Bổ sung nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai

(BKTO) - Khẳng định nguồn NSNN là nguồn lực quan trọng và chủ động để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai (PCTT), Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật PCTT và Luật Đê điều quy định, NSNN bảo đảm cho hoạt động PCTT bao gồm: ngân sách hằng năm, dự phòng NSNN, Quỹ Dự trữ tài chính. Quy định này được nhiều đại biểu Quốc hội tán thành.




NSNN là nguồn lực quan trọng và chủ động để thực hiện nhiệm vụ PCTT. Ảnh: TTXVN

Đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng, chống thiên tai

Dự thảo Luật quy định, việc lập dự toán, phân bổ, quản lý và sử dụng NSNN cho hoạt động PCTT được thực hiện theo quy định của pháp luật về NSNN. Trường hợp dự phòng ngân sách địa phương đã sử dụng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ. Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT tổng hợp tình hình thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ của địa phương và đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Quỹ Dự trữ tài chính được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai với mức độ nghiêm trọng, phát sinh ngoài dự toán mà sau khi sắp xếp lại ngân sách, sử dụng hết dự phòng ngân sách mà vẫn chưa đủ nguồn theo quy định của pháp luật về NSNN.

Theo đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau), việc bổ sung quy định trên nhằm bổ sung nguồn ngân sách để thực hiện các hoạt động PCTT ngoài các nguồn hiện có theo Luật hiện hành. Tuy nhiên, việc quy định trường hợp dự phòng ngân sách địa phương đã sử dụng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ thì chưa phù hợp với Luật NSNN. Do đó, cần quy định là sau khi đã sử dụng hết dự phòng ngân sách, Quỹ Dự trữ tài chính được phân bổ cho công tác PCTT nhưng không đáp ứng được nhu cầu thì Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT sẽ tổng hợp tình hình thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ của địa phương và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (TP. Hải Phòng) cho rằng, nguồn tài chính cho PCTT được bổ sung như Dự thảo Luật sẽ khắc phục được một số bất cập trong Luật hiện hành về mức độ đáp ứng, tính kịp thời của việc sử dụng ngân sách hỗ trợ cho các khâu từ phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét sửa quy định trong Luật NSNN hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến với Chính phủ để rà soát, chỉ đạo các ngành liên quan quan tâm hơn trong công tác tham mưu về quy định bổ sung một số hạng mục chi đặc thù trong mục lục ngân sách chi của các địa phương, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn.

Cũng đồng tình bổ sung quy định trên song đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị, Dự thảo Luật cần bổ sung quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định chi tiết về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai. Bởi thực tế thời gian qua, việc hỗ trợ kinh phí cho các địa phương có trường hợp còn chậm, chưa sát với thực tế, có địa phương thiệt hại ít nhưng báo cáo nhiều hoặc có địa phương thiệt hại nhiều nhưng Chính phủ hỗ trợ còn ít.

Bảo đảm cơ chế của Quỹ Phòng, chống thiên tai minh bạch, hiệu quả

Cũng liên quan đến nguồn lực tài chính cho công tác PCTT, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành việc cần thiết thành lập Quỹ PCTT T.Ư và ở cấp tỉnh.

Theo đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định), việc thành lập Quỹ PCTT ở cấp T.Ư và cấp tỉnh nhằm huy động nguồn lực xã hội và thuận lợi trong tiếp nhận tài chính quốc tế, ủng hộ cho công tác PCTT. Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra thực tế là hiện nay, việc sử dụng nguồn lực của Quỹ còn bất cập, tồn dư Quỹ nhiều. “Quỹ thu được nhưng nhiều nơi không chi, có nơi chi rất ít hoặc do mức chi giới hạn nên chỉ chi được một phần nhỏ, trong khi NSNN bố trí cho công tác PCTT tương đối thấp so với yêu cầu. Việc tổ chức thu Quỹ cũng như điều tiết Quỹ chưa đảm bảo, nên so với chức năng của Quỹ là chưa hiệu quả, tác dụng của Quỹ không đạt kỳ vọng” - đại biểu Nhất cho biết.

Từ thực tế trên, đại biểu kiến nghị, Chính phủ cần có quy chế thu, chi cho phù hợp, khắc phục những bất cập hiện tại, đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời và hiệu quả. Trong đó, cần hết sức lưu ý điều chỉnh cơ chế thu, chi để đảm bảo phù hợp thực tiễn, tránh chồng chéo; cơ chế thu phải tính đến các địa phương nghèo, số thu ít. Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế điều tiết Quỹ giữa các địa phương đảm bảo tính khả thi.
Đại biểu Trần Văn Huynh (Kiên Giang) đề nghị, cần làm rõ nguồn thu và cơ chế sử dụng Quỹ PCTT ở T.Ư để tránh trùng lặp với các nguồn tài trợ, hỗ trợ của quốc tế quy định trong Luật NSNN. Bên cạnh đó, vấn đề điều chuyển giữa Quỹ PCTT T.Ư và địa phương cũng cần phải được minh bạch bằng việc bổ sung 2 cơ chế điều chuyển là định kỳ và đột xuất để đảm bảo phù hợp, tránh cảm tính.

Đ.KHOA
Cùng chuyên mục
  • Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm y tế
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đoàn công tác của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa có buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam. Tại buổi làm việc, hai cơ quan đã nhất trí đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT), đặc biệt, hai bên đã khởi động hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực dược.
  • Nhiều đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Cùng với những nỗ lực trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ngành BHXH đã có nhiều đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), giúp kịp thời tháo gỡ các rào cản trong giải quyết TTHC, tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí, thời gian giao dịch cho người dân, DN.
  • Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10: Giảm áp lực nhưng không giảm chất lượng
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chỉ còn thời gian ngắn nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của các địa phương sẽ diễn ra. Đây cũng là giai đoạn ôn thi căng thẳng nhất đối với các em học sinh lớp 9, nhất là học sinh ở các thành phố như: Hà Nội, TP. HCM.
  • Hà Nội từng bước triển khai xây dựng thành phố thông minh
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cùng với quá trình đô thị hóa nhanh, số lượng người dân tập trung sinh sống và làm việc tại Hà Nội ngày càng tăng. Đi cùng với đó là những vấn đề ô nhiễm môi trường, quá tải về hạ tầng giao thông… Để giải quyết các tồn tại này, Hà Nội đang từng bước xây dựng những cấu thành cần thiết để phát triển đô thị thông minh (ĐTTM), góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
  • Các địa phương hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2020
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Các địa phương đang tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường” và Ngày Môi trường thế giới năm 2020.
Bổ sung nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai