Bộ Tư pháp cần “bứt phá”, phát huy vai trò “người gác gôn” về pháp luật

(BKTO) - Ghi nhận những nỗ lực và kết quả trong thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2018 của ngành tư pháp, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh Bộ Tư pháp cần phát huy hiệu quả công tác và khẳng định mạnh mẽ hơn nữa vai trò "người gác gôn” về pháp luật.



Công tác tư pháp có nhiều điểm sáng

Ngày 08/01, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019. Theo báo cáo tổng kết, trong năm qua, ngành Tư pháp đã chủ động, khẩn trương triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Công tác chỉ đạo điều hành tiếp tục được thực hiện quyết liệt, ngày càng đi vào chiều sâu, phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để triển khai công việc.
                
   

Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: VGP

   
Toàn Ngành thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và hoàn thành bảo đảm chất lượng, tiến độ nhiều nhiệm vụ phát sinh thêm, nhất là các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; phản ứng kịp thời, hiệu quả đối với những vấn đề “nóng”, ngày càng tham gia sâu vào các vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Bộ, ngành Tư pháp đã triển khai công tác một cách toàn diện, kết quả vượt mức chỉ tiêu của Đảng, Quốc hội giao cả số lượng và chất lượng, thành công chung của đất nước có sự đóng góp trực tiếp của Bộ, ngành Tư pháp.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận những kết quả toàn ngành Tư pháp đạt được thời gian qua cũng như sự sôi nổi, trách nhiệm, toàn diện của Bộ trưởng Lê Thành Long trong tổ chức hoạt động Bộ Tư pháp.

Chia sẻ với những khó khăn, vất vả trong công việc của cán bộ tư pháp, pháp chế, Thủ tướng cho biết, trong hầu hết cuộc họp, buổi làm việc của lãnh đạo Chính phủ đều có sự tham gia, đóng góp ý kiến rất trách nhiệm của Bộ Tư pháp, đặc biệt là khía cạnh pháp lý, thực thi pháp luật.

Theo Thủ tướng, chất lượng công tác xây dựng, thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được nâng lên rõ rệt. Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền gần 6.000 văn bản, đã phát hiện, kiến nghị xử lý đối với 84 văn bản trái pháp luật về nội dung thẩm quyền.

Công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Bộ Tư pháp, một số Sở Tư pháp đã và đang tham mưu cho Thủ tướng, UBND các tỉnh, thành phố xử lý được một số vụ việc tranh chấp đầu tư, thương mại có yếu tố nước ngoài. "Gần đây, với nỗ lực của Bộ Tư pháp và hệ thống cán bộ tư vấn pháp lý, chúng ta đã thắng kiện một số vụ việc, chứng tỏ kinh nghiệm và trình độ tham gia giải quyết tranh chấp quốc tế của chúng ta được nâng lên” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Cần “bứt phá” trong thực hiện nhiệm vụ

Ghi nhận những kết quả mà ngành Tư pháp nói chung, Bộ Tư pháp nói riêng đạt được trong năm qua, tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ trăn trở khi kết quả thực hiện công tác chưa mang lại hiệu quả rõ rệt, công tác xây dựng thể chế, pháp luật vẫn còn bất cập, nhất là một số văn bản chưa theo kịp thực tiễn, thiếu khả thi. Có văn bản mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung.
                
   

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: VGP

   
Theo Thủ tướng, nhiều vụ việc thanh tra, điều tra vừa qua ở nhiều Bộ, ngành, địa phương cho thấy có nhiều vi phạm trong quản lý nhà nước như đất đai, tài sản công, cổ phần hóa, vụ việc AVG, Thủ Thiêm, nhất là trên địa bàn Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. HCM, Hà Nội và nhiều địa phương khác.

“Điều này nói lên cái gì? Cán bộ pháp chế, tư pháp suy nghĩ gì” - Thủ tướng nhấn mạnh và đặt vấn đề, với vai trò là “người gác gôn” về pháp luật thì “các đồng chí đã làm hết trách nhiệm trong tham mưu cho lãnh đạo chưa, hay góp ý rồi mà lãnh đạo không nghe”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ ra, hiện tượng nhờn luật khá phổ biến ở một số lĩnh vực, nhất là Luật Giao thông đường bộ. Đây là vấn đề gây bức xúc xã hội, ngành tư pháp có giải pháp đột phá nào để xử lý?

Cùng với đó, việc tham gia tranh tụng quốc tế tuy có cố gắng nhưng hầu như các địa phương còn bị động. Lượng án dân sự chưa có điều kiện thi hành qua các năm có xu hướng ngày càng tăng. Kết quả nhiều nhưng thu hồi về tiền, tài sản còn thấp, đây là điều cần rút kinh nghiệm.

Nhấn mạnh chương trình hành động của Chính phủ với phương châm “12 chữ” trong đó có chữ “bứt phá”, Thủ tướng đặt vấn đề nội dung “bứt phá” của Bộ Tư pháp là gì, năm 2019 sẽ hơn năm 2018 như thế nào?

Thủ tướng lưu ý, với chức năng vai trò được giao, Bộ Tư pháp cần xác định tập trung thực hiện tốt nhất nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế. “Các đồng chí là nhạc trưởng, là cơ quan gác cửa trong việc bảo đảm tính thống nhất, tính hợp pháp, tính hợp lý và khả thi của hệ thống pháp luật và là "người gác gôn" của Chính phủ trước các vấn đề pháp lý quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, dân tộc” - Thủ tướng nói. Trong đó, cần nâng cao chất lượng xây dựng cơ chế, chính sách để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho khởi nghiệp…

Với vai trò gác cửa về tính hợp pháp, theo Thủ tướng, Bộ Tư pháp cần kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng xem xét xử lý việc ban hành văn bản trái luật; làm tốt hơn vai trò trước các vấn đề pháp lý quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, dân tộc; chú trọng đào tạo cán bộ pháp luật có đủ trình độ tham gia các vụ tranh chấp quốc tế. “Phương châm tư pháp hướng về cơ sở, tư pháp vì dân, gần dân cần đặt ra rõ nét hơn” – Thủ tướng lưu ý.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
  • Xây dựng luật về PPP đáp ứng  yêu cầu thực tiễn
    5 năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã nghiên cứu và hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Thực tiễn cho thấy, “việc nâng cấp các quy định về PPP từ cấp Nghị định lên cấp Luật trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết” - Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện quy định pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP của Bộ KH&ĐT nêu rõ.
  • Chính phủ ban hành Nghị quyết về BOT giao thông
    5 năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 83/NQ-CP triển khai thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
  • Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi): Nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ
    5 năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Ngày 13/6, Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, các quy định liên quan đến việc mở rộng phạm vi kê khai tài sản, thu nhập; xử lý tài sản kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc hợp lý… là những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, làm rõ để đảm bảo tính khả thi của Luật.
  • Quốc hội thông qua Luật Thể dục, thể thao, Luật Đo đạc và bản đồ
    5 năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, hôm nay (14/6), Quốc hội đã biểu quyết thông qua 2 dự án luật, đồng thời thảo luận, góp ý vào 2 dự thảo luật.
  • Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải bồi thường nếu gây thiệt hại cho doanh nghiệp
    5 năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Đây là một trong những điểm đáng chú ý trong Luật Cạnh tranh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sáng 12/6, với 95,28% đại biểu Quốc hội tán thành.
Bộ Tư pháp cần “bứt phá”, phát huy vai trò “người gác gôn” về pháp luật