Bốn yếu tố giúp kinh tế Việt Nam ổn định và phát triển

(BKTO) - Giải đáp câu hỏi từ phía đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam sáng 07/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn từng bước được cải thiện, tăng trưởng GDP vẫn tiếp tục được duy trì.




Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam. Ảnh: VGP/QUANG HIẾU
Theo Thủ tướng, 4 yếu tố giúp kinh tế vĩ mô của Việt Nam đảm bảo sự ổn định và phát triển. Thứ nhất, Việt Nam là đất nước thanh bình với tình hình chính trị - xã hội luôn ổn định. Việt Nam có chính sách tài khóa, tiền tệ tốt, lạm phát được duy trì ở mức thấp, đồng tiền Việt Nam có tính ổn định nhất trong khu vực châu Á. Điều này tạo niềm tin và sự an tâm cho các nhà đầu tư.

Thứ hai, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Minh chứng là, năm 2017, Việt Nam đã cắt bỏ trên 5.000 thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí và thời gian cho DN. Chính phủ Việt Nam cũng đã chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn để sản xuất kinh doanh; đồng thời tiếp tục cải cách thể chế theo định hướng thị trường, mang lại môi trường kinh doanh tốt nhất cho nhà đầu tư.

Thứ ba, Việt Nam cũng đã chuyển từ nền kinh tế quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh cải cách hơn nữa các lĩnh vực, từ nông nghiệp đến du lịch… Năm 2017, khai khoáng, dầu khí giảm mạnh nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đảm bảo tăng trưởng tốt, không dựa vào khai khoáng.

Một vấn đề nữa là Diễn đàn Hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 2 được tổ chức tại Việt Nam chứng tỏ Việt Nam là nước mở cửa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Thời gian tới, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đóng góp tích cực vào những diễn đàn lớn, tạo động lực, thúc đẩy xúc tiến đầu tư. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, có những quyết sách kịp thời, tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân và DN kinh doanh.

ĐỨC THÀNH
Cùng chuyên mục
Bốn yếu tố giúp kinh tế Việt Nam ổn định và phát triển