Bước ngoặt lịch sử của nền văn hóa cách mạng Việt Nam

(BKTO) - Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cùng khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; vai trò của văn hóa và những việc cần làm để văn hóa ngày càng phát triển cùng với sự đi lên của kinh tế đất nước.

van-hoa.png
Văn hóa dân tộc cần tiếp tục được bảo tồn và phát huy giá trị. Ảnh sưu tầm

Đặt nền móng lý luận căn bản của văn hóa Việt Nam

Bản Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 do cố Tổng Bí thư Trường Chinh chắp bút trong những ngày bão táp của cuộc chiến đấu chống lại ách cai trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Có thể nói, nhân dân ta khi ấy, trong đó có cả lớp văn nghệ sĩ, trí thức đã bị dồn vào tình thế khốn cùng. Đây được xem như cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng, chỉ có 1.500 chữ, ngắn gọn, súc tích nhưng đã tạo nên cả một bước ngoặt lịch sử.

Nhìn lại thời điểm ra đời, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Tạ Quang Đông nhận định, dưới chính sách cai trị của thực dân và phong kiến, nền văn hóa Việt Nam đã bị tàn phá một cách nặng nề, dần mất đi bản sắc dân tộc, xa rời với quần chúng và lạc hậu.

Vì vậy, bản Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời đã chỉ rõ phương pháp cho các hoạt động văn hóa của Đảng, của nhân dân trong thời kỳ cách mạng; chỉ ra chiến lược để chấn hưng về văn hóa, trong đó có 3 nguyên tắc quan trọng phát huy hiệu quả đến tận hôm nay là: “Dân tộc”, “khoa học” và “đại chúng”. Đây chính là một trong những bước ngoặt lịch sử của nền văn hóa cách mạng Việt Nam.

PGS,TS. Lê Thị Bích Hồng - Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội - cho rằng, bản Đề cương đã trang bị những lý luận căn bản cho cán bộ hoạt động văn hóa - tư tưởng; đặt nền móng lý luận căn bản và định hướng lâu dài cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam. Đây là văn kiện chính thức đầu tiên, tương đối hoàn chỉnh của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.

Đề cương chính là cuốn cẩm nang có tác dụng soi đường, giúp văn hóa Việt Nam vượt qua thời kỳ đen tối, hướng tới một tương lai rạng rỡ. “80 năm qua, Đảng ta đã có nhiều văn kiện chỉ đạo lĩnh vực văn hóa, văn nghệ phù hợp với từng thời kỳ lịch sử, nhưng Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn; định hướng lâu dài cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam và mang tầm vóc cương lĩnh của Đảng” - PGS,TS. Lê Thị Bích Hồng nhận định.

Theo GS,TS. Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 là sự thể hiện đầy sức thuyết phục về tầm nhìn, bản lĩnh và sự nhiệt huyết của những người cộng sản Việt Nam.

“Ở đây không phải chỉ là việc sử dụng phương thức hoạt động văn hóa để thực hiện mục tiêu vận động chính trị (như các chí sĩ yêu nước lúc đó thường làm) mà là sự chuẩn bị lý luận, cương lĩnh cho sự ra đời một nền văn hóa mới sau khi cách mạng chính trị thành công, là sự vận động văn hóa như là một mặt trận, một sức mạnh đặc biệt góp phần cho sự phát triển của cách mạng chính trị” - GS,TS. Đinh Xuân Dũng cho biết.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa

Bên cạnh việc khẳng định giá trị to lớn về mặt lý luận của Đề cương về văn hóa Việt Nam, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến để văn hóa con người Việt Nam trở thành nền tảng tinh thần, động lực, phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, văn hóa muốn phát triển thì cần một ngành công nghiệp, thị trường văn hóa đủ mạnh. Công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ phát triển hơn khi ngày càng nhiều người tham gia sáng tạo văn hóa.

Điều này là khả thi khi Việt Nam đang cung cấp nhiều công cụ sáng tạo số để người dân tham gia, có cơ hội sáng tạo văn hóa. Ngoài các nền tảng sẵn có, Việt Nam có thể nghiên cứu, cho ra đời thêm một sàn thương mại điện tử chuyên cung cấp các sản phẩm văn hóa; giúp phát triển các ngành công nghiệp, thị trường văn hóa.

Những yếu tố này đều góp phần thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (tháng 11/năm 2021), đó là: Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế, xã hội và không gian số sẽ giúp văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

PGS,TS. Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - cho rằng, cần phải tạo ra mô hình kết hợp chặt chẽ giữa Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà sáng tạo để tạo ra sự chuyển đổi về văn hóa trong thực tế. Nếu chúng ta coi văn hóa là một lĩnh vực được ưu tiên đầu tư như một mặt trận thì mặt trận này cần được đầu tư như: Y tế, giáo dục, giao thông vận tải… thời gian qua. Theo bà Phương, văn hóa có tính đặc thù, mặc dù văn hóa có tính thị trường nhưng không phải lúc nào cũng đặt tính thị trường của văn hóa lên trên.

Phải có sự phân tách uyển chuyển gắn với thực tế. “Chúng tôi mong muốn ở những lĩnh vực nghệ thuật truyền thống như: Tuồng, chèo, cải lương… phải có cơ chế đặc thù để phát triển, không thể tự chủ hoàn toàn, nếu không chúng ta sẽ mất dần vốn quý trong kho tàng nghệ thuật của dân tộc. Mặt khác cũng phải tư duy văn hóa như một ngành công nghiệp văn hóa. Lúc đó, văn hóa sẽ trở thành lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế” - bà Phương bày tỏ.

Khẳng định vai trò to lớn của của văn hóa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, thời gian tới, chính sách phát triển văn hóa sẽ tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý để khơi thông mọi tiềm năng, nguồn lực cho phát triển văn hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Đồng thời, huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, cả trong nước và ngoài nước cho phát triển văn hóa./.

Những bài học sâu sắc đặt ra sau 80 ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam cho chúng ta niềm tin vững chắc rằng, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc sẽ là nguồn động lực lớn lao để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết một lòng, ra sức cống hiến trí tuệ, tài năng, đưa dân tộc ta đến những thắng lợi vẻ vang.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa

Cùng chuyên mục
Bước ngoặt lịch sử của nền văn hóa cách mạng Việt Nam