Bộ Tài chính đề xuất 4 chính sách liên quan đến thuế giá trị gia tăng

(BKTO) - Việc xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi nhằm mục tiêu mở rộng cơ sở thu thuế; nghiên cứu, sửa đổi một số quy định để chống gian lận và chống thất thu thuế GTGT, đảm bảo thu đúng, thu đủ; sửa đổi bất cập trong quy định hiện hành để bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật.

gtgt.jpg
Bộ Tài chính cho rằng, cần rà soát để thu hẹp đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%. Ảnh minh họa

Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế GTGT hiện hành đã góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; khuyến khích doanh nghiệp tăng cường quản trị kinh doanh, phòng ngừa các hành vi lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT; tháo gỡ khó khăn, khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức khác đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững; đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế, ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và xu hướng phát triển thời gian tới, chính sách thuế GTGT hiện hành đã phát sinh một số hạn chế nhất định cần tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của thuế GTGT.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất 4 chính sách trong Dự án xây dựng Luật:

Chính sách 1: Mở rộng cơ sở thuế (thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, đối tượng chịu thuế GTGT 5%).

Giải pháp thực hiện là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 5 Luật Thuế GTGT để thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT (chuyển một số hàng hóa, dịch vụ sang đối tượng chịu thuế 5% hoặc 10%); nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều 8 Luật Thuế GTGT để thu hẹp đối tượng chịu thuế 5% (chuyển một số dịch vụ sang đối tượng chịu thuế 10%).

Chính sách 2: Sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.

Mục tiêu của chính sách này nhằm thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt và ngăn chặn gian lận trong việc khấu trừ, hoàn thuế GTGT, phòng chống rửa tiền, hạn chế gian lận để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.

Chính sách 3: Sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 5 và Điều 7 Luật Thuế GTGT để sửa đổi, bổ sung một số quy định về đối tượng không chịu thuế và giá tính thuế để đồng bộ với quy định của các luật khác có liên quan (Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Trồng trọt; Luật Chứng khoán).

Chính sách 4: Sửa đổi để đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 8 Luật Thuế GTGT để sửa đổi, bổ sung quy định về thuế suất đối với dịch vụ xuất khẩu,  tránh vướng mắc trong thực hiện; nghiên cứu áp dụng mức thuế suất phổ thông phù hợp./.

Cùng chuyên mục
Bộ Tài chính đề xuất 4 chính sách liên quan đến thuế giá trị gia tăng