Triển khai kết luận của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

(BKTO) - Sáng 03/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình Xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Đại diện KTNN, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh tham dự Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội.



Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đồng chủ trì Hội nghị.                
   

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: quochoi.vn

   

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước với sự tham dự của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy, các đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các Sở, ban, ngành…

Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư phát biểu quán triệt, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ, ngày 14/10/2021 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV - một chủ trương quan trọng, là cơ sở để Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp trong nhiệm kỳ này. Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao, Đảng đoàn Quốc hội đã nhanh chóng hoàn thiện Đề án để triển khai thực hiện.

Nhấn mạnh một số vấn đề trong triển khai xây dựng pháp luật, theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, trong quá trình xây dựng pháp luật cần nhận thức, quán triệt sâu sắc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - một nhà nước thực sự kiến tạo khung khổ thể chế, pháp luật cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Do đó, hệ thống pháp luật phải đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, bảo đảm cho bộ máy nhà nước vận hành trôi chảy, vừa tiếp nhận, phát triển những giá trị đã được khẳng định của văn minh nhân loại, vừa phù hợp với những giá trị tốt đẹp của văn hoá Việt Nam, phù hợp với yêu cầu của chế độ ta, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, rất hệ trọng, một trong những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.                
   

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu quán triệt, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

   

Thường trực Ban Bí thư cũng nhấn mạnh, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV, đồng chí Tổng Bí thư cũng đã nhấn mạnh: “Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội”.

Vấn đề thứ hai được Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đặt ra là, quá trình xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, chuẩn bị sớm, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, DN và lợi ích quốc gia - dân tộc làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào.

“Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”; không được lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, mà thiếu đồng hành với người dân, doanh nghiệp” - Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tập trung xử lý, khắc phục ngay tình trạng văn bản luật có tính dự báo yếu, thiếu ổn định, "luật khung, luật ống", chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Không được để xảy ra tình trạng luật mới được ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung, xa rời thực tiễn, luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư...., gây nên sự thiếu niềm tin của nhân dân vào luật pháp, lo ngại của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài về tính ổn định, minh bạch trong các quy định của pháp luật Việt Nam, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh.

Theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, thực tiễn luôn phong phú, sinh động. Trong quá trình vận hành của xã hội cho thấy, nhiều vấn đề luật pháp chưa thể theo kịp thực tiễn, quy định pháp luật xa rời cuộc sống, chưa đủ chế tài để xử lý hoặc xử lý không triệt để những vấn đề mới nảy sinh, nhất là trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ (vấn đề lợi dụng mạng xã hội để xúc phạm người khác; tội phạm trên không gian mạng...), tác động tiêu cực của đại dịch covid-19 đến mọi mặt đời sống xã hội...

Bởi vậy, trong quá trình xây dựng pháp luật phải bám sát và đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh; tuy nhiên, phải bình tĩnh, nghiên cứu, dự báo thấu đáo, khoa học những vấn đề của thực tiễn đặt ra, không nóng vội, chủ quan, chạy theo dư luận xã hội. Chỉ “những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể quy định thực hiện thí điểm. Trước mắt, chưa triển khai xây dựng những dự án luật có nội dung phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, cần có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng”.

Phối hợp chặt chẽ, thực chất trong quá trình xây dựng pháp luật

Đề cập đến trách nhiệm của hệ thống chính trị trong công tác xây dựng pháp luật, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị phải nhận thức đầy đủ, xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế. Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tăng tính chủ động của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát việc thi hành pháp luật. Phát huy tính năng động, tích cực, vai trò, ý thức trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ trong quy trình lập pháp. Nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật.                
   

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

   

Các cơ quan hữu quan phải phối hợp chặt chẽ, thực chất trong quá trình xây dựng pháp luật; thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là dự báo, đánh giá tác động của chính sách, việc lấy ý kiến, tiếp thu và giải trình ý kiến người dân, doanh nghiệp - đối tượng chịu sự tác động của luật. Bảo đảm nghiêm túc, thực chất việc tổng kết thi hành pháp luật để có đủ cơ sở khoa học cho việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật; đề cao tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, bản lĩnh của các đại biểu Quốc hội; tăng cường thu hút chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu, công tâm, khách quan, vì lợi ích quốc gia, dân tộc tham gia xây dựng pháp luật.

Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng lưu ý, khối lượng công việc, nhiệm vụ lập pháp cần nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi, ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết trong nhiệm kỳ XV của Quốc hội là rất lớn; trước mắt là tập trung thực hiện tốt công tác thể chế hóa, cụ thể hóa các quyết sách quan trọng được Đại hội XIII của Đảng chỉ ra, trong khi thời gian không nhiều, tập trung chủ yếu vào các năm giữa nhiệm kỳ và nhiều nhất là trong năm 2022 và 2023. Do đó, các cơ quan, tổ chức, nhất là Chính phủ và các Bộ, ngành, với vai trò, trách nhiệm là cơ quan chủ yếu đề xuất các chính sách, dự án luật, phải khẩn trương tổ chức nghiên cứu, chuẩn bị; các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường theo dõi, đôn đốc, giám sát và phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội.

Thường trực Ban Bí thư đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, nhất là các cơ quan Trung ương cần tập trung, sớm triển khai Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong công tác xây dựng pháp luật.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo tổng quan về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và dự kiến Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị.

Đồng thời, đại diện Chính phủ, đại diện các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành và các địa phương cũng có báo cáo, tham luận trình bày, thảo luận tại Hội nghị./.
Đ. KHOA

Cùng chuyên mục
Triển khai kết luận của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV