Hàng nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả
Bà Vũ Hồng Như Yến - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Cà Mau - ghi nhận, việc uỷ thác cho vay vốn rất có ý nghĩa đối với các hộ chính sách. Nhờ vay được vốn, nhiều gia đình đã có vốn để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống; từ đó, góp phần chung tay giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương...
Ông Nguyễn Quốc Bảo - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Cà Mau – cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội“ (Chỉ thị 40), Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND), Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh hằng năm đã bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Số tiền này năm sau cao hơn năm trước, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao. Nguồn vốn đã được đầu tư đúng đối tượng thụ hưởng, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giúp họ phát triển nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả và được nhân rộng tại địa phương.
Cụ thể, doanh số cho vay từ năm 2021 đến 30/9/2024 là 280,3 tỷ đồng, với 7.206 lượt khách hàng vay vốn.
Tổng dư nợ cho vay các nguồn vốn nhận uỷ thác tại địa phương là 293 tỷ đồng (tỷ lệ sử dụng vốn 98,65 %), với 8.671 khách hàng vay vốn. Trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 275 tỷ đồng (tỷ lệ sử dụng vốn đạt 99,78%) với 8.321 khách hàng vay vốn; cho vay người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 14 tỷ đồng (tỷ lệ sử dụng vốn đạt 92,7%) với 300 khách hàng vay vốn; cho vay nhà ở vùng Đất Mũi là 3,7 tỷ đồng (tỷ lệ sử dụng vốn đạt 100%) với 50 khách hàng vay vốn...
Đến ngày 30/9, NHCSXH tỉnh Cà Mau đã tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn vốn uỷ thác là 297 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cấp tỉnh là 256 tỷ đồng; nguồn vốn ủy thác cấp huyện, thành phố là 38 tỷ đồng; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh 3 tỷ đồng.
Nhu cầu vay vốn để sản xuất lớn nhưng nguồn vốn cho vay hạn chế
Mặc dù đã đạt những kết quả nói trên, nhưng lãnh đạo NHCSXH tỉnh Cà Mau cho biết, hằng năm việc chuyển vốn ngân sách địa phương uỷ thác sang NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn hạn chế.
Việc thực hiện Đề án bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương uỷ thác qua NHCSXH để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 1431/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh đạt thấp so kế hoạch vốn đã xây dựng. Nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh uỷ thác là 270 tỷ đồng, tuy nhiên từ năm 2021-2024 mới chuyển được 130 tỷ đồng (đạt 44%/kế hoạch nguồn vốn).
Bên cạnh đó, một số địa phương cấp huyện chưa quan tâm đúng mức đến việc bố trí ngân sách uỷ thác sang để cho vay hoặc bố trí chưa tương xứng với tiềm lực kinh tế của địa phương. Vì vậy, nguồn vốn từ ngân sách chuyển sang tại một số huyện chưa đạt kế hoạch được giao.
Tổng nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH chỉ mới đạt 6,8%/tổng nguồn vốn. Trong khi đó, mục tiêu đề ra trong Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 4/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 thì hằng năm ngân sách địa phương chuyển sang chiếm khoảng 15-20% tăng trưởng dư nợ tín dụng, phấn đấu đến năm 2030 đạt 15%/tổng nguồn vốn.
Nói cách khác, nhu cầu của người dân trên địa bàn đối với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đặc biệt là chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là rất lớn nhưng nguồn vốn cho vay còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Theo đó, NHCSXH tỉnh kiến nghị HĐND, UBND tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn vốn ngân sách địa phương, vốn đầu tư công tiếp tục chuyển sang NHCSXH uỷ thác cho vay nhằm thực hiện được các mục tiêu nêu trong Chiến lược phát triển NHCSXH trên toàn tỉnh đến năm 2030.
Bên cạnh đó, bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025; đầu tư nâng mức cho vay, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, những hộ khó khăn có nhu cầu vay vốn trên địa bàn.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND đồng tình với kiến nghị của NHCSXH về việc tăng nguồn vốn uỷ thác của địa phương, đồng thời ủng hộ các giải pháp đề xuất của NHCSXH trong quá trình hoạt động. Đồng thời, đề nghị NHCSXH tỉnh tăng cường các hoạt động nghiệp vụ để nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách, phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn thể nhận uỷ thác, chính quyền địa phương để xử lý nợ khoanh, nợ quá hạn./.