Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải bồi thường nếu gây thiệt hại cho doanh nghiệp

(BKTO) - Đây là một trong những điểm đáng chú ý trong Luật Cạnh tranh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sáng 12/6, với 95,28% đại biểu Quốc hội tán thành.



Luật Cạnh tranh (sửa đổi) gồm 10 chương, 118 điều, quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh….


Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi) sáng 12/6 - Ảnh: quochoi.vn

Trình bày Báo cáo giải trình, chỉnh lý, tiếp thu Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, liên quan đến quy định về tập trung kinh tế (tại Chương V của Dự thảo Luật), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định tại Điều 42 Dự thảo Luật, trường hợp hết thời hạn thẩm tra chính thức mà Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia không ban hành hoặc không gửi đến DN tham gia tập trung kinh tế quyết định về việc tập trung kinh tế thì việc tập trung kinh tế được thực hiện để tránh chậm trễ, gây ảnh hưởng, thiệt hại cho DN.

Giải trình vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc tập trung kinh tế phải chuyển từ thẩm định sơ bộ sang thẩm định chính thức là những trường hợp tập trung kinh tế có thể gây tác động hoặc có khả năng gây tác động một cách đáng kể trên thị trường. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cần thẩm định kỹ, đánh giá tổng hợp khả năng tác động hạn chế cạnh tranh và khả năng tác động tích cực của tập trung kinh tế để làm cơ sở xem xét, quyết định về việc tập trung kinh tế.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải có trách nhiệm thẩm định chính thức và ra quyết định về việc tập trung kinh tế đúng thời hạn nhằm bảo vệ môi trường cạnh tranh, đồng thời bảo đảm quyền của DN trong hoạt động kinh doanh. Trường hợp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia không ra quyết định đúng thời hạn, nếu gây thiệt hại cho DN thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật (quy định tại Khoản 3, Điều 41 Dự thảo Luật).

Tại Điều 21 quy định về quyết định hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trường hợp hết 60 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ mà cơ quan cạnh tranh quốc gia không có quyết định gia hạn hoặc hết thời gian gia hạn mà không ra quyết định cho hưởng miễn trừ và gửi cho các bên trong thời hạn quy định thì được coi là các bên có quyền miễn trừ đối với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nêu trong Dự thảo Luật.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo quy định của Luật này về nguyên tắc là hành vi bị cấm, DN không thể đương nhiên được thực hiện nếu không có quyết định được hưởng miễn trừ của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Việc DN được hưởng miễn trừ cần phải được Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quyết định trên cơ sở xem xét, đánh giá một cách thận trọng, tuân thủ theo trình tự, thủ tục chặt chẽ và đúng thời hạn theo quy định của Luật này để bảo đảm môi trường cạnh tranh và lợi ích hợp pháp của DN.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật bổ sung Khoản 4, Điều 20 quy định trường hợp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia vi phạm quy định về trình tự, thủ tục và thời hạn, DN có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Về quyền và nguyên tắc cạnh tranh trong kinh doanh, Luật quy định DN có quyền tự do cạnh tranh theo quy định của pháp luật, Nhà nước bảo đảm quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh doanh. Hoạt động cạnh tranh được thực hiện theo nguyên tắc trung thực, công bằng và lành mạnh, không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của DN, của người tiêu dùng.

Luật nghiêm cấm cơ quan nhà nước thực hiện những hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường như: phân biệt đối xử giữa các DN; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh; ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị các hiệp hội ngành, nghề, các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác hoặc các DN liên kết với nhau nhằm hạn chế cạnh tranh trên thị trường...

Luật đồng thời nghiêm cấm tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để DN thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh.

Theo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Nhà nước kiểm soát DN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước bằng biện pháp: quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước; quyết định số lượng, khối lượng, phạm vi thị trường của hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước; định hướng, tổ chức các thị trường liên quan đến hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Luật quy định, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cạnh tranh. Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh. Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh. UBND cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh.

         
Theo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên. Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và các đơn vị chức năng khác là bộ máy giúp việc của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có nhiệm vụ, quyền hạn tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh: tiến hành tố tụng cạnh tranh; kiểm soát tập trung kinh tế; quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm; giải quyết khiếu nại đối với các quyết định liên quan đến vụ việc cạnh tranh và các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này và quy định pháp luật khác có liên quan.


Đ. KHOA

Cùng chuyên mục
  • chính sách ưu đãi cho đặc khu kinh tế: Tạo đột phá nhưng cần… thận trọng
    6 năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Tán thành cao với sự cần thiết ban hành và nhiều quy định trong Dự thảo Luật nhằm tạo đột phá cho sự phát triển kinh tế đất nước, tuy nhiên, các chính sách ưu đãi, đột phá như thế nào để đảm bảo tính khả thi, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo lợi ích tối ưu của đất nước, nhân dân vẫn là điều khiến không ít đại biểu băn khoăn.
  • Các trường hợp doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế?
    7 năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Giải đáp vướng mắc của Công ty TNHH Thương Mại Công nghệ Long Thanh về quy định các trường hợp doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế, Tổng cục Thuế hướng dẫn cụ thể vấn đề này.
  • Sửa Luật Quản lý nợ công:  Đáp ứng yêu cầu đặt ra  trong tình hình mới
    7 năm trước Pháp luật
    (BKTO)- Lần đầu tiên Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) đã được Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp thứ 8 diễn ra ngày 20/3. Dự thảo Luật đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu, nhất là các quy định liên quan đến phạm vi và quản lý nhà nước về nợ công…
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải bồi thường nếu gây thiệt hại cho doanh nghiệp