ, gắn kết với các kế hoạch thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch các ngành, lĩnh vực khác và quy hoạch cấp tỉnh, phù hợp với bối cảnh và nguồn lực quốc gia.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Bộ Công Thương và các bộ, ngành Trung ương sẽ cùng phối hợp nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định, cơ chế chính sách liên quan, bảo đảm đủ mạnh, đồng bộ, khả thi, nhất là chính sách liên quan tới cơ chế tài chính, cơ chế giá điện, giá khí và các cơ chế gắn hoạt động thăm dò, khai thác đồng bộ, liên kết với đầu tư chế biến khoáng sản… Qua đó, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp.

Bộ Công Thương sẽ tập trung xây dựng, triển khai có hiệu quả các Chương trình quốc gia về khoa học - công nghệ và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành năng lượng và khai khoáng, nhất là trong các ngành năng lượng mới, năng lượng tái tạo, dầu khí và nhân lực kỹ thuật tay nghề cao vận hành máy móc, thiết bị khai thác chế biến khoáng sản nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới và nâng cao năng suất, chất lượng khai thác, chế biến các loại khoáng sản./.

Cùng chuyên mục
Bộ Công Thương triển khai Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản