Cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian hơn nữa đối với công tác thẩm định, cấp phép và tăng cường phân cấp cho địa phương trong việc thẩm định dự án đầu tư xây dựng là một trong những vấn đề được nhiều địa biểu Quốc hội đề cập.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP. HCM) đề xuất: Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét quy định cấp giấy phép xây dựng theo hướng phải đơn giản hơn để thuận lợi cho người dân và DN.
Theo pháp luật xây dựng hiện nay, việc này đang tách thành 3 quy trình: thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp giấy phép xây dựng là chưa phù hợp.
Đại biểu đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng tích hợp quy trình cấp giấy phép xây dựng. Theo đó, quy trình cấp giấy phép xây dựng phải bao gồm cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị giao Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở và cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng trên địa bàn, trừ công trình cấp đặc biệt, công trình theo tuyến hoặc có liên quan đến 2 tỉnh, có ảnh hưởng đến an toàn, lợi ích cộng đồng. Trong trường hợp sở xây dựng đề nghị thì Bộ Xây dựng thực hiện thẩm định thiết kế cơ sở công trình xây dựng nhằm hỗ trợ một số sở xây dựng chưa đảm bảo năng lực thẩm định thiết kế xây dựng công trình cấp 1 hoặc công trình có kỹ thuật phức tạp.
Về lâu dài, đề nghị xã hội hóa công tác thẩm định thiết kế cơ sở, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm ban hành quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế và thực hiện công tác hậu kiểm để nâng cao vai trò và hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng. Bộ Xây dựng chỉ thẩm định thiết kế cơ sở đối với công trình đặc biệt hoặc có ảnh hưởng đến an toàn, lợi ích cộng đồng.
Liên quan đến thẩm quyền thẩm định dự án xây dựng, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng: Dự thảo luật bổ sung quy định “đối với dự án đầu tư xây dựng, sử dụng vốn khác, cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý sử dụng chuyên ngành thẩm định dự án đối với dự án đầu tư xây dựng có công trình cấp 1 trở lên”. Theo tiêu chí phân cấp công trình, có thể thấy số lượng công trình cấp 1 không ít. Bên cạnh đó, Cục còn thực hiện cả nhiệm vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng; cấp giấy phép, khảo sát thiết kế, thi công, quản lý năng lực hoạt động xây dựng. Vậy, nguồn lực ở Cục có đảm bảo thẩm định dự án đầu tư xây dựng cấp 1 hay không? Vì sao không phân cấp, phân quyền thẩm định cho địa phương - đại biểu nêu vấn đề.
Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: Vấn đề thực hiện đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính đã được thể hiện thông qua việc tích hợp một số nội dung của thẩm định thiết kế, triển khai sau thiết kế cơ sở với việc cấp phép xây dựng. Nhờ đó, thời gian thẩm định, cấp phép xây dựng công trình đã giảm từ 70 ngày xuống còn 20 ngày đối với công trình cấp 1 và từ 60 ngày xuống còn 20 ngày đối với công trình cấp 2, cấp 3. Việc cấp phép tất cả các công trình xây dựng đều đã được phân cấp cho địa phương.
Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Bộ trưởng cho biết thêm: Hiện nay, hồ sơ chuyển về Cục Quản lý hoạt động xây dựng của Bộ Xây dựng để thẩm định đã giảm khoảng 30 tới 40% so với trước đây. Tháng 12 sắp tới, Bộ sẽ ban hành thông tư về phân cấp công trình xây dựng. Theo đó, sẽ tăng cường phân cấp cho địa phương. Nếu theo tinh thần này thì số lượng hồ sơ mang về Cục Quản lý hoạt động xây dựng của Bộ Xây dựng sẽ giảm 70% so với trước đây.
Tuy nhiên, để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian hơn trong công tác thẩm định, cấp phép, Ban soạn thảo đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định về việc sửa đổi thời gian, quy trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và thẩm duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy trong Luật Bảo vệ môi trường và Luật Phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo đồng bộ, liên thông giữa các thủ tục trong công tác thẩm định, cấp phép xây dựng. Nếu làm như vậy, việc cấp phép và thiết kế sẽ có đầy đủ cả 3 yếu tố này, giúp giảm được thời gian cấp phép thẩm định – Bộ trưởng cho biết.
MINH ANH