Bỏ độc quyền vàng SJC theo hướng nào?

THÁI PHƯƠNG (thực hiện) | 30/03/2024 17:56

(BKTO) - Bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng để quản lý thị trường tốt hơn nhưng vẫn bảo đảm 3 mục tiêu quan trọng

Tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia (gọi tắt là Hội đồng) do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng, chủ trì vào chiều 28-3, các chuyên gia, thành viên Hội đồng cho rằng đã tới lúc nên bỏ cơ chế nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và cấp phép sản xuất mặt hàng này cho một số doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện.

Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với TS Cấn Văn Lực, một thành viên Hội đồng, xung quanh đề xuất trên và những giải pháp quản lý thị trường vàng thế nào cho hiệu quả hơn.

Phóng viên: Thông tin các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đồng tình với đề xuất bỏ cơ chế nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng thu hút sự quan tâm của thị trường và người dân, ông có thể chia sẻ rõ hơn?

- TS CẤN VĂN LỰC: Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ sau 12 năm đã hoàn thành sứ mệnh và đến lúc cần sửa để quản lý thị trường vàng tốt hơn. Điều này nhằm đạt 3 mục tiêu quan trọng là chống "vàng hóa" trong nền kinh tế; tạo ra sự công bằng và bình đẳng hơn trên thị trường, nhất là giữa các DN kinh doanh vàng; bảo đảm quyền lợi của người dân về nhu cầu tích trữ, trang sức và thừa kế bằng vàng.

luc.jpg
TS.Cấn Văn Lực

Bảo đảm quyền lợi người dân ở đây còn liên quan đến yếu tố văn hóa dân tộc. Cụ thể là người Việt cũng như nhiều nước Á Đông thường có văn hóa từ xa xưa là thừa kế, trao tặng, hồi môn bằng vàng, thậm chí tích cóp vàng. Về phía nhà nước, dự trữ vàng cũng cần thiết trong bất kỳ nền kinh tế tại bất cứ thời điểm nào, nên vấn đề cần thiết phải sửa đổi cơ chế, chính sách phù hợp.

Trong hơn chục năm qua, vai trò quan trọng nhất của Nghị định 24 là giúp chống "vàng hóa" nền kinh tế. Còn nhớ giai đoạn 2010 - 2012 khi có hiện tượng "vàng hóa", giá vàng biến động rất nhanh và lạm phát cao gây xáo trộn thị trường. Nghị định 24 sau đó về cơ bản là thành công, hoàn thành sứ mệnh, ổn định thị trường vàng, giảm "vàng hóa" và bình ổn thị trường ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Vậy đến giờ, nên sửa Nghị định 24 theo hướng nào và bỏ độc quyền vàng miếng ra sao, thưa ông?

- Theo tôi, nên bỏ độc quyền 2 thứ. Thứ nhất, bỏ độc quyền sản xuất và nhập khẩu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho phép một số DN đủ điều kiện có thể nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Thứ hai, bỏ độc quyền thương hiệu vàng SJC, bởi chính vì 2 câu chuyện độc quyền trên đã làm hạn chế nguồn cung thời gian qua, gây mất cân đối cung cầu. Vì độc quyền thương hiệu SJC khiến chênh lệch giữa giá vàng SJC - thương hiệu quốc gia với các thương hiệu khác cách biệt rất lớn, giá vàng SJC cũng cao hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới. Trong khi các thương hiệu khác, cùng là vàng chất lượng 24K chỉ cao hơn thế giới 1 - 2 triệu đồng.

Bên cạnh đó, cần kiên định đối với chính sách của Chính phủ, NHNN từ hơn 10 năm qua là không cho phép vay mượn bằng vàng, mà chỉ cho mua bán vàng. Đây là điều rất quan trọng, góp phần chống "vàng hóa" trong nền kinh tế.

Cuối cùng, phải phân vai trách nhiệm rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành liên quan.

vang.jpg

Nhiều chuyên gia đã đề xuất bỏ cơ chế nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Ảnh: TẤN THẠNH

Cụ thể câu chuyện phân vai này như thế nào, ông có thể giải thích rõ hơn?

- Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quan điểm của tôi, chúng ta chỉ cần quản lý vàng miếng, còn vàng trang sức mỹ nghệ cứ để thị trường điều tiết, coi đó là một hàng hóa thông thường như các loại hàng hóa khác. Khi đó, vàng trang sức mỹ nghệ cũng đáp ứng nhu cầu thực, cần thiết của người dân, hộ gia đình gắn với văn hóa lâu đời.

Riêng với vàng miếng, cần phân vai phù hợp trong quản lý, giám sát. Nếu vàng miếng liên quan đến ngoại tệ, quản lý ngoại hối, bổ sung dự trữ ngoại hối quốc gia thì NHNN sẽ chủ trì. Nếu liên quan xuất nhập khẩu vàng miếng là vai trò của cơ quan hải quan. Còn liên quan đến các tiệm vàng, hoạt động mua bán vàng miếng và vàng trang sức ở thị trường nội địa sẽ thuộc vai trò quản lý của Bộ Công Thương. Về tiêu chuẩn, tiêu chí vàng, định lượng vàng… sẽ theo tiêu chí của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong khi Bộ Công an cần kiểm soát buôn lậu…

Cũng cần lưu ý là với những DN được cấp phép nhập khẩu, sản xuất vàng miếng cần đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí về năng lực tài chính, nhân lực, kỹ thuật, công nghệ, nhất là công nghệ chế tác. Ngoài ra, DN này cũng phải là DN làm ăn có uy tín, có kinh nghiệm về lĩnh vực này trong thời gian qua.

Vậy hoạt động nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ theo nhu cầu nên trả cho thị trường như các loại hàng hóa khác?

- Vàng trang sức mỹ nghệ như tôi đã nói, cho giao dịch mua bán và cả nhập khẩu như các loại hàng hóa khác, vì quy mô không lớn và là nhu cầu thiết thực của người dân. Cần coi vàng trang sức là hàng hóa thông thường, còn vàng miếng mới xem là tài sản tài chính và cần cách thức quản lý khác nhau. Với vàng trang sức mỹ nghệ, nếu làm tốt, khai thác được đội ngũ nhân lực có tay nghề cao, chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu vàng trang sức ra thế giới.

Thực tế giá vàng SJC ngày 29-3, một ngày sau thông tin thống nhất đề xuất bỏ độc quyền, vẫn tăng mạnh thay vì giảm như dự báo và kỳ vọng của thị trường, ông lý giải sao về điều này?

- Chúng ta phải nhìn giá vàng SJC và vàng thương hiệu khác đang biến động tăng là theo giá vàng thế giới. Còn câu chuyện sửa đổi Nghị định 24 và bỏ cơ chế độc quyền vàng, bỏ độc quyền vàng miếng SJC là nhằm để thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng SJC với các vàng miếng thương hiệu khác của Việt Nam, cũng như giữa giá vàng SJC so với giá quốc tế. 

Nên ưu tiên chế tác vàng

Theo GS-TS Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP HCM), trong khi chờ đợi một chiến lược căn cơ dài hạn cho thị trường vàng, trước mắt, chúng ta cần đánh giá chính xác giá trị gia tăng của ngành chế tạo vàng trang sức, ưu tiên nhập vàng nguyên liệu để phục vụ công nghiệp chế tác vàng, như theo nguyên tắc 20-80 (của Ấn Độ).

Theo đó, cứ 100 tấn vàng nhập khẩu thì 20 tấn sẽ sử dụng để chế tạo vàng trang sức xuất khẩu. Nếu giá trị gia tăng của vàng xuất khẩu là 4 lần sẽ bù đắp lượng ngoại tệ nhập 80 tấn cho thị trường nội địa, hay ít ra cũng tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu ngân sách.

Phương án này sẽ giúp giảm bớt phần nào chênh lệch giá vàng nhưng không tác động đáng kể đến tỉ giá và dự trữ ngoại hối quốc gia. Đây mới chính là con đường phát triển bền vững thị trường vàng theo tiêu chí an toàn và lành mạnh mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo khi chỉnh sửa Nghị định 24.

Th.Thơ

Cùng chuyên mục
  • Giá sản xuất hàng hóa, dịch vụ tăng, giảm đan xen
    7 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo Tổng cục Thống kê, giá sản xuất hàng hóa, dịch vụ quý I/2024 tăng, giảm đan xen, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và chỉ số giá dịch vụ tăng so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số giá sản xuất công nghiệp giảm nhẹ và chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa có xu hướng giảm theo thị trường thế giới.
  • Chỉ số giá tiêu dùng quý I tăng 3,77%
    7 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm 0,23% so với tháng trước, so với tháng 12/2023 tăng 1,12% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,97%. Theo quy luật, nhu cầu tiêu dùng thường giảm sau dịp Tết Nguyên đán khiến giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trên thị trường giảm, đặc biệt là lương thực, thực phẩm.
  • Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ vẫn tăng sau dịp Tết Nguyên đán
    7 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Sau dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân quay trở lại trạng thái bình thường, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2024 tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có đóng góp tích cực của ngành du lịch.
  • Gần 59,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại
    7 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Trong quý I/2024, cả nước có gần 59,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023.
  • Sản xuất công nghiệp nối đà khởi sắc
    7 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Sản xuất công nghiệp trong quý I/2024 tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98%.
Bỏ độc quyền vàng SJC theo hướng nào?