Bổ sung 4 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025

(BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thống nhất bổ sung Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Phá sản (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Chương trình) năm 2025.

202412110850002101_dsc_5841.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 40, sáng 11/12, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung một số dự án luật, nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Đề xuất lùi thời gian trình Dự án Luật Luật sư (sửa đổi)

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về đề nghị bổ sung một số dự án luật, dự thảo nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã thảo luận, thông qua đề nghị xây dựng một số dự án luật, dự thảo nghị quyết và đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2025.

Cụ thể là, bổ sung vào Chương trình năm 2025 trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo quy trình một kỳ họp đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Cùng với đó, bổ sung vào Chương trình năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) các dự án: Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Luật sư (sửa đổi).

202412110902365074_dsc_5923.jpg
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: VPQH

Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị bổ sung Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) vào Chương trình năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5/2025, thông qua tại kỳ họp tháng 10/2025.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tán thành với sự cần thiết bổ sung 04 dự án luật và dự thảo nghị quyết vào Chương trình năm 2025 với những lý do được nêu tại các Tờ trình của Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao; tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Luật sư nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chỉ thị số 33-CT/TW và Kết luận số 69-KL/TW của Ban Bí thư, khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nêu rõ, theo chương trình đã được quyết định, tại Kỳ họp thứ 9, khối lượng công tác lập pháp của Quốc hội là rất lớn. Quốc hội sẽ thông qua 10 luật, 01 nghị quyết, cho ý kiến 12 dự án luật, đồng thời, ngoài các dự án luật, nghị quyết đề nghị bổ sung lần này, Chính phủ đang nghiên cứu, dự kiến tiếp tục đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2025 một số dự án luật khác.

Do đó, để vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, vừa phù hợp với quỹ thời gian và cân đối khối lượng công việc Quốc hội tại 01 kỳ họp, bảo đảm chất lượng luật được Quốc hội thông qua, Ủy ban Pháp luật kiến nghị UBTVQH xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025: Dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) và Dự án Luật Phá sản (sửa đổi).

Đối với Dự án Luật Luật sư (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật đề nghị chưa bổ sung vào Chương trình năm 2025 mà sẽ xem xét, đưa dự án Luật vào Chương trình năm 2026.

Đảm bảo kỹ lưỡng, chất lượng ngay từ khâu trình dự án luật, nghị quyết

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với nhiều vấn đề mới phát sinh, công tác xây dựng pháp luật phải kịp thời, khẩn trương, phúc đáp được đòi hỏi của thực tiễn.

202412110902365074_dsc_5975.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Bộ Tư pháp cần tham mưu Chính phủ, quán triệt các Bộ, ngành trong công tác xây dựng pháp luật, đảm bảo kỹ lưỡng, chất lượng ngay từ khâu trình dự án luật, dự thảo nghị quyết. Đồng thời, xây dựng luật theo tư duy đổi mới; tiến hành đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện; phân tích làm rõ các chính sách đề xuất đảm bảo tính khả thi, hiệu quả...

Trên cơ sở Tờ trình và báo cáo thẩm tra và các ý kiến thảo luận luận, UBTVQH đề nghị lùi việc sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư sang năm 2026.

UBTVQH thống nhất bổ sung Dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; trình Quốc hội cho ý kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo chương trình một kỳ họp.
UBTVQH cũng quyết định bổ sung Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Báo chí (sửa đổi) và Luật Phá sản (sửa đổi) vào Chương trình năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, thông qua tại Kỳ họp thứ 10.

UBTVQH nhấn mạnh yêu cầu, khi xây dựng các dự án luật, dự thảo nghị quyết phải hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động, bổ sung, đánh giá sâu hơn, rõ hơn các chính sách để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ; đồng thời, xây dựng Luật theo tư duy đổi mới, không luật hóa văn bản, nghị định…

Tại Phiên họp, với 100% Ủy viên UBTVQH tán thành, UBTVQH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về bổ sung một số dự án luật, nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Cùng chuyên mục
Bổ sung 4 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025