Các ngân hàng châu Á thu lợi từ xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ

(BKTO) - Theo đánh giá thường niên về ngân hàng toàn cầu của tổ chức McKinsey được công bố mới đây cho thấy các ngân hàng trên khắp châu Á đang thu lợi từ xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát trên toàn cầu.

Các ngân hàng châu Á thu lợi từ việc tăng lãi suất

kb-financial-group-reuters.jpg
Một chi nhánh của tập đoàn tài chính KB Financial Group - Nguồn: Reuters

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất trong năm nay đã tác động đến nhiều ngân hàng trung ương châu Á (trừ  Nhật Bản và Trung Quốc do vẫn duy trì lãi suất thấp hoặc cắt giảm lãi suất).

Theo đánh giá thường niên về ngân hàng toàn cầu của tổ chức McKinsey được công bố trong tháng này, lợi nhuận của các ngân hàng trên toàn thế giới năm 2022 đã đạt mức cao nhất trong 14 năm. Theo số liệu được công bố, doanh thu của các ngân hàng đã đạt 6.500 tỷ USD, cùng với đó, việc lãi suất cao hơn thúc đẩy tỷ suất lợi nhuận ròng (NIM) tăng mạnh. 

Tại Singapore, ngân hàng DBS, đã báo cáo lợi nhuận ròng tăng 35% trong ba tháng tính đến tháng 9. KB Financial Group, tập đoàn tài chính hàng đầu của Hàn Quốc tính theo tài sản, cho biết lợi nhuận ròng đã tăng 19% so với cùng kỳ lên 8.300 tỷ won (6,4 tỷ USD) trong 9 tháng kể từ đầu năm.

Tại Ấn Độ, NIM của các ngân hàng thương mại đã tăng 22 điểm cơ bản lên 3,1% trong trong quý 3/2022, mức cao nhất trong một năm.

Theo McKinsey, trong ngắn hạn các ngân hàng trung ương vẫn sẽ giữ lãi suất ở mức cao để kiềm chế lạm phát. Đây là tin tốt cho những ngân hàng, khi lãi suất tăng sẽ nâng cao khả năng sinh lời trong các lĩnh vực như tài chính tiêu dùng.

Nguy cơ tiềm ẩn từ chính sách thắt chặt tiền tệ

suy-thoai-kinh-te-my.jpg
Việc tăng lãi suất ồ ạt khiến nền kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái trong năm 2023 - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), khi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đồng loạt tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái trong năm 2023 và các nền kinh tế đang phát triển, mới nổi sẽ đối mặt với khủng hoảng tài chính.

Chủ tịch WB David Malpass cho biết tăng trưởng toàn cầu đang giảm tốc và có khả năng chậm hơn nữa khi nhiều quốc gia rơi vào suy thoái. Theo ông Malpass, mối lo ngại sâu sắc của ông là những xu hướng trên sẽ tiếp diễn, với những hậu quả tàn phá lâu dài ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi.

Ayhan Kose, một quan chức cấp cao của WB nhận định việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa gần đây có thể sẽ hữu ích trong việc giảm lạm phát. Nhưng do tính đồng bộ cao giữa các quốc gia, chính sách này có thể tác động lẫn nhau trong việc thắt chặt các điều kiện tài chính và khiến tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Do đó, các nhà hoạch định chính sách tại các thị trường mới nổi cần sẵn sàng ứng phó với những tác động tiềm ẩn từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu.

Ayhan Kose, một quan chức cấp cao của WB nhận định việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa gần đây có thể sẽ hữu ích trong việc giảm lạm phát. Nhưng do tính đồng bộ cao giữa các quốc gia, chính sách này có thể tác động lẫn nhau trong việc thắt chặt các điều kiện tài chính và khiến tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại.

Một số chuyên gia bày tỏ quan ngại rằng việc tăng lãi suất trên diện rộng mà thiếu sự phối hợp và tính toán các tác động tới nhu cầu toàn cầu có thể dẫn tới các tổn hại không đáng có cho nền kinh tế thế giới.

Việc ngân hàng trung ương của các nước cố gắng đưa ra các biện pháp riêng rẽ nhằm kiểm soát lạm phát trong nước một cách hiệu quả là điều cần thiết, song khả năng cao cũng sẽ đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào một cuộc suy thoái sâu hơn mức cho phép.

Theo WB, các nước nên tham khảo cách các nền kinh tế tiên tiến đã cùng hạ giá đồng USD vào giai đoạn 1985-1987, từ đó có thể phối hợp thúc đẩy một biện pháp tăng lãi suất chung nhằm giảm thiểu các rủi ro cho nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Fed mới là cơ quan đóng vai trò động lực thúc đẩy việc tăng lãi suất trên quy mô toàn cầu. Do vậy theo các chuyên gia, Fed cần xem xét nghiêm túc tác động của các chu kỳ tăng lãi suất tại Mỹ đối với phần còn lại của thế giới.

Đối với các thị trường châu Á mới nổi, một số nhà phân tích nhận định trong vòng 25 năm qua, các nền kinh tế này đã trưởng thành và lành mạnh hơn, đồng thời có khả năng chịu áp lực tỷ giá hối đoái tốt hơn.

Cùng chuyên mục
Các ngân hàng châu Á thu lợi từ xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ