Cà Mau: T,ừng bước đổi mới căn bản, toàn diện, phấn đấu chuyển đổi số thành công

(BKTO) - Ông Huỳnh Quốc Việt - Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau yêu cầu địa phương tuyên truyền rộng rãi để người hiểu và tích cực thực hiện công tác chuyển đổi số.



                
   

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt (người đứng) yêu cầu địa phương phối hợp chặt chẽ, hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số. Ảnh: camau.gov.vn.

   

Các đơn vị từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính

Tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, Cà Mau được giao thực hiện 20 nhiệm vụ, trong đó 10 nhiệm vụ có thời hạn và 10 nhiệm vụ không có thời hạn, thực hiện theo định kỳ hằng năm.

Đến nay, địa phương đã hoàn thành 5 nhiệm vụ, 5 nhiệm vụ đang triển khai. Đối với các nhiệm vụ không có thời hạn, đã triển khai 7 nhiệm vụ, 2 nhiệm vụ chưa đến kỳ triển khai, 1 nhiệm vụ chưa triển khai.

Năm 2022, tỉnh Cà Mau tiếp tục triển khai thực hiện các dự án phát triển các cơ sở dữ liệu các ngành công thương, xây dựng, giao thông vận tải; đã có hơn 400.000 trang tài liệu lưu trữ được số hóa.

Tỉnh đã hoàn thành việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia các nhóm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tư pháp, lao động thất nghiệp, dịch vụ thanh toán trực tuyến. Đã số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa từ ngày 01/6/2022, trong đó số hóa 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

So với cùng kỳ năm 2021, toàn tỉnh có 167.300 số thuê bao băng rộng cố định (cáp quang), tăng 12,4%; 797.573 thuê bao băng rộng di động (3G/4G), tăng 11,3%. Hệ thống iOffice đã triển khai trên 655 cơ quan, đơn vị nhà nước, có gần 11.000 tài khoản người dùng. Tổng số chữ ký số chuyên dùng hiện đang sử dụng tại các cơ quan, đơn vị nhà nước là 1.733, tăng 592 chữ ký.

Về ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp, đến nay, 1.974 thủ tục hành chính cấp tỉnh đã được công khai; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ là 37%. 2.975/4.950 lượt cài đặt có sử dụng ứng dụng Chính quyền điện tử Cà Mau (CaMau-G); đã tiếp nhận 142 phản ánh của tổ chức, cá nhân trên Ứng dụng phản ánh hiện trường…

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau vừa diễn ra, đại diện lãnh đạo các sở, ngành địa phương trao đổi về một số vướng mắc trong thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số trên hệ thống iOffice; việc giải quyết hồ sơ trên môi trường mạng còn khó khăn do thói quen người dân; vấn đề nhân lực số để đảm bảo hệ thống chuyển đổi số đồng bộ liên thông.

Các thành viên Ban chỉ đạo đã góp ý cho dự thảo Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo năm 2022 và Quy chế hoạt động của Ban và Tổ công tác giúp việc. Trong đó, đề ra 25 mục tiêu cần thực hiện, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số của tỉnh.
                
   

Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau yêu cầu phổ biến: Ứng dụng phản ánh hiện trường thông qua ứng dụng di động trên app CaMau-G, đặt lịch khám bệnh từ xa, sổ khám sức khỏe điện tử, khai thuế điện tử... cho người dân biết, sử dụng hiệu quả. Ảnh: baocamau.com.vn.

   

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt, việc chuyển đổi số phải bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, cần làm cho người dân thấy công nghệ là dễ dàng, thiết thực. Từ đó, tạo nên cộng đồng số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Từ đó, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau yêu cầu các đơn vị, địa phương nhìn nhận những khó khăn, khắc phục sự lơ là, thiếu tập trung trong thời gian qua; xây dựng những giải pháp thiết thực, xác định người dân là trung tâm, chủ thể; xây dựng các kế hoạch đảm bảo thực hiện tốt 25 nhiệm vụ đã đề ra; tiếp thu những cách làm hay; từng bước đổi mới căn bản, toàn diện, phấn đấu đưa Cà Mau trở thành một trong những tỉnh chuyển đổi số thành công của cả nước.

Các địa phương rà soát, thành lập, kiện toàn ngay ban chỉ đạo số cấp huyện, xã, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở, nhanh chóng đưa các cơ sở dữ liệu vào vận hành. Khẩn trương, quyết liệt đẩy nhanh việc xác thực mã định danh cho người dân; xây dựng nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp, làm cơ sở để phục vụ thông tin về sản xuất, thị trường tiêu thụ; đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng...
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt công tác chuyển đổi số để đạt kết quả theo các chỉ tiêu nghị quyết Tỉnh ủy, Đề án UBND tỉnh đã ban hành.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số vào các hoạt động cơ quan, đơn vị địa phương đảm bảo phù hợp. Tăng cường khả năng kết nối liên thông tích hợp chia sẻ sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống thông tin. Tăng cường sử dụng các văn bản điện tử, nhất là chữ ký số, hộp thư điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Cập nhật tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, xây dựng kế hoạch đảm bảo triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Bên cạnh đó, tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu và tích cực thực hiện công tác chuyển đổi số với tinh thần người dân là chủ thể, trung tâm.

Đặc biệt, phổ biến các phần mềm, các ứng dụng cho người dân biết, sử dụng hiệu quả, như: Dịch vụ công trực tuyến, phản ánh hiện trường, thanh toán không dùng tiền mặt, đặt lịch khám bệnh từ xa, sổ khám sức khỏe điện tử, khai thuế điện tử... tổ chức tập huấn hướng dẫn Tổ công nghệ số cộng đồng đảm bảo thiết thực, chất lượng./.
         
Ông Trần Quốc Chính - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau – cho biết: Sau hơn 1 tháng vận hành (từ ngày 01/7/2022), Ứng dụng phản ánh hiện trường (PAHT) trên app điện thoại CaMau-G (Chính quyền điện tử Cà Mau) đã nhận được gần 150 PAHT liên quan đến các vấn đề: Điện, đường giao thông, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, hạ tầng đô thị… Trong đó, 144 PAHT đã xử lý, 04 PAHT đang xử lý; trả lại 30 phản ánh không thuộc phạm vi giải quyết của PAHT.

Từ khi ứng dụng PAHT chính thức vận hành, chỉ cần có điện thoại thông minh, người dân có thể gửi các phản ánh kèm theo hình ảnh và clip tại hiện trường. Ngay lập tức thông tin, nội dung, địa điểm, hình ảnh do người dân gửi đến sẽ được Cổng Thông tin điện tử tỉnh tiếp nhận, phân loại và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xử lý. Người dân có thể giám sát, tương tác và đánh giá mức độ hài lòng đối với kết quả xử lý của từng cơ quan.

Thông qua ứng dụng, các ý kiến phản ánh của người dân được các cấp, ngành chức năng xử lý kịp thời, công khai, minh bạch. Từ đó, góp phần tạo lòng tin trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, hướng đến xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số trong tương lai.
THÙY ANH
Cùng chuyên mục
Cà Mau: T,ừng bước đổi mới căn bản, toàn diện, phấn đấu chuyển đổi số thành công