Không gì hơn là tránh các khuyết điểm và đồng thời phải sửa chữa khuyết điểm

Mỗi cán bộ, đảng viên chỉ có bằng những việc làm tốt của mình, không mắc sai phạm, khuyết điểm và biết sửa chữa, khắc phục khuyết điểm để tiến bộ thì mới vững vàng trước mọi sự chống phá của thế lực xấu và mới đủ phẩm chất, năng lực, uy tín hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của người đảng viên cộng sản

2-.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 02/1951). Ảnh tư liệu: qdnd.vn

Trong quá trình sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác phê bình và tự phê bình trong Đảng. Người đặc biệt chú ý đến việc khắc phục tình trạng sợ phê bình, không chịu sửa chữa khuyết điểm trong Đảng.

Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình, và kiên quyết sửa chữa”. Người khẳng định: “Chỉ có không ngừng đấu tranh, phê bình và tự phê bình, nhận rõ đúng sai, phát huy cái đúng, khắc phục cái sai, mới có thể làm cho mình, cho Đảng, cho cách mạng tiến bộ mãi”.

Trong bài báo Thuốc đắng dã tật nói thật mất lòng đăng trên Báo Sự thật ngày 15/4/1949, Hồ Chủ tịch viết: “Có những cán bộ tưởng rằng: Nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình, thì sẽ có hại, vì: Kẻ địch sẽ lợi dụng để phản tuyên truyền. Giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền. Làm mất thể diện của cán bộ đã phạm khuyết điểm ấy. Chỉ phê bình qua loa ở nội bộ là đủ rồi”. Người phân tích quan điểm sai lầm đó: “Thế là tưởng lầm. Thế là ốm mà sợ thuốc. Thế là không hiểu ý nghĩa và lực lượng phê bình”.

Tháng 11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định hậu quả của căn bệnh cá nhân chủ nghĩa, của việc không chịu sửa chữa, khắc phục khi mắc khuyết điểm: “Chủ nghĩa cá nhân không dám tự phê bình, không muốn người ta phê bình mình, không kiên quyết sửa chữa. Vì vậy mà thoái bộ, chứ không tiến bộ được”.

Hồ Chủ tịch chỉ ra điều hết sức hiển nhiên là: “Nếu không muốn để bị kẻ địch phản tuyên truyền, thì cách tốt nhất và không gì hơn là tránh các khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm. Một khi đã phạm khuyết điểm, thì dù mình muốn bưng bít, người ta cũng biết”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta vì dân, vì nước mà làm cách mạng. Muốn cách mạng thành công, ắt phải đoàn kết và tiến bộ. Muốn đoàn kết càng chặt chẽ, tiến bộ càng mau chóng, thì mọi người phải sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”. Người cũng tự tin khẳng định: “Chúng ta không sợ khuyết điểm, vì chúng ta có đủ nghị lực và quyết tâm để sửa chữa khuyết điểm”.

Trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng đăng trên Báo Cứu quốc vào ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn xác định: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu biện pháp chữa trị kiên quyết với những người chây ỳ, không chịu sửa chữa khuyết điểm. Ngày 14/6/1958, trong bài báo “Tự phê bình và phê bình” đăng trên Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Có một số ít người thì phê bình, giáo dục mấy cũng cứ ỳ ra, không chịu sửa đổi. Đối với hạng người này, chúng ta cần phải nghiêm khắc, phải mời họ ra khỏi Đảng, để tránh “con sâu làm rầu nồi canh”.

Trong quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tích cực thực hiện tư tưởng trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng đã kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng tiêu cực, tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch Đảng. Chỉ tính trong 10 năm từ năm 2012-2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng và gần 168.000 đảng viên, trong đó cấp có thẩm quyền theo quy định đã kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao của Đảng. Đảng cũng đã có nhiều biện pháp chặt chẽ, phù hợp, nghiêm minh để cán bộ, đảng viên tránh sai lầm, khuyết điểm hay vi phạm pháp luật, không để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng chống phá. Vừa qua, Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định về những điều đảng viên không được làm, trong đó có quy định tại Điều 11: “Đảng viên không được vi phạm đạo đức công vụ, bao che, báo cáo sai sự thật khi thực hiện nhiệm vụ; thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân do mình trực tiếp quản lý xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các vi phạm khác” và “Không báo cáo, không xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”. Quy định 37 trên đã được triển khai thực hiện tích cực, có hiệu quả, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Cũng cần thấy rõ một thực tế là thời gian qua, xuất hiện tình trạng các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng những sai phạm của một số cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng… để vu cáo, quy kết, nói xấu cá nhân cán bộ, đảng viên đó và quy kết, vu khống, nói xấu Đảng, chế độ. Dù có khi chỉ là một phát ngôn, một hành động thiếu kiềm chế, một hành vi vi phạm luật giao thông của cá nhân cán bộ, đảng viên cũng trở thành đề tài “hot”, “miếng mồi béo bở” để kẻ xấu lợi dụng thổi phồng, vu cáo. Vừa qua, cũng có những cán bộ, đảng viên rơi vào hoàn cảnh trên đã hết sức tỏ ra ăn năn, ân hận, xin lỗi Đảng, nhân dân, tự giác sửa chữa, khắc phục hậu quả và cam kết kiên quyết không để tái phạm. Đây là biểu hiện tốt, cách làm có trách nhiệm, có văn hóa được dư luận hoan nghênh.

Trong giai đoạn mới của cách mạng, vấn đề tránh vi phạm khuyết điểm và nếu có vi phạm khuyết điểm thì phải kiên quyết sửa chữa để phấn đấu tiến bộ đòi hỏi các tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên phải đoàn kết thống nhất, kiên quyết, kiên trì thực hiện các giải pháp, tích cực đồng bộ. Cùng với nỗ lực của tổ chức đảng, hệ thống chính trị và sự đồng thuận, giúp đỡ của nhân dân thì yếu tố rất quan trọng chính là sự tự giác thực hiện của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong phát biểu tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Từng đảng viên cũng phải xác định rõ bổn phận và trách nhiệm thiêng liêng và cao cả của mình khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, không ngừng phấn đấu và rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống; thường xuyên tự phê bình và phê bình, gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Rõ ràng, mỗi cán bộ, đảng viên chỉ có bằng những việc làm tốt của mình, không mắc sai phạm, khuyết điểm và biết sửa chữa, khắc phục khuyết điểm để tiến bộ thì mới vững vàng trước mọi sự chống phá của thế lực xấu và mới đủ phẩm chất, năng lực, uy tín hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của người đảng viên cộng sản./.

Cùng chuyên mục
  • Phải làm gì để tất cả cán bộ, đảng viên “xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng”
    một năm trước Công tác xây dựng Đảng
    Đảng Cộng sản Việt Nam luôn phấn đấu thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những tư tưởng, quan điểm lời dạy trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng đã đề ra và tiến hành các giải pháp tích cực để tạo sức mạnh tổng hợp cho cán bộ, đảng viên của Đảng xứng đáng là những người chiến sĩ cách mạng. Thành công ấy của công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng thời gian qua đã giúp cho Đảng ta ngày càng vững mạnh và phát triển.
  • Bước tiến mới để nâng cao chất lượng cán bộ
    một năm trước Công tác xây dựng Đảng
    (BKTO) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (Quy định 96). Nhiều chuyên gia nhận định, Quy định này là bước thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt, được ví như “lửa thử vàng”, tạo áp lực cần thiết và là thước đo quan trọng để đánh giá năng lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
  • Hà Nội tổ chức Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ ba
    một năm trước Công tác xây dựng Đảng
    Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 133-KH/TU về tổ chức Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ ba, năm 2023.
  • “Không làm thì đuổi ra ngoài Đảng”
    một năm trước Công tác xây dựng Đảng
    Ngày 10/5/1950, khi nói chuyện về bản Tổng cương và Điều lệ của Đảng, Hồ Chủ tịch nêu rõ: “Đảng có những điều kiện kỷ luật bắt buộc mỗi đảng viên phải theo. Không có kỷ luật sắt không có Đảng. Đã vào Đảng thì phải theo tư tưởng của Đảng. Đảng đã chỉ thị nghị quyết là phải làm. Không làm thì đuổi ra ngoài Đảng”.
  • Trí tuệ, bản lĩnh và uy tín của Đảng cầm quyền!
    một năm trước Công tác xây dựng Đảng
    (BKTO) - Những thành tựu vẻ vang của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng suốt 93 năm qua đã chứng minh, ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ trí tuệ, bản lĩnh, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chèo lái con thuyền cách mạng cập bến vinh quang, hạnh phúc, đem lại niềm tin và ước vọng cho dân tộc ta…
Không gì hơn là tránh các khuyết điểm và đồng thời phải sửa chữa khuyết điểm