Các ngân hàng trung ương liệu sẽ hạ lãi suất?

(BKTO) - Lạm phát hạ nhiệt và tăng trưởng kinh tế trì trệ đã khiến Ngân hàng Trung ương của các nền kinh tế lớn đang phải cân nhắc nhiều hơn về quyết định cắt giảm lãi suất.

Châu Âu sẽ "tiên phong" đảo ngược chính sách tiền tệ

ecb.jpg
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu  - Nguồn: sưu tầm

Theo tạp chí Australia Financial Review (AFR) đánh giá, rất có thể Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và 20 quốc gia thuộc Khu vực đồng euro (Eurozone) sẽ sớm trở thành "người tiên phong" đảo ngược chính sách tiền tệ. Hiện mọi dự báo đều đang nghiêng về hướng các ngân hàng này sẽ hành động cùng lúc với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào tháng Sáu tới, nhưng không loại trừ khả năng các nhà hoạch định chính sách châu Âu sẽ muốn đẩy nhanh tiến độ và hạ lãi suất sớm hơn.

BoE và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tuyên bố sẽ dựa trên dữ liệu thực tế để điều hành chính sách tiền tệ. Nhưng khi nhìn vào các dữ liệu hiện nay, có thể thấy rằng cả hai nền kinh tế đều đang trải qua lạm phát tăng chậm lại và tăng trưởng kinh tế “ì ạch” hoặc thậm chí là “đứng yên”.

Tại châu Âu, kinh tế Eurozone chỉ tăng trưởng 0,5% trong quý IV/2023. Tăng trưởng tại Tây Ban Nha, Italy và Hà Lan đã bù đắp cho phần tăng trưởng giữ nguyên của Pháp và suy thoái kỹ thuật của Đức. Ngành công nghiệp của khu vực này đang nỗ lực tự vực dậy, nhưng người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu. Mặc dù vậy, đã có những gam màu sáng trong các dự báo tăng trưởng và phục hồi kinh tế của khu vực này vào năm 2024.

Trong một ghi chú gần đây, Oxford Economics lưu ý rằng Eurozone đã đạt đến “giai đoạn giữa, nơi mà nguồn dữ liệu cứng (các yếu tố chính về tăng trưởng) vẫn còn yếu, nhưng các chỉ số hàng đầu cho thấy triển vọng đã được cải thiện”.

Trong tháng 1/2024, lạm phát của Eurozone ở mức 2,8%, giảm 0,1% so với mức của tháng cuối năm 2023. Trong điều kiện lạm phát tiếp tục giảm, môi trường hiện tại có vẻ khá an toàn để ECB bắt đầu giảm lãi suất.

Còn tại Anh, các dữ liệu phát hành mới đây cho thấy nền kinh tế quốc gia này đã rơi vào suy thoái trong quý IV/2023. Nhưng vì đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế này sẽ tự “thoát hố" suy thoái vào giữa năm nay, nên BoE không cần thiết phải quá lo lắng để ngay lập tức đảo chiều chính sách tiền tệ thắt chặt hiện có. Giống như ECB, BoE có thể sẽ theo dõi chặt chẽ giá cả và tiền lương để đưa ra quyết định cuối cùng.

Trong tháng 1/2024, lạm phát của Anh tiếp tục giữ nguyên mức 4% của tháng trước đó. Giá năng lượng giảm và nền kinh tế nhiều khó khăn được dự báo sẽ đưa lạm phát quay về ngưỡng mục tiêu 2% vào tháng Tư. Đây có lẽ là lý do giải thích vì sao các thị trường kỳ vọng BoE sẽ theo chân Fed và bắt đầu cắt giảm lãi suất. Nhưng một số thành viên trong Ủy ban chính sách tiền tệ (MPC) của BoE dường như vẫn chưa sẵn sàng để “nhấn nút” hạ lãi suất.

Đầu tháng Hai, Thống đốc BoE, Andrew Bailey, đã nói rất rõ ràng rằng cơ quan điều hành chính sách tiền tệ Anh sẽ cắt giảm lãi suất, nếu các tin tức về lạm phát được cải thiện. Có vẻ như ông Bailey đã không cố gắng thuyết phục các thị trường ủng hộ triển vọng cắt giảm lãi suất vào giữa năm nay.

MPC sẽ không nhóm họp trở lại cho tới ngày 21/3. Hầu hết các thành viên của Ủy ban đều cho thấy sự không sẵn sàng cắt giảm lãi suất vào kỳ họp tới. Trong trường hợp BoE quyết định hành động trước Fed, thì có lẽ cuộc họp ngày 9/5 sẽ là thời điểm quan trọng để ấn định điều đó.

c

fed-afp.jpg
FED cảm thấy lo ngại về những rủi ro của việc hạ lãi suất quá sớm - Ảnh minh họa

Theo biên bản cuộc họp ngày 30-31/1 của Fed cho thấy phần lớn các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng này lo ngại về những rủi ro của việc hạ lãi suất quá sớm. Đồng thời Fed vẫn chưa chắc chắn về việc nên giữ lãi suất ở mức hiện tại trong bao lâu.

Báo cáo cho biết hầu hết những người tham gia cuộc họp đều lưu ý rủi ro của việc nới lỏng lập trường chính sách quá sớm, và chỉ có một vài người đề cập đến rủi ro đối với nền kinh tế nếu duy trì lập trường thắt chặt quá mức trong thời gian quá dài.

Dù các quan chức Fed tin rằng lãi suất có thể được cắt giảm trong năm nay từ khoảng 5,25%-5,50% được duy trì từ tháng 7/2023, tuyên bố chính sách từ cuộc họp 31/1 vẫn thể hiện rất rõ rằng Fed cần tin chắc hơn về sự suy giảm của lạm phát trước khi bắt đầu hạ lãi suất.

Biên bản này cho biết nhiều quan chức Fed vẫn lo ngại rằng đà giảm của lạm phát có thể chững lại nếu kinh tế Mỹ tiếp tục đà tăng trưởng như hiện tại.

Theo biên bản nói trên, Fed đã đề cập đến nhiều nguy cơ, từ những rủi ro đáng kể trong hệ thống tài chính Mỹ, trong đó tình trạng giá bất động sản thương mại sụt giảm, đến khả năng đà giảm của lạm phát có thể mất nhiều thời gian hơn dự đoán.

Sau khi biên bản trên được công bố, giới đầu tư vẫn dự đoán Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng Sáu.

Biên bản này đã củng cố những thông điệp gần đây từ các quan chức Fed rằng họ sẽ không vội vàng hạ lãi suất, điều mà nhiều quan chức vẫn dự đoán sẽ diễn ra trong năm nay.

Trong một bình luận ngày 21/2, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond Thomas Barkin đã thể hiện lo ngại về tình trạng lạm phát kéo dài trong ngành dịch vụ và nhà ở.

Ông cho rằng số liệu được công bố kể từ cuộc họp gần đây nhất, trong đó cho thấy tăng trưởng việc làm mạnh mẽ và lạm phát tăng cao hơn dự đoán, đã khiến cho khả năng hạ lãi suất trở nên “khó hơn”.

Theo số liệu được Cục Thống kê Lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 13/2, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 1/2024 đã tăng cao hơn mức dự báo, giữa lúc chi phí thuê nhà và chăm sóc sức khỏe tăng lên, song chiều hướng gia tăng lạm phát nhiều khả năng không thay đổi kỳ vọng cho rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024.

Số liệu mới cho thấy CPI của nền kinh tế Mỹ trong tháng 1/2024 tăng 0,3%, sau khi tăng 0,2% hồi tháng 12/2023. Điều chỉnh hàng năm đối với dữ liệu CPI được công bố hôm 9/2 nhìn chung cho thấy lạm phát đang có xu hướng giảm sau khi tăng vọt trong năm 2022.

Đáng chú ý, trong tháng 1/2024, CPI của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trước đó, các nhà kinh tế được Reuters thăm dò dự báo CPI tăng 0,2% trong tháng 1/2024 và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy vậy, mức tăng giá tiêu dùng hàng năm đã giảm mạnh so với mốc cao nhất là 9,1% hồi tháng 6/2022.

Mặc dù giá tiêu dùng vẫn ở mức cao, song các biện pháp được Fed sử dụng cho mục tiêu duy trì lạm phát ở mức 2% đã được cải thiện đáng kể. Chiều hướng gia tăng Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đã chậm lại ở mức hàng năm là 1,7% trong quý IV/2023, so với 2,6% trong quý III/2023. Trong khi đó, chỉ số giá PCE cốt lõi tăng 2,0%, không thay đổi so với quý III/2023.

Trong khi một số nền kinh tế lớn gặp khó khăn thì nền kinh tế Mỹ lớn nhất thế giới vẫn đang tương đối ổn định. Cả kinh tế Nhật Bản và Anh đều suy giảm trong quý IV/2023. Với cả hai nước này, đây đều là quý thứ hai liên tiếp tăng trưởng âm, đồng nghĩa với việc cả hai nền kinh tế lớn này đều đã rơi vào suy thoái.

Tuy nhiên, tại Mỹ, nền kinh tế vẫn tiến lên phía trước trong quý IV/2023, đánh dấu quý thứ sáu tăng trưởng liên tiếp. Diễn biến này trái ngược với nhiều dự đoán được đưa ra hồi năm ngoái rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ khó tránh khỏi suy thoái vì tác động của lãi suất cao.

Nền kinh tế Mỹ có thể duy trì được thể trạng tốt như thế một phần lớn là nhờ chi tiêu hộ gia đình, yếu tố chiếm phần lớn nền kinh tế nước này, vẫn mạnh mẽ bất chấp nhiều thách thức.

Chính sách kích thích của chính phủ đã giúp các hộ gia đình vượt qua giai đoạn đầu của đại dịch và sự leo thang của lạm phát. Và giờ đây, sự gia tăng tiền lương đang giúp họ ứng phó với tình trạng giá hàng hoá và dịch vụ cao.

Báo cáo được công bố ngày 15/2 cho thấy có ít người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu hơn trong tuần trước. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy thị trường việc làm của Mỹ vẫn rất khoẻ mạnh, bất chấp làn sóng sa thải gây chú ý trong thời gian gần đây. Sự vững mạnh của thị trường lao động đang góp phần hỗ trợ nền kinh tế.
Tất nhiên, vẫn còn nhiều nguy cơ, và giới chuyên gia cho rằng vẫn chưa thể loại bỏ nguy cơ suy thoái. Lạm phát có thể tăng trở lại. Những lo ngại về khối nợ lớn của Chính phủ Mỹ có thể chi phối các thị trường tài chính, từ đó dẫn đến các khoản vay để mua ô tô và các tài sản khác trở nên đắt đỏ hơn. Ngoài ra, tình trạng thua lỗ gia tăng liên quan đến lĩnh vực bất động sản thương mại có thể là một vấn đề lớn đối với hệ thống tài chính.

Theo một khảo sát mới đây của ngân hàng Morgan Stanley, ứng phó với lạm phát vẫn là mối lo ngại hàng đầu của người tiêu dùng Mỹ, ngoại trừ những người có thu nhập hơn 150.000 USD.

Cùng chuyên mục
  • Cơ quan giám sát chống rửa tiền toàn cầu điều chỉnh "danh sách xám"
    2 tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Cơ quan toàn cầu giám sát chống rửa tiền, Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF), thông báo rằng Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã được loại bỏ khỏi "danh sách xám" các quốc gia phải tăng cường giám sát, trong khi Kenya và Namibia đã được thêm vào danh sách này.
  • Những tín hiệu lạc quan từ đầu năm mới
    2 tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan, sản xuất công nghiệp tăng mạnh, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả tốt, giải ngân vốn đầu tư công có những chuyển biến mạnh mẽ... Đó là những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm 2024.
  • Quy định mới về định giá đất
    3 tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 12/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về giá đất và Nghị định 10/2023/NĐ-CP ngày 3/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
  • Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương
    3 tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 135/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
  • Lãi vay, phương thức thanh, quyết toán dự án đầu tư theo hợp đồng BT tại Thành phố Hồ Chí Minh
    3 tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 11/2024/NĐ-CP quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán dự án đầu tư theo hợp đồng BT; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM).
Các ngân hàng trung ương liệu sẽ hạ lãi suất?