Chuyển biến tích cực tại nhiều dự án
Vụ Kế hoạch- Bộ Công Thương vừa cho biết, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến năm 2018 đã có 2 nhà máy hoạt động kinh doanh bước đầu có lãi, một nhà máy đang được xem xét để đưa ra khỏi danh sách các dự án, doanh nghiệp thua lỗ; 4 dự án còn lại tiếp tục hoạt động và đang dần giảm lỗ. Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay đã có 2 dự án vận hành sản xuất trở lại và 1 dự án đã hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi động lại nhà máy.
Cụ thể, theo báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đã hoàn thành công tác định giá lại dự án và đã trình Bộ Công Thương phê duyệt kết quả để tiếp tục xây dựng phương án và tổ chức triển khai bán đấu giá Dự án theo quy định (dự kiến trong quí 2/2019).
Dư nợ tín dụng và tình hình tài chính ở các dự án, doanh nghiệp cũng tiếp tục xu hướng tích cực hơn. Trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến năm 2018 đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi (Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1- Hải Phòng đã có lợi nhuận đạt 195,55 tỷ đồng (tăng 180,767 tỷ đồng so với 2017) và Nhà máy thép Việt- Trung có lợi nhuận đạt 456,8 tỷ đồng (tăng 290,6 tỷ đồng so với năm 2017). Đến hết quý 1/2019, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi 18,263 tỷ đồng và đang được xem xét để đưa ra khỏi danh sách các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả.
Nhà máy DAP 1- Đình Vũ được đề nghị đưa ra khỏi danh sách dự án thua lỗ, yếu kém. Ảnh: Vinachem |
Trong 03 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã vận hành trở lại 3 dây chuyền của phân xưởng sợi Filament từ ngày 20/4/2018 và nâng lên 10 dây chuyền từ ngày 13/1/2019. Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi cũng đã vận hành lại từ ngày 14/10/2018 theo Hợp đồng hợp tác gia công với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap). Tại Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước đã xử lý xong các khâu liên quan và sẵn sàng khởi động để vận hành thương mại ngay khi điều kiện thị trường thuận lợi.
Cùng nỗ lực tháo gỡ khó khăn
Vụ Kế hoạch - Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian qua, một số vấn đề phức tạp, khó giải quyết về pháp lý ở các dự án đã được xử lý đạt kết quả. Điển hình là tại Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã xử lý xong vấn đề tranh chấp thực hiện Hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (Hợp đồng EPC) với liên danh nhà thầu EPC. Tuy nhiên, trước những vướng mắc đã và đang hiện hữu tại các dự án khác, trong thời gian tới, công tác xử lý sẽ tiếp tục tập trung vào các tranh chấp pháp lý.
Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ đã vận hành 10 dây chuyền sản xuất sợi. Ảnh: T.CÔNG |
Tại phiên họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ lần thứ 7 vào cuối tháng 3/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo đã kết luận: Việc triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo trong hơn 2 năm qua được thực hiện khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao, cho thấy nỗ lực rất lớn của các Bộ ngành và của các Tập đoàn, Tổng công ty, Chủ đầu tư các dự án. Trên 75% khối lượng công việc được giao theo Kế hoạch hành động của Ban Chỉ đạo giai đoạn 2017-2019 đã được hoàn thành. Các giải pháp xử lý các dự án được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện. Cùng với việc xử lý các vấn đề về tài chính, quản trị, thị trường, hỗ trợ pháp lý, khoa học công nghệ, các vấn đề về lao động việc làm, ổn định xã hội, bảo đảm môi trường, an ninh - quốc phòng đã được tính tới để xử lý, đến nay đã tạo được những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo của Chính phủ cũng xác định còn nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục xử lý, đặc biệt là việc tập trung giải quyết dứt điểm các tranh chấp, vướng mắc về hợp đồng EPC và công tác quyết toán, xử lý tài sản ở các dự án. Chính vì vậy, ngày 10/5 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo đã có phiên họp chuyên đề cùng Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành và các Tập đoàn, Tổng công ty có liên quan để bàn cách xử lý vấn đề này.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo đã giao Bộ Công Thương sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiện toàn, bổ sung Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Ban Chỉ đạo, giữ vị trí Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thay Bộ trưởng Bộ Công Thương; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm cơ quan đầu mối, thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo tiếp tục xử lý các dự án trong thời gian tới.
Theo Vụ Kế hoạch - Bộ Công Thương, từ những kết quả đạt được trong hơn 2 năm qua và những chỉ đạo cụ thể từ phía Chính phủ, có thể tin tưởng vào việc đạt được mục tiêu đến năm 2020 sẽ xử lý được dứt điểm các dự án tồn đọng, kéo dài nhiều năm qua của ngành Công Thương theo yêu cầu mà Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.
PHÚC KHANG