Kỳ vọng đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh

(BKTO) - Năm 2023, dự báo cộng đồng doanh nghiệp (DN) tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Do đó, việc đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được đánh giá là “trợ lực” hữu hiệu, cần thiết nhằm tiếp sức cho DN “vượt sóng lớn”, tiếp tục duy trì sự phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

15.jpg
Vẫn còn nhiều rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh. Ảnh sưu tầm

Môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều rào cản

Nhìn lại hoạt động cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh trong năm 2022, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho biết, trên một số bảng xếp hạng toàn cầu, năm 2022, thứ hạng của Việt Nam được cải thiện so với năm 2021. Cụ thể, về trình độ phát triển thị trường (thể hiện qua chỉ số Tự do kinh tế) tăng 6 bậc, từ vị trí 90 lên vị trí 84; chỉ số Phát triển du lịch và lữ hành (theo công bố của Diễn đàn Kinh tế thế giới) cải thiện 8 bậc so với năm 2019 (từ vị trí 60 lên vị trí 52)... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững hoặc không được cải thiện, thậm chí suy giảm. Chẳng hạn, chỉ số Đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc (từ thứ 44 xuống 48); chỉ số Phát triển bền vững duy trì điểm số nhưng giảm 4 bậc (từ thứ 51 xuống 55); chỉ số Mức độ tham gia Chính phủ điện tử giảm điểm và giảm 2 bậc (từ thứ 70 xuống 72)…

Ở trong nước, theo bà Thảo, hoạt động cải cách đang có xu hướng chậm lại, môi trường kinh doanh vẫn còn tồn tại nhiều rào cản. Cụ thể, việc thực hiện nhiệm vụ cắt giảm danh mục, ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo yêu cầu tại Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022 chưa có nhiều chuyển biến. Biểu hiện là, nhìn về mặt cơ học, số lượng ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện tuy có giảm, nhưng việc cắt giảm danh mục chủ yếu dưới hình thức gộp tên ngành nghề hoặc sử dụng tên ngành nghề có phạm vi điều chỉnh rộng hơn để rút gọn về số lượng.

Do đó, thực tế số lượng ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện vẫn lớn hơn rất nhiều so với danh mục hiện hành trong Luật Đầu tư năm 2020. Đơn cử, trong lĩnh vực nông nghiệp có quy định về “Kinh doanh thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi”, đây vốn là 2 lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau, gồm: “Thức ăn thủy sản” và “thức ăn chăn nuôi”, nhưng đã được lắp ghép cơ học với nhau thành một để giảm số lượng… “Chỉ tính riêng 2 lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng, trên thực tế số lượng ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện nhiều gấp 3 lần so với danh mục nêu ra tại Luật Đầu tư năm 2020. Điều này cho thấy cải cách về môi trường kinh doanh vẫn mang nặng tính hình thức hơn là thực chất” - bà Thảo nhấn mạnh.

Tồn tại nữa của môi trường kinh doanh được PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - chỉ ra đó là rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do sự chồng chéo, mâu thuẫn của các quy định pháp luật chưa được tháo gỡ; hay vẫn còn phổ biến tình trạng thanh tra, kiểm tra với tần suất khá thường xuyên, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Ngoài ra, đối với việc thực hiện các thủ tục hành chính qua môi trường trực tuyến, dù tỷ lệ thủ tục kết nối qua môi trường trực tuyến là khá cao, song nhiều thủ tục vẫn chỉ là hình thức, bởi trên thực tế, DN rất khó để thực hiện thủ tục trên nền tảng trực tuyến…

Cần tạo “trợ lực” cho doanh nghiệp phát triển

Theo các chuyên gia, năm 2023, dự báo cộng đồng DN tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong bối cảnh rủi ro và bất ổn vĩ mô toàn cầu tăng cao. Hơn nữa, tiềm lực và “sức khỏe” của hầu hết các DN đều chưa hoàn toàn phục hồi sau biến cố của đại dịch Covid-19. Do đó, đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được coi là “gói hỗ trợ” phi tài chính hiệu quả, cần thiết hỗ trợ DN tiếp tục phục hồi và phát triển.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, trong năm 2022, khi DN rất cần những trợ lực từ những gói cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh thì mức độ quan tâm của các Bộ, ngành, địa phương dường như chùng xuống. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng DN kỳ vọng.

Chính vì vậy, trong năm 2023, để cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh thì rất cần sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương. “Nếu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp cải cách một cách thực chất, mang lại môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn cho DN thì trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, DN Việt cũng có thể sáng tạo, tìm ra nhiều cách làm mới, từ đó trụ vững qua giai đoạn khó khăn, đồng thời có định hướng phát triển trong tương lai…” - Chủ tịch VCCI bày tỏ tin tưởng.

Không chỉ các DN Việt Nam kỳ vọng vào sự cải thiện đột phá về môi trường kinh doanh, mà các DN nước ngoài cũng đánh giá môi trường kinh doanh thuận lợi là “điểm cộng” lớn nhất thu hút và giữ chân các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam. Đối với các DN Nhật Bản, ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội - chia sẻ, các DN Nhật Bản cho biết vẫn còn gặp những rủi ro trong việc thực hiện một số thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực xây dựng, thuế…; hay vẫn còn tình trạng DN phải chi trả chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các DN Nhật Bản có thể lựa chọn từ bỏ cơ hội đầu tư mới hoặc tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, do đó các DN kỳ vọng môi trường kinh doanh được cải thiện hơn, để DN tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư.

Tương tự, đối với các DN châu Âu, ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - chia sẻ, các DN cho biết 2 rào cản lớn nhất đối với các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đó là sự thiếu rõ ràng trong nhiều quy định pháp luật và khó khăn về thủ tục hành chính. Do đó, để cải thiện năng lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới, các DN châu Âu đề xuất Việt Nam cần tiếp tục giảm bớt khó khăn về thủ tục hành chính, cải cách thể chế thông qua việc nâng cao tính minh bạch của hệ thống quy định pháp luật./.

Ngày 06/01/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Tại Nghị quyết, Chính phủ đề ra mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2023 gồm: Chỉ số Quyền tài sản của Liên minh quyền tài sản tăng 2 bậc; chỉ số Quyền sở hữu trí tuệ tăng 2-3 bậc; chỉ số Quyền tài sản vật chất phấn đấu cải thiện điểm số…

Cùng chuyên mục
Kỳ vọng đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh