Giảm số cuộc kiểm toán, ưu tiên các nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, Khoản 6 Điều 10 Luật KTNN 2015, đã quy định rõ, KTNN tham gia với các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH về các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực tài chính – ngân sách. Trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 cũng nêu rõ vai trò, trách nhiệm của KTNN.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hồ Long |
Với 4 đoàn giám sát chuyên đề năm 2022, ngay từ khi có chương trình làm việc của các đoàn giám sát, KTNN đã được UBTVQH giao nhiệm vụ phối hợp và tham gia các đoàn giám sát của Quốc hội. Theo đó, KTNN đã cử các đồng chí lãnh đạo KTNN tham gia vào các đoàn giám sát đồng thời, KTNN đã chỉ đạo bổ sung các nhiệm vụ KTNN theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội vào chương trình công tác. Mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19, phải cắt giảm số cuộc kiểm toán song về các nội dung liên quan đến hoạt động giám sát, lãnh đạo KTNN đã chỉ đạo bổ sung ngay vào kế hoạch kiểm toán của các đoàn kiểm toán trong năm 2021 cũng như năm 2022.
KTNN cũng đã tham gia, góp ý ngay từ đầu vào các đề cương giám sát, trong đó, KTNN đã góp ý về những nội dung cần tập trung của 4 chuyên đề giám sát. Đặc biệt với 2 chuyên đề giám sát tối cao, KTNN đã tham gia sâu về các nội dung trọng tâm trong giám sát vấn đề quy hoạch và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đến nay, Ban soạn thảo đã tiếp thu rất nhiều các ý kiến góp ý của KTNN.
Đối với 2 Đoàn giám sát tối cao, KTNN đã phân công các đơn vị trong ngành, các vụ tham mưu để cùng với KTNN khu vực và chuyên ngành có liên quan triển khai. “Dù phải rút bớt số lượng các cuộc kiểm toán nhưng KTNN đã tăng dung lượng, nội dung của kế hoạch kiểm toán đã được phê duyệt trong năm 2021, trong đó KTNN đã đưa vào các nội dung sát với 2 chuyên đề giám sát tối cao” - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, KTNN đã kiểm toán xong chuyên đề về công tác quy hoạch đô thị của một số địa phương, trong đó có Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, trong quá trình tổng hợp ý kiến kết luận, báo cáo, KTNN sẽ tập trung tổng hợp ngay nội dung này trong tháng 11, tháng 12 gửi Đoàn giám sát.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: quochoi.vn |
Về các nội dung bổ sung, KTNN đã xây dựng một số nội dung tập trung vào một số Bộ, ngành mà KTNN đang triển khai kiểm toán trong tháng 11 và sẽ kết thúc vào 30/11/2021 để tập trung tổng hợp, đánh giá.
Đảm bảo cung cấp thông tin, số liệu thống nhất, kịp thời cho đoàn kiểm toán
Đối với Đoàn giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, KTNN đã có kết luận và số liệu từ năm 2016-2020. KTNN sẽ cung cấp và phối hợp, tham gia cùng Đoàn giám sát tổng hợp lại toàn bộ các kiến nghị, đánh giá và phân tích theo 4 nội dung của Chuyên đề, đó là: Sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các Bộ, ngành, địa phương; trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; tình hình và kết quả kiểm toán, việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tại Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đề xuất, trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội và các đoàn giám sát chỉ đạo các địa phương, Bộ, ngành tăng cường phối hợp với KTNN. Trong quá trình phối hợp, đề nghị các Bộ, ngành địa phương cung cấp số liệu tài liệu cho các đoàn giám sát và cho KTNN bảo đảm về mốc thời gian, về số liệu và các báo cáo để KTNN đưa ra các đề xuất, đánh giá đồng nhất cho đoàn giám sát. Đồng thời tiếp tục phối hợp, cung cấp cho KTNN các báo cáo theo yêu cầu của các đoàn kiểm toán tại các địa phương, khu vực, chuyên ngành theo đúng kế hoạch KTNN đã bổ sung.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, trong kế hoạch công tác năm 2022 và các năm tiếp theo, KTNN sẽ đưa vấn đề hậu giám sát vào kế hoạch, nội dung kiểm toán của các đoàn kiểm toán nhằm đánh giá việc chấp hành của các Bộ, ngành, địa phương, các đối tượng được giám sát đối với kết luận giám sát.