Hàng trăm nghìn tỷ đồng hỗ trợ khôi phục sản xuất kinh doanh
Trong báo cáo gửi tới Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, NHNN cho biết: Theo báo cáo của 26 NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, có khoảng 124.000 khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) với dư nợ là khoảng 192.000 tỷ đồng, chiếm 3,1% tổng dư nợ trên địa bàn.
Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại, ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp. Cụ thể, NHNN đã ban hành 4 văn bản (gồm 2 Công văn, 1 Quyết định, 01 Chỉ thị) chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn giảm lãi vay, hạ lãi suất; tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão.
NHNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với Ủy ban nhân dân 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 để triển khai các giải pháp của ngành ngân hàng hỗ trợ tháo khó khăn, giúp người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sông.
Các TCTD ban hành và công bố công khai các chương trình, các gói tín dụng nhằm kịp thời hỗ trợ, khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra, tạo điều kiện khách hàng khôi phục và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đến nay, đã có 35/40 ngân hàng thông báo và công bố quy mô hỗ trợ 405.000 tỷ đồng cho vay mới và hạ lãi suất, trong đó dành khoảng 300.000 tỷ đồng cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh. Mức giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu từ 0,5- 2%/năm, mức lãi suất cho vay đối với các khoản giải ngân mới ngắn hạn từ 5- 6,7%, trung dài hạn từ 5,5 -8%/năm.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 19/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hiện nay, NHNN đang xây dựng Dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Nỗ lực triển khai các chương trình tín dụng
NHNN đã xây dựng và gửi xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân đối với Thông tư hướng dẫn các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
NHNN đã xây dựng và trình ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023; tiếp tục ban hành Thông tư số 06/2024/TT-NHNN ngày 18/6/2024 sửa đổi bổ sung Thông tư số 02/2023/TT-NHNN nhằm kéo dài thời gian thực hiện chính sách đến hết 31/12/2024.
Lũy kế đến ngày 31/8/2024, đã có 72 TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 290.370 lượt khách hàng với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là 249.705 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/08/2024, có 226.764 khách hàng đang còn dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với số dư nợ được cơ cấu lại là 126.403 tỷ đồng.
Các ngân hàng thương mại (NHTM) đã và đang triển khai chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng, đảm bảo sinh kế, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay lãi suất ưu đãi đối với chủ đầu tư, người mua nhà các Dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, đến nay, có 35/63 UBND tỉnh, thành phố gửi Văn bản tới NHNN và Bộ Xây dựng hoặc công bố công khai trên cổng thông tin điện tử với tổng số 84 dự án. Các NHTM đã giải ngân 1.629 tỷ đồng bao gồm: 1.511 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 14 dự án, 118 tỷ đồng cho người mua nhà tại 11 dự án.
9 ngân hàng tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (Tiên Phong Bank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank).
Hiện nay, đã có 9 ngân hàng đăng ký tham gia chương trình với tổng số tiền các ngân hàng đăng ký tham gia Chương trình là 145.000 tỷ đồng. Đồng thời, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Chương trình theo hướng quy định mức lãi suất ưu đãi hơn cho người mua nhà.
Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản có quy mô ban đầu là 15.000 tỷ đồng, sau nâng lên thành 30.000 tỷ đồng và hiện quy mô đã lên tới 60.000 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6/2024, các NHTM đã giải ngân cho vay với doanh số lũy kế khoảng 35.400 tỷ đồng, với gần 9.900 lượt khách hàng vay vốn, hoàn thành tổng doanh số cam kết cho vay của Chương trình (theo quy mô 30.000 tỷ đồng).
Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1490/QĐ-TTg cũng đã được NHNN hướng dẫn triển khai.
NHNN đã kết nối Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và 2 công ty tài chính HDSaison và FECredit ký thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình 20.000 tỷ đồng cho vay đoàn viên công đoàn và công nhân khu công nghiệp. Từ tháng 10/2022 đến hết tháng 6/2024, HDSaison và FECredit đã giải ngân hết 20.000 tỷ đồng cho người lao động./.