Biển báo của một Hội chợ việc làm được đặt trên đường phố ở Manhattan, Thành phố New York, Hoa Kỳ - Nguồn: Reuters |
Hai vị trí việc làm trống cho mỗi người tìm việc
Kể từ khi đại dịch bùng phát, các doanh nghiệp toàn cầu luôn phải đối mặt với sự thiếu hụt lao động nghiêm trọng, Đức thiếu thợ sửa ống nước, Mỹ thiếu nhân viên bưu điện, Australia thiếu kỹ sư... Làn sóng nghỉ việc kể từ khi các nước nới lỏng hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, trong tháng 8 có 887.000 vị trí việc làm còn trống, nhiều hơn khoảng 108.000 vị trí so với năm ngoái. Trong khi đó, các thông báo tuyển dụng được dán khắp nơi trước các nhà hàng và cơ sở kinh doanh tại Mỹ, nơi có hơn 11 triệu vị trí việc làm còn trống vào cuối tháng 7, tức là có 2 vị trí việc làm trống cho mỗi người tìm việc.
Còn tại Australia, số lượng người nhập cư vào quốc gia này trong ba năm gần đây liên tục giảm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng trên diện rộng. Dữ liệu việc làm trong tháng 7/2022 do Cơ quan Thống kê Australia (ABS) công bố cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục 3,5%. Con số này phản ánh nguồn lao động ngày càng thắt chặt, trong khi nhu cầu tuyển dụng và giữ chân người lao động cao.
Nhà kinh tế học Ariane Curtis tại công ty nghiên cứu Capital Economics cho biết số việc làm còn trống trên toàn thế giới hiện ở mức rất cao. Các kết quả khảo sát cho thấy ở thời điểm này các công ty gặp không ít khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự. Tình trạng này xảy ra nhiều nhất ở các quốc gia Tây Âu và Bắc Mỹ, cũng như Đông Âu, Mỹ Latinh và Thổ Nhĩ Kỳ.
Clement Verrier - Giám đốc một công ty tuyển dụng ở Paris nói rằng trước đây, họ rất khó tìm công ty cần tuyển người. Nhưng giờ, tình hình lại ngược lại. Chúng tôi nhận thấy số lượng kỷ lục ứng viên biến mất trong quá trình tuyển dụng. Họ không hề gọi điện lại.
Canada đối mặt làn sóng nghỉ hưu sớm
Từ trước khi COVID 19 xuất hiện, dân số già đã gây ra thiếu hụt lao động. Tuy nhiên, đại dịch càng khiến vấn đề này thêm nghiêm trọng. Tình trạng thiếu hụt lao động vẫn tiếp diễn ngay cả khi nền kinh tế thế giới bắt đầu tăng trưởng chậm lại kể từ sau cuộc xung đột Nga-Ukraine vào đầu năm nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó phải kể đến làn sóng nghỉ hưu sớm, trong khi nhiều người gặp khó khăn với các triệu chứng COVID kéo dài hoặc không hài lòng với điều kiện lao động và mức lương thấp.
Theo hãng tin Reuters, lực lượng lao động của Canada đã tăng trong tháng 8, nhưng vẫn là một con số khiêm tốn so với trước mùa Hè do hàng chục nghìn người nghỉ hưu cùng lúc.
Theo Cục Thống kê Canada, không chỉ những người trên 65 tuổi mà những người trong độ tuổi 55 đến 64 tuổi cũng được ghi nhận đã nghỉ hưu với con số kỷ lục trong 12 tháng qua. Các nhà kinh tế đánh giá trào lưu này đang thúc đẩy một làn sóng rời khỏi thị trường lao động ồ ạt của những công nhân có tay nghề cao của Canada, khiến các doanh nghiệp rơi vào tình cảnh thiếu lao động, đẩy mức lương lên cao và tạo nguy cơ kéo giảm năng suất lao động của đất nước.
Jimmy Jean, nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng Desjardins Group cho biết: “Từ lâu chúng tôi đã biết trước làn sóng này đang đến và chúng tôi sẽ bước vào thời điểm này. Trong những năm tới, xu hướng này sẽ chỉ theo chiều hướng tăng. Rủi ro mà các doanh nghiệp và một số lĩnh vực gặp phải là người lao động tay nghề cao rời khỏi thị trường trong khi không đủ lao động trẻ hơn tiếp quản. Chúng ta vừa mất nhân lực và năng lực”.
Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, số người nghỉ hưu giảm do nhiều người Canada quyết định gắn bó với công việc lâu hơn. Tuy nhiên, khi các biện pháp phòng dịch được gỡ bỏ, nhiều người đổ xô nghỉ hưu sớm để bù đắp cho quãng thời gian đã mất, lựa chọn đi du lịch hay dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Việc họ rời bỏ thị trường lao động lúc này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế vào thời điểm ngân hàng trung ương đang mạnh tay tăng lãi suất để chống lạm phát tăng vọt, làm dấy lên lo ngại nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái.
Theo Statscan (Cục Thống kê Canada), Canada - quốc gia tăng cường nhập cư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - có tỷ lệ phần trăm giữa dân số trong độ tuổi lao động trên dân số nói chung lớn nhất trong nhóm các nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Tuy nhiên, lực lượng lao động của Canada cũng là lớn tuổi nhất, với 1/5 người lao động ở Canada từ 55 tuổi trở lên.
Trong tháng 8, Canada ghi nhận 307.000 người nghỉ hưu, tăng 31,8% so với một năm trước đó và cao hơn 12,5% so với tháng 8 năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát. Hơn 620.000 người Canada bước vào nhóm tuổi 65 trở lên trong đại dịch. Vấn đề nghỉ hưu đặc biệt nghiêm trọng trong các lĩnh vực có tay nghề cao như hoạt động thương mại và điều dưỡng.