Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 15, sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình - Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát trình bày báo cáo của Đoàn giám sát. Ảnh: VPQH |
Tiếp công dân: cấp xã ít, cấp tỉnh không cao, cấp Bộ thấp
Tại phiên giám sát, một trong những kết quả đáng chú ý được Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình - Phó Trưởng Đoàn giám sát đưa ra là việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu các cấp vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ theo quy định của luật.
Thống kê cho thấy, tiếp công dân của người đứng đầu cấp xã ít, cấp huyện có nhiều hơn, cấp tỉnh không cao, cấp bộ thì thấp. Việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu chủ yếu ủy quyền cho cấp phó.
“Việc thực hiện tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp chưa đảm bảo so với quy định của luật. Tỷ lệ bình quân Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tiếp đạt 38%, Chủ tịch tỉnh đạt 56%, Chủ tịch huyện đạt 94%, Chủ tịch xã đạt 49% so với quy định. Thủ trưởng một số cơ quan còn ủy quyền hoặc giao cho cấp phó tiếp thay còn khá phổ biến” - ông Dương Thanh Bình nêu rõ.
Đáng chú ý, Đoàn giám sát chỉ ra, quy định về thống kê báo cáo, số liệu tiếp công dân của người đứng đầu chưa rõ ràng, không có trong biểu mẫu, phụ lục thống kê dẫn đến số liệu không chính xác, độ tin cậy không cao. Thậm chí, vẫn còn tình trạng bố trí cán bộ làm công tác tiếp dân chưa đúng quy định, có nơi do thiếu cán bộ đã bố trí cán bộ nghỉ hưu làm theo hợp đồng để tiếp công dân.
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về tiếp công dân
Theo Đoàn giám sát, qua thực tế giám sát, một số địa phương trong quá trình tổ chức, thực hiện công tác tiếp công dân cho rằng mô hình tiếp công dân cấp huyện hiện nay chưa thực sự hiệu quả, chưa gắn được trách nhiệm của cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo với hoạt động tiếp công dân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: VPQH |
Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, cần nghiên cứu, đánh giá về mô hình Ban tiếp công dân cấp huyện để đánh giá một cách toàn diện về tính hiệu quả, cơ sở pháp lý và đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành, đảm bảo tính thống nhất mô hình cơ quan tiếp công dân từ Trung ương đến cơ sở.
Bên cạnh đó, việc quy định tiếp công dân thường xuyên của một số cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa phù hợp với thực tiễn do đặc điểm, tính chất quản lý nhà nước của mỗi cơ quan có sự khác nhau nên có nhiều cơ quan số lượng công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc lĩnh vực phụ trách không nhiều, vì vậy cần sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, tránh hình thức và đảm bảo khả thi.
Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, nhất là đối với trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại; trong đó tập trung đánh giá về việc tổ chức tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu, về mô hình Ban tiếp công dân cấp huyện, việc tiếp công dân trực tuyến, việc xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh của công dân.
Thảo luận về kết quả giám sát, nhiều Ủy viên UBTVQH cũng bày tỏ băn khoăn khi tỷ lệ tổ chức tiếp công dân của các Bộ, UBND các cấp theo quy định còn thấp. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chỉ ra, nhiều chủ tịch UBND các cấp không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa, không thi hành án hành chính. Bà Nga đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo kiểm điểm các trường hợp này.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, dù công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có cố gắng nhưng tình hình chưa chuyển biến căn bản, rõ rệt, còn nhiều nan giải, phức tạp và khó lường. Công tác tiếp công dân xử lý đơn ở một số nơi chưa cao; việc giải quyết một số vụ việc còn chậm, sai sót, nhất là giải quyết lần đầu; tỷ lệ giải quyết vụ việc, khiếu kiện theo thẩm quyền của một số địa phương đạt thấp… Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị báo cáo cần bổ sung rõ địa chỉ, rõ vụ việc, rõ trách nhiệm, nhất là những nơi chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu.
Cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân; quan tâm giải quyết kịp thời, có lý, có tình những vụ việc khiếu kiện, tố cáo ngay từ cơ sở, nơi phát sinh vụ việc – Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Nhấn mạnh yêu cầu sau khi ban hành Nghị quyết về giám sát chuyên đề này sẽ tạo được một nề nếp mới, chuyển biến cơ bản trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, tạo cơ sở để giám sát quá trình thực hiện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cần rà soát, đánh giá về tính khả thi của quy định pháp luật về tiếp công dân hiện hành, làm rõ quy định nào không phù hợp, là do không tổ chức thực hiện được hay do bản thân quy định đó không phù hợp; cách thức để tăng cường trách nhiệm người đứng đầu. Nếu quy định pháp luật đầy đủ, khả thi thì phải thực hiện nghiêm; nếu quy định pháp luật khó thực hiện thì cần có phương án khắc phục cụ thể.
Tại phiên họp, UBTVQH đã nhất trí thông qua về mặt nguyên tắc Nghị quyết của UBTVQH về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. |
Đ. KHOA