BOT Cai Lậy và bài học về thu hút đầu tư

(BKTO) - Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước, làn sóng phản ứng các trạm thu phí BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) khá dữ dội. Nguyên nhân là do một số trạm BOT đặt “nhầm chỗ”, thu phí cao, thiếu minh bạch. Sự việc ở trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) những ngày vừa qua chỉ là “giọt nước tràn ly”, gây thêm bức xúc cho người dân trước thực trạng nhiều bất cập vẫn đang diễn ra tại các trạm thu phí BOT giao thông.



Bức xúc tại trạm thu phíBOT Cai Lậy

Trạm thu phí Cai Lậy thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy (nay là thị xã Cai Lậy) và tăng cường mặt đường đoạn Km1987+560-Km2014+000 tỉnh Tiền Giang, do Công ty TNHH đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang làm chủ đầu tư. Đây là trạm thu phí được thực hiện theo hình thức BOT để hoàn vốn dự án, được Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận hoạt động, thu phí trong thời gian 6 năm 4 tháng.

Tuy nhiên, sau hơn nửa tháng đi vào hoạt động, trạm thu phí này đã hoàn toàn tê liệt vì người dân phản đối mức phí và vị trí đặt trạm. Sự cố bắt nguồn từ việc các tài xế đồng loạt dùng tiền lẻ để mua vé qua trạm làm cho nhân viên không thể xử lý kịp nên đã gây ra ùn tắc nghiêm trọng trên tuyến Quốc lộ 1. Tình trạng này gây căng thẳng đến mức chủ đầu tư có lúc phải buông xuôi bằng cách xả trạm nhiều lần.

Trước phản ứng gay gắt của chủ phương tiện, Bộ GTVT đã chọn phương án giảm giá vé ở trạm thu phí này nhưng nhiều tài xế vẫn không đồng ý mà yêu cầu phải dời trạm đến vị trí đã được phê duyệt trước đó. Tuy nhiên, đại diện trạm thu phí Cai Lậy cho biết, nếu chọn phương án di dời thì DN này sẽ trả lại dự án cho Nhà nước. Bởi, DN không đủ khả năng hoàn vốn, đổ nợ do mỗi tháng trả lãi ngân hàng lên đến gần 10 tỷ đồng. Chưa kể, dự kiến năm 2020, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành sẽ không còn nhiều phương tiện lưu thông qua Cai Lậy nên việc hoàn vốn rất khó khăn.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng khẳng định, không thể di dời trạm BOT Cai Lậy vì trạm này đã được đặt đúng trong phạm vi dự án. Muốn chuyển trạm về đường tránh, dự án cần được bố trí ngân sách để mua lại phần đường trong nội thị. Với tình hình ngân sách hiện nay, chúng ta không thể bố trí vốn và nếu triển khai, phương án tài chính của dự án không khả thi.

Hiện tại, BOT Cai Lậy vẫn xả trạm, không thu phí và chờ quyết định chính thức về việc giảm giá thu phí để làm căn cứ in vé, thực hiện thu phí các phương tiện qua trạm.

Để phí BOT không còn là gánh nặng của cộng đồng

Sự việc xảy ra tại trạm thu phí BOT Cai Lậy chỉ là “giọt nước làm tràn ly”, gây thêm bức xúc cho người dân và dư luận. Từ đây, một lần nữa, nhiều bất cập tại các trạm BOT giao thông tiếp tục được báo chí phơi bày. Điển hình là vụ việc chủ đầu tư cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo không đúng doanh thu; trạm thu phí Tào Xuyên (Thanh Hóa) đã phải đóng cửa vì mức phí thu được đã vượt khung dự toán ban đầu, dù theo hợp đồng còn được thu tới 20 năm nữa…

Để góp phần giải tỏa bức xúc của người dân, tháng 5 vừa qua, Bộ GTVT đã phải điều chỉnh giảm tổng thời gian thu phí của 13 dự án BOT đến 92 năm. Đặc biệt mới đây, Thanh tra Chính phủ cũng đã có kết luận về việc đầu tư, quản lý các dự án theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), BOT thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường tại Bộ GTVT với 7 dự án: hầu hết các dự án đều đặt các trạm thu phí có khoảng cách gần nhau, giá phí cao, tăng nhanh, khiến người tham gia giao thông không còn sự lựa chọn nào khác.

Việc thu hút đầu tư theo hình thức công - tư là cần thiết, nhưng việc làm này phải đảm bảo lợi ích của người tham gia giao thông. Chỉ như vậy, các dự án BOT mới thực sự phát huy lợi ích và không còn là gánh nặng cho cộng đồng.

LÊ HÒA
Theo Tuần Báo ra ngày 24-8-2017
Cùng chuyên mục
BOT Cai Lậy và bài học về thu hút đầu tư